Tuy nhiên có một “điểm đen” của kì họp báo này mà hầu như không game thủ nào nuốt cho qua nổi. Đó là màn công bố Diablo: Immortal, ra mắt trên hệ máy di động với phản ứng tiêu cực trên mọi khía cạnh. Cho tới hiện tại, đoạn Cinematic trailer của Diablo Immortal đã nhận được tới 687.000 lượt Dislike trên tổng số 700.000 lượt bình chọn. Lượng dislike lớn nhất từ trước đến giờ cho một tựa game trên thế giới. Phá vỡ hoàn toàn các kỉ lục trước đây của Call of Duty Ghost, Call of Duty Infinite Warfare… Điều tương tự cũng đang xảy ra với đoạn Gameplay trailer và toàn bộ những video chính thức của hãng Blizzard về tựa game này. Không chỉ có lượng dislike cao mà trong phần comment cũng tràn ngập những bình luận căm phẫn, thách thức và hiện tại trên hầu hết mọi diễn đàn game, Diablo: Immortal đang là đối tượng bị phê bình, chê bai và châm biếm ngày càng nhiều.
Vậy đâu là lí do khiến Diablo lại nhận phải những phản ứng tiêu cực toàn diện như vậy, các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của KenhTinGame nhé.
1/ Đáng ra không nên công bố Diablo Immortal ở BlizzCon
Theo truyền thống suốt bao năm nay, BlizzCon không chỉ là một buổi họp báo, mà còn là một buổi lễ phô diễn sự tự hào, niềm kiêu hãnh của Blizzard, hãng game kì cựu được các game thủ yêu mến dài lâu nhất từ trước đến giờ.
Vậy nhưng, kì BlizzCon 2018 năm nay thực sự là một ác mộng, sự kiện lớn nhất của năm để công bố những tựa game mới trở nên đắng cay vô cùng. Khi sự kì vọng tan vỡ, dường như không ai có thể chịu nổi; thay vì sự phấn khích thì là sự chỉ trích, mệt mỏi, thậm chí là ghê tởm trong những cuộc bàn luận về tình hình của Diablo: Immortal.
Cũng có thể Diablo Immortal là một tựa game hay, nhưng chiến dịch PR cho nó quả là một thảm họa
Chính ra, Diablo: Immortal thực sự không phải là một tựa game tồi, với những ai không biết quá nhiều về Blizzard và những tựa game của hãng thì thực sự, Diablo: Immortal có gameplay cùng hệ thống điều khiển hết sức mượt mà, trôi chảy, gợi nhớ lại cho người chơi cảm giác của Diablo III. Nhưng chỉ khi nói chuyện với fan thì mọi người mới hiểu tại sao họ căm tức đến vậy. Vấn đề không hẳn nằm ở chất lượng của tựa game, mà nó nằm ở thời gian, địa điểm nó được công bố.
Bằng chứng là đoạn video ghi lại cảnh Blizzard chết đứng người, bị fan la ó ngay tại sự kiện “Sân nhà” BlizzCon của mình năm nay, một sự kiện chưa từn gcos tiền lệ xảy ra.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Diablo III ra mắt và Starcraft II hoàn thành trọn vẹn chặng đường của mình. Với hàng loạt tin đồn phong thanh về những dự án Diablo mới đang được bắt tay vào thực hiện. Các fan ai nấy đều khấp khởi, mừng vui, mong chờ. Và khi tin về một bản Diablo mới sắp được công bố vào cuối buổi họp báo BlizzCon, dường như các game thủ ai nấy đều sắp vỡ tung ra bởi theo truyền thống mọi năm, đó là thời điểm cho những sự kiện công bố to lớn, thời điểm họ công bố những thứ tuyệt vời nhất, những tựa game hay nhất, giàu truyền thống nhất.
Chứ không phải một tựa game mobile.
Có thể tựa game này chơi sẽ khá là hay, đáng để các game thủ dành thời gian của mình ra. Nhưng chiến dịch PR của nó thì là một thảm họa thật sự.
