Take-Two Interactive, công ty khổng lồ sở hữu các hãng game hàng đầu ngành công nghiệp như Rockstar hay 2K, hoàn toàn ủng hộ mô hình trò chơi-dịch vụ, và đang lên kế hoạch chỉ phát hành các tựa game với “có khả năng được tiếp cận một cách thường xuyên” và “liên tục thúc đẩy doanh thu từ người dùng”.
Hay nói một cách đơn giản hơn: các trò chơi do công ty sở hữu sẽ luôn tích hợp kèm tính năng mua bán vật phẩm bằng tiền thật, bắt đầu từ thời điểm này.
Trong một cuộc họp với các nhà đầu tư ngày hôm qua, giám đốc điều hành Strauss Zelnick đã đưa Grand Theft Auto V làm ví dụ để cho thấy sự thành công của chiến lược này.
Nhờ vào mục chơi trực tuyến của nó (và một số bản phát hành lại), GTA V đã bán được 85 triệu bản. Tức nhiều hơn toàn bộ series Legend of Zelda lẫn Tom Clancy, với “chỉ” 82 triệu từ tất cả các phiên bản trò chơi. Chắc cũng không cần nói, bạn cũng hiểu đây là một con số khổng lồ và tiềm năng kiếm thêm từ cộng đồng là không hề ít.
Do đó – sau khi đề cập đến các tính năng trực tuyến trong Red Dead Redemption II – Zelnick đã nói rằng:
“Chúng tôi mong muốn có các lựa chọn thúc đẩy người dùng chi tiêu liên tục cho mọi sản phẩm đến từ công ty. Nó không nhất thiết phải luôn là một mô hình trực tuyến. Cũng không phải lúc nào cũng là một mô hình tiền ảo. Nhưng sẽ có một số khả năng khiến người dùng phải tương tác liên tục với các trò chơi của chúng tôi sau khi phát hành.
“Đó là sự thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh của chúng tôi […], những trải nghiệm kéo dài hàng chục giờ, hoặc có thể là hàng trăm giờ, sẽ trở thành một thứ phải tiếp diễn liên tục, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác. Khách hàng sẽ yêu thích những tiêu đề này và biến chúng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của họ.”
Xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, khi doanh thu kỹ thuật số đã chiếm một khoản lớn hơn bao giờ hết trong lợi nhuận của các nhà xuất bản tên tuổi xuyên suốt vài năm qua. Giám đốc tài chính của EA, ông Blake Jorgensen, cho biết trong cuộc họp thu nhập mới nhất của họ, rằng:
“Chúng tôi nhận thấy các đơn vị bán hàng đang ngày càng trở nên ít có ý nghĩa hơn trước. Công ty hiện đang hướng đến mô hình dịch vụ trực tiếp đến các trò chơi.”
Tương tự, một vị giám đốc điều hành tại Activision-Blizzard tiết lộ hãng đã thu về 1 tỷ USD doanh thu từ các hoạt động giao dịch in-game trong quý 3.
Có lẽ viễn cảnh “nhà nhà microtransaction, người người microtransaction” chuẩn bị đến. Cũng thật khó hiểu, bởi cộng đồng liên tục lên tiếng chỉ trích và phàn nàn về các kế hoạch “hút máu” tinh vi này, nhưng tiền vào túi các hãng sản xuất thì cứ đều đều như vắt chanh. Hỏi sao họ không triển khai chúng nhiều hơn nữa, khi bạn không chỉ thu về rất nhiều tiền và liên tục trong một thời gian dài, thay vì chỉ bán 1 lần rồi thôi.