Trong hai ngày qua, chuyện về đường dây “ăn bánh trả tiền” giữa hoa hậu với đại gia với mức giá 30.000 USD đang khá nóng trong cộng đồng mạng Việt Nam. Mọt Nghiêm Túc cũng muốn ăn theo “trend” này, và sau khi vắt chân lên trán suy nghĩ suốt hai ngày cuối tuần, tui nhớ lại rằng trong thế giới game thật ra cũng có không ít tay chơi đại gia nằm ẩn mình và chỉ bị lộ khi thú tính bất chợt bộc phát. Trong khi các đại gia ngoài đời chi 30.000 USD để sướng chỉ một lần, các game thủ nạp những khoản tiền không hề kém cỏi để phê lâu dài. Sau đây là danh sách một vài pha chi cực đậm, khiến người ta phê tới nóc và sướng nổi gai ốc mà Mọt tui được biết trong làng game.
Ở đây, Mọt chỉ nói đến các cá nhân sẵn lòng chi cả tấn tiền vào game mà mặt không biến sắc, còn các phi vụ triệu đô kiểu công ty, tập đoàn lớn như SEE mua hẳn một hành tinh tên Calypso để quảng bá cho bản thân trong thế giới ảo thì Mọt xin phép không nhắc đến vì nó quá vĩ mô.
“Jim Bự” cũng chi 30.000 USD vào We Heroes
We Heroes là một tựa game nhái Dota trên di động, kết hợp thẻ bài với hút máu bằng cash shop. Big Jim, game thủ chiếm vị trí top 1 tại server 12 của game hồi năm 2016 tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng anh có được vị trí này bằng cách chi 30.000 USD vào trò chơi. Game thủ đại gia này cũng tiết lộ rằng trước We Heroes, anh cũng đã nạp rất nhiều tiền vào Kingdoms of Camelot, World of Warcraft, Everquest và Asheron’s Call. Chỉ biết là rất nhiều, còn nhiều cỡ nào thì Jim không nói vì anh ta… quên mất chính mình nạp bao nhiêu rồi.
Jim có phải con cháu thất lạc gì đó của Warren hay Bill không mà chơi ngầu vậy? Thực tế Big Jim chỉ là một kỹ sư điện 55 tuổi làm việc tại Thung lũng Silicon, thủ đô các ngành công nghệ cao của Mỹ. Anh tham gia vào game đầu năm 2015, đổ 30.000 USD vào vào tài khoản của mình chỉ trong khoảng 1 năm. Game thủ này cho biết lý do mình nạp tiền là vì đua top với những game thủ khác. “Ban đầu tôi chỉ định vào top 10, nhưng rồi nghĩ rằng top 1 cũng không xa. Rồi khi lên top 1, tôi nghĩ nên chi thêm chút nữa để kéo giãn khoảng cách và khiến người khác không muốn giành top 1 khỏi tay mình.” Tất nhiên Jim bự không bao giờ tiết lộ mớ tiền tấn mà mình đổ vào game kia có nguồn gốc từ đâu.
Game thủ Nhật chi 70.000 USD trong Fate/Grand Order
Hai năm trước đây, game thủ 31 tuổi người Nhật Bản là Daigo cũng gây xôn xao làng game khi đốt 70.000 USD vào Fate/Grand Order. Số tiền này đem lại cho anh quyền sở hữu tất cả những nhân vật trong game, bao gồm vô số nhân vật nữ không chỉ đẹp như hoa hậu (theo tiêu chuẩn trong game) mà còn cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử như bà tổ ngành y tá Nightingale.
" alt=""
Daigo cho biết mình dành hầu hết thời gian trong ngày để chơi Fate/Grand Order, và chỉ ngừng chơi khi lái xe, tắm rửa hoặc ngủ. Các nhân vật trong trò chơi đôi khi ngốn của anh đến 2.500 USD để cường hóa lên tối đa, nhưng đây không phải là vấn đề quá lớn bởi nghe đồn game thủ này chơi cổ phiếu và trúng rất đậm. Anh cũng nói mình cảm thấy vui vì không phải rơi vào cảnh nợ nần dù chi lượng tiền khổng lồ vào game, và không bận tâm lắm đến số tiền đó vì kiếm quá dễ.
Đặc biệt, Daigo cho biết lý do mình bỏ tiền vào trò chơi là vì nội dung của nó. Game thủ này nói rằng chương đầu của trò chơi sâu sắc đến mức suýt nữa đã khiến mình rơi lệ vì xúc động, và game cũng rất hấp dẫn. “Một số người chi 18 USD mua vé xem phim và cảm động. Tôi thì khác một chút khi chi 70.000 USD vào Fate/Grand Order vì trò chơi làm tôi cảm động.”