2/ Mối lo ngại mang tên Made in China
Là fan của Diablo, của game từ hãng Blizzard, hẳn đó phải là những game thủ kì cựu, giàu truyến thống và vì lẽ đó, hẳn nhiên rất là khó tính. Thế nên việc hợp tác với một hãng game Trung Quốc là một ý tưởng không lấy gì làm thú vị cho lắm, nếu không muốn nói là rất đáng giận khi mang hình bóng một pháp sư Trung Hoa vào một tựa game có bối cảnh tăm tối đậm chất tôn giáo Châu Âu thời Trung Cổ. Không chỉ bực tức vì gameplay bị Tàu Hóa mà bản thân NetEast, hãng game Blizzard cộng tác cùng để làm ra Diablo Immortal cũng không có danh tiếng tốt. Bởi hoặc hãng làm ra những tựa game đơn giản, không nhiều chiều sâu. Hoặc khi đã làm ra những tựa game chất lượng, có chiều sâu cao thì cuối cùng lại đè nó ra làm bò vắt sữa.
Hình ảnh gameplay của Crusader of Light …
Để làm nên cơ nghiệp của mình, hãng game khổng lồ này nổi tiếng những xuất phẩm RPG với những bức tường tra phí, hệ thống quay số ẩn giấu bên trong rút dần mòn tiền của người chơi, tiêu biểu nhất có thể kể đến Crusader of Light.
Ừ đúng là bạn có thể có được những mòn đồ khủng với sự kiên nhẫn và Rất Nhiều sự cày kéo, nhưng khi mà đỡ sao được các game thủ có thể đạt được thứ tương tự chỉ đơn giản bởi trả nhiều tiền hơn. Điều đó làm vỡ vụn cảm giác đạt được thành quả, tiến trình mà các fan game RPG quan tâm đến. Mà fan của Diablo, tựa game kì cựu bậc nhất thế giới game RPG, hầu hết vẫn chưa quên được “mùi” của hệ thống giao dịch tiền thật trong Diablo III. Thành thử nên khi Blizzard hợp tác với NetEast, sự phản đối của cộng đồng diễn ra như phản ứng chuông báo động mà thôi, trách sao được.
Và chuông báo đông càng réo mạnh mẽ hơn khi mọi người bắt đầu so sánh thiết kế game, cảm giác gameplay của Crusader of Light với Immortal. Và khi chính nhà làm game thừa nhận rằng Diablo Immortal sẽ dùng chung engine game với Crusaders of Light. Tiếng chuông báo động trở thành tiếng kêu gào phẫn nộ như mọi người đã biết đấy.
Qủa thật, việc biến Diablo, một tên tuổi gạo cuội thuộc hàng ông tổ của thế giới game RPG thành thứ hàng nhái của một tựa game… Trung Quốc nổi tiếng hút máu thật đúng là một sự xúc phạm không chỉ với chính tên tuổi series game này mà còn cả với cộng đồng game thủ nữa.
3/ Quay lưng lại với cộng đồng
“Đây (Diablo Immortal) có phải là một trò đùa cá tháng tư trái mùa không?” Khoảng khắc đáng nhớ của chàng “Anh hùng áo đỏ” kì BlizzCon năm nay
Hết sức đơn giản một điều, fan của hãng Blizzard là các game thủ PC, những người đã dõi theo bước chân của hãng từ ngày Blizzard thay đổi thế giới game RTS nói riêng và thế giới game nói chung với các siêu phẩm Warcraft, Starcraft làm say mê biết bao thế hệ game thủ suốt thập niên 1990 cho đến thời kì đầu thập niên 2000. Tất cả những tựa game đó, với chiều sâu bất tận cả về cốt truyện lẫn gameplay, chỉ có thể chơi trên hệ máy PC mà thôi. Điều đó đã là sự thật hiển nhiên suốt bao thập kỉ nay và dù cho hiện tại, khi thế giới game mobile đại diện cho một bộ phận lớn của các game thủ trên khắp thế giới. Cụ thể như Trung Quốc chẳng hạn, game mobile đã phát triển đến độ làm các NPH game phương Tây phải để mắt đến. Tuy nhiên, với Blizzard, cái tên lão làng của thế giới game, thì ít ra kì họp báo BlizzCon của hãng của là nơi thống trị bởi các game thủ PC kì cựu, đầy tự hào.
Và trong ngôi đền của những huyền thoại thì không thể không kể tên đến Diablo, tựa game đã đưa thể loại game RPG chặt chém lên bản đồ game thế giới. Khởi đầu là một tựa game thuần PC do có độ phức tạp cao về thao tác gameplay. Dần dần qua thời gian Diablo cũng thay đổi và thích ứng dần để có thể tồn tại và sống trên các hệ máy chơi game Console của Microsoft, Sony… Và thậm chí gần đây còn lên cả Nintendo Switch của hãng Nintendo. Tuy nhiên phải đối mặt với thực tế rằng phiên bản mởi nhất của tựa game họ hằng yêu thích chỉ hoàn toàn dành cho điện thoại di động khiến các fan kì cựu của series thực sự tan nát cõi lòng. Đối với họ, điều này cũng báng bổ như phiên bản mới nhất của Street Fighter hay Call of Duty chỉ độc quyền cho điện thoai jdi động vậy.
