“Treo đầu dê, bán thịt chó” – Các NPH nợ game thủ một lời xin lỗi?

Game thủ chắc không còn xa lạ những bài viết quảng bá game với những cái tít cực kỳ hùng hồn, đáng tiếc là vẫn còn nhiều người đã tin vào những ca từ mỹ miều đó để rồi vừa chơi được một thời gian ngắn đã nhận lấy một sự thất vọng khôn tả.
Những cái tít “hùng hồn như lời đồn” của những bài quảng cáo game
Những cái tít “hùng hồn như lời đồn” của những bài quảng cáo game

Thực tế người chơi hoàn toàn không lạ gì với những lời quảng cáo theo kiểu “trong mưa ngoài nắng” như thế này. Điểm sơ qua thì không thiếu những tựa game mà cấu hình và nội dung trong game không tương ứng với những gì được quảng cáo.  Kiếm Thế là một cái tên lớn trong làng game kiếm hiệp Việt Nam, sau Võ Lâm Truyền Kỳ.  Với sự thành công ở trên bản PC, các gamer đã mong mỏi một ngày nào đó, NSX sẽ mang Kiếm Thế lên với nền tảng Mobile giống như đã làm với Võ Lâm Truyền Kỳ.

Kiếm Thế là tượng đài của làng game Việt Nam
Kiếm Thế là tượng đài của làng game Việt Nam

Một thời gian trước đây, cộng đồng game thủ Việt Nam đã dậy sóng khi phát hiện mình đã nhận phải một cú lừa. Cũng mang tên là Kiếm Thế, nhưng lại là Kiếm Thế Truyền Kỳ, cũng có những môn phái quen thuộc như Thiên Vương, Minh Giáo, Thúy Yên, Nga My,… nhưng cốt truyện không ăn nhập, nội dung không xây dựng dựa theo những gì được thể hiện trên bản Kiếm thế gốc. Được giới thiệu là sẽ mang đến một thế giới kiếm hiệp rộng lớn và chân thực chưa từng có, thế nhưng về lối chơi chẳng khác gì những tựa game kiếm hiệp khác, cũng vẫn là những nhiệm vụ được sắp đặt theo một trình tự, gây nhàm chán cho người chơi, hiệu ứng chiêu thức không có nhiều sự nổi bật. Dù có cố gắng để xây dựng một vài chi tiết cho giống với Kiếm Thế như là tên NPC, tên địa danh, tên lớp nhân vật…, nhưng sự gượng ép ở bên trong là điều có thể thấy rõ. Tóm lại, Kiếm Thế Truyền Kỳ chẳng mang lại được một cảm xúc nào cho những ai đã dành tình cảm cho tựa game kiếm hiệp lừng danh một thời này.

Kiếm Thế Truyền Kỳ không mang lại sự chân thực như quảng cáo
Kiếm Thế Truyền Kỳ không mang lại sự chân thực như quảng cáo

Những ngôn từ hoa mỹ như là “phỏng theo bộ phim bom tấn”, “chiêu thức chuẩn như phim”… là những gì NPH nói về Diệp Vấn Online. Thông điệp quảng cáo khiến nhiều game thủ lầm tưởng rằng game lấy cốt truyện từ bộ phim Diệp Vấn của Trung Quốc, nhưng sự thật là  nội dung chẳng có bất kỳ sự liên quan nào đến nhau.

Diệp Vấn Online có nội dung chẳng liên quan gì đến tên game
Diệp Vấn Online có nội dung chẳng liên quan gì đến tên game

Diệp Vấn Online không hề gây được ấn tượng nào từ khi ra mắt cho đến ngày đóng cửa dù  đã được kỳ vọng sẽ có sự đổi mới về lối chơi, nội dung, và đồ họa. Gameplay hấp dẫn, chiêu thức đa dạng, đồ họa ấn tượng, hình ảnh chi tiết, những tính năng mới lạ,… NPH đã giới thiệu về game một cách rất hùng hồn, nhưng những gì thể hiện trong game thì hoàn toàn ngược lại. Nền tảng đồ họa 2D cũ kỹ, hệ thống nhân vật không được bắt mắt, tỉ lệ khung hình không cân bằng, Diệp Vấn Online rõ ràng không mang lại được nhiều sự cải thiện so với các game online kiểu “mì ăn liền” trên thị trường, việc webgame này đóng cửa vào ngày 25/1/2017 là một kết cục tất yếu.