125.000 USD để mua bản đặc biệt của GRID 2
Grid là một dòng game đua xe của Codemaster, và cũng như bao tựa game khác, nhà phát triển này sản xuất các phiên bản đặc biệt để phục vụ cho dân sưu tầm. Nhưng Grid 2: Mono Edition là một phiên bản hơn cả đặc biệt: với mức giá 125.000 USD, nó có được một vị trí trong sách kỷ lục Guiness 2014 với danh hiệu là bản game đắt giá nhất. Grid 2: Mono Edition không giữ vị trí là bản game đắt nhất được lâu bởi một số bản game khác thậm chí còn cắt cổ hơn được đưa ra, chẳng hạn bản Saints Row 4 Wub Wub Edition giá 1 triệu đô, nhưng Grid 2: Mono Edition đặc biệt ở chỗ có game thủ thực sự mua nó!
Vậy thì Grid 2: Mono Edition có gì hấp dẫn để game thủ quẹt thẻ? Khi mua phiên bản này, game thủ sẽ nhận được một chiếc xe đua thật, cực hiếm là chiếc BAC Mono do hãng Briggs sản xuất. Đây là một chiếc xe mà người ta có thể lái trên đường chứ không phải chỉ trong trường đua, và sở hữu những thông số ấn tượng như tăng tốc lên 100km chỉ trong 2,8 giây, đạt tốc độ cao nhất 274km/h.
Người đủ giàu để mua bản game này là Deadmau5, một siêu sao DJ kiêm game thủ hạng nặng. Hồi năm 2011, Deadmau5 từng xin nhà thiết kế game Shigeru Miyamoto – cha đẻ của Donkey Kong, Mario, Legend of Zelda và nhiều game khác – ký lên tay mình và sau đó biến dòng chữ ký đó thành hình xăm trên cánh tay.
Nạp triệu đô vào game rồi… bay hơi vì bạn bè
Cuối năm ngoái, có tin nói rằng một game thủ Trung Quốc đã chi 1,4 triệu USD vào tài khoản game Nghịch Thủy Hàn Online (do NetEase phát hành) rồi cho bạn mượn, nhưng ông bạn quý hóa này đã treo acc lên chợ trời bán với giá… 3880 Tệ, khoảng 552 USD. Mức giá rẻ như cho này là một sai lầm bởi theo lời khai của ông bạn quý, anh ta định bán với giá 388.000 Tệ nhưng do thiếu ngủ nên gõ nhầm số.
Không rõ trong tài khoản đó có gì, nhưng nó nhanh chóng bị hốt đi trước khi người đăng bán kịp hủy bỏ món hàng. Khi hay tin, chủ nhân tài khoản đã kiện ra tòa và cuối cùng được NetEase trả lại tài khoản, còn ông bạn quý hóa phải bồi thường 90.000 Tệ cho người mua.
Dĩ nhiên không thể thiếu các đại gia Việt
Trong làng game Việt, có lẽ tựa Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG là nơi tụ họp nhiều đại gia chi đậm nhất. Trong trí nhớ của Mọt, VLTK có một vài phi vụ khủng hơn cả con số 30.000 USD mà các đại gia chi ra để sướng vui một đêm. Còn nhớ hồi năm 2008 từng có vị đại gia sở hữu tài khoản Nga Mi giá 1,2 tỉ đồng (khoảng 52.000 USD) chưa bao gồm những món đồ cao cấp như cặp Vô Danh Giới Chỉ, hay các tài khoản từng nạp tiền tỉ TayChơiBốGià, Louis Vuitton, Excarvator… Bên phía VTC có tài khoản Đột Kích Cuồng Long mà chủ nhân của nó tiết lộ là đã nạp khoảng 2 tỉ, với 28 món vũ khí VIP và các nhân vật trong game cùng những tài khoản trăm triệu khác. Không cần kể đến rất nhiều đại gia khác mà Mọt tui không biết đến trong các tựa game đã từng hoặc đang vận hành trong những tựa game trên khắp thế giới.
Nói chung với các game thủ thì “một khi đã máu đừng hỏi bố cháu là ai”, hễ cảm thấy trò chơi xứng đáng để tiêu tiền là họ sẽ chơi tới bến. Tuy nhiên đại gia có thể gánh cả trò chơi trên lưng như các ví du trên chỉ là số ít, và đa số chúng ta chỉ là những game thủ bình thường nên hãy lượng sức mình trong việc tiêu tiền vào game. Đừng để những phương tiện truyền thông “antigame” có cớ lôi chuyện game thủ nạp tiền ra làm vũ khí công kích phương thức giải trí lành mạnh của mình, bạn nhé!