“Các bạn có điện thoại không?” là câu nói được phát ngôn viên của Blizzard xướng lên để đối chọi với sức ép nặng nề của các game thủ trong buổi họp báo BlizzCon vừa qua. Ngay sau khi nhận phải những tràng la ó khi tuyên bố rằng Diablo: Immortal hiện chỉ được lên kế hoạch để phát hành trên ĐTDĐ chứ chưa hề có kế hoạch nào để phát hành game trên PC. Và thứ cảm giác giận dữ đó sẽ còn tồn tại chừng nào Blizzard chưa có động thái sửa sai với sự tính toán sai lầm của họ.
4/ Ghét “lây” sang từ Activision
Khác với Blizzard, Activision là một trong những hãng game bị ghét nhất thế giới game (Có lẽ chỉ sau EA mà thôi) do cách vắt sữa, hút máu game thủ từ những tựa game của họ. Thành thử nên khi hai hãng game này hợp nhất thành Activion-Blizzard, một dự cảm không thể tránh được đã dấy lên trong cộng đồng game thủ, rằng Blizzard đang dần mất đi thứ ma thuật làm nó trở nên vĩ đại từ thuở nào. Dấu hiện đầu tiên là tự sự sụt giảm trong số lượng người chơi “hiện tượng thế giới game” World of Warcraft, đồng thời tựa game khổng lồ này cũng dần dần nhận phải nhiều sự chỉ trích hơn trước, chất lượng không cao của bản Starcraft Remastered cùng thành công đầy giới hạn của tựa game MOBA Heroes of the Storm chỉ ra vấn đề rằng – Blizzard mà mọi người hằng hay biết đã biến mất.
Không chỉ những triệu chứng bên ngoài Activision mà các hiện tượng bên trong cũng góp phần chứng minh cho căn bệnh Activision này. Hiện tượng đó là các lãnh đạo cấp cao, linh hồn của Blizzard lần lượt ra đi, từ Mike Morhaime, Ben Brode cho đến Chris Metzen; hoặc giả có còn lưu lại như Dustin Browder thì cũng không được nắm giữ những chức vụ chủ chốt nữa, cũng hầu hết các nhà phát triển game xưa giờ không nghỉ thì cũng dần dần rút khỏi các vị trí có sức ảnh hưởng lớn. Qua đó càng làm củng cố thêm giả thuyết của các fan rằng Activision đang vì chạy theo lợi nhuận mà đã dần bỏ qua sự mài dũa cẩn thận mang đặc trưng Blizzard năm nào.
THAY CHO LỜI KẾT…
Diablo: Immortal đang được nhìn nhận như là một mắt xích then chốt làm nên cái gọi là “Một Blizzard mới”, tức một hãng Blizzard với những tựa game muốn làm ra nhưng cứ cho ra mắt là thu về cả đống tiền; là triệt để chạy theo lợi nhuận bất chấp phải quay lưng lại với quá khứ, với truyền thống… Định hướng này cũng không hẳn là điều xấu bởi sẽ đưa Blizzard tiếp cnaaj được với số đông game thủ hơn, sẽ mang game của Blizzaard đến được với nhiều người hơn. Dẫu vậy nếu bạn là một fan lâu năm của game từ hãng Blizzard, của Diablo thì ắt hẳn khó mà chấp nhận được việc tựa game mình yêu thích giờ được tái tạo lại thành một xuất phẩm “hàng nhái” từ thứ phế phẩm Pay-to-win của Trung Quốc. Thay vì được làm nên như một bản Remastered chỉn chu, đàng hoàng để nhận được sự trân trọng của các fan, thì thay vì đó lại bị giáo huấn bằng bài phát biểu về việc Điện thoại Di động là một nền tảng chơi game hoàn hảo ra sao cho một tựa game mà trong hàng thập kỉ đã vươn lên phát triển nhờ nền tảng PC?
Vậy ý kiến của bạn về Diablo Immortal là ra sao? Hãy cho KenhTinGame biết đến trong phần comment nhé.