Sự thất bại của Diệp Vấn Online là kết cục tất yếu
Sự thất bại của Diệp Vấn Online là kết cục tất yếu

Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì? Áp lực về mục tiêu tăng trưởng và doanh thu đã khiến cho NPH phải làm mọi cách nhằm thu hút gamer. Để có thể lôi kéo người chơi, NPH đã không tiếc tiền đầu tư vào những cách thức quảng bá game khác nhau như là làm trailer, phim ngắn, mời người nổi tiếng làm đại diện,…nhưng mọi thứ vẫn không khả quan hơn là bao. Vì vậy những bài viết quảng cáo game được sử dụng như là công cụ để lăng xê cho game, đặc biệt nếu như người viết là những gamer nổi tiếng hoặc là những reviewer có uy tín thì game sẽ càng nhận được nhiều sự quan tâm của người chơi. Những ngôn từ mỹ miều nhằm tăng giá trị của game được sử dụng trong bài viết, với mục đích là kích thích sự tò mò, đánh vào tâm lý thích khám phá của người chơi.

Áp lực về doanh thu khiến NPH phải nghĩ mọi cách để game lôi cuốn hơn
Áp lực về doanh thu khiến NPH phải nghĩ mọi cách để game lôi cuốn hơn

Còn về phía người chơi, một trong những nguyên nhân khiến họ “ngậm đắng nuốt cay” sau khi đầu tư vào game đó chính là tin vào những ca từ trên những bài báo quảng cáo về game, không xem kỹ review cũng như là đánh giá và nhận xét của người chơi khác trước khi vào game. Những trường hợp này chiếm phần lớn trong số những lý do khiến người chơi từ bỏ một tựa game. Trao đổi với anh V.T.Q, một game thủ lâu năm của dòng game kiếm hiệp, anh chia sẻ: “Kỷ niệm đáng quên nhất của tôi trong quá trình chơi game đó là khi chơi Võ Lâm Kỳ Hiệp. Lúc đó game quảng cáo cũng dữ lắm, nào là không thua kém gì Võ Lâm Truyền Kỳ, rồi đồ họa tuyệt đỉnh, mang cả thế giới kiếm hiệp vào một màn hình điện thoại. Mấy đứa bạn tôi lập bang hội trong game rồi rủ tôi tham gia. Tôi cũng thử đăng ký rồi vào game. Sau khi xem qua trailer giới thiệu tôi cũng có ấn tượng khá tốt về game, nhưng càng về sau tôi thấy đồ họa game quá thô và cứng, nhiệm vụ trong game cũng không có gì đặc sắc, không có gì nổi bật hơn các dòng game kiếm hiệp khác. Dù rằng vào thời điểm đó với một game mobile thì không quá tệ, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ đối với tôi”. Có thể nói, công nghệ càng phát triển, người chơi càng khó tính, họ không tiếc tiền để đầu tư một dàn máy khủng chỉ để chơi game, nên họ có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở đồ họa và gameplay.

Công nghệ càng phát triển, gamer càng đòi hỏi nhiều hơn ở đồ họa và gameplay
Công nghệ càng phát triển, gamer càng đòi hỏi nhiều hơn ở đồ họa và gameplay

Có thể sau những gì đã trải qua, gamer đang dần mất niềm tin và cảm thấy chán nản. Nhưng bên cạnh vấn nạn quảng cáo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, vẫn có những tựa game làm ăn một cách tử tế, tạo cảm xúc và mang đến những trải nghiệm mới lạ cho người chơi như là God Of War, Grand Theft Auto, Battlefied 1…(game offline); Swordman X, PUBG, Cửu Âm Chân Kinh…(game online).  Trước thực trạng “chém gió” quá đà của các NPH và NSX về sản phẩm, gamer cần đủ tỉnh táo để không phải trải nghiệm game xong mới nhận ra đây là một cú lừa. Người chơi có thể nghiên cứu trước về game thông qua những clip review, những bình luận của cộng đồng được đăng tải ngay phía dưới của clip. Đồng thời, hãy tích cực truy cập vào fanpage để tìm hiểu và tham khảo đánh giá của những người chơi đã từng trải nghiệm qua sản phẩm. Trong thời buổi mà chẳng cái gì có thể chắc chắn và đảm bảo 100% thì các gamer chỉ còn có thể tin nhau mà thôi. Còn đối với các NPH, rõ ràng là nếu đem đồ họa, nội dung, cốt truyện, gameplay… trong game để so sánh với những gì họ đã quảng cáo, xem ra họ đang mắc nợ game thủ một lời xin lỗi.