Đánh giá Super Meat Boy Forever – “Taken” phiên bản trò chơi điện tử

Phần sequel của tựa game platformer từng gây "bão" vào năm 2010 mang đến nhiều thay đổi trong gameplay khiến fan không khỏi bỡ ngỡ.

Đánh giá Super Meat Boy Forever – Ra mắt vào năm 2010, tựa game indie Super Meat Boy đến từ nhà phát hành kiêm sản xuất Team Meat đã thực sự khiến cho cả làng game phải dậy sóng bởi lối chơi platforming đầy tính toán nhưng cũng dễ gây nghiện cùng với độ khó có thể nói là có một không hai.

Không chỉ đạt được doanh thu khủng cùng nhiều đánh giá tích cực, game Super Meat Boy còn được đánh giá là phát pháo mở đầu cho hàng loạt cho các sản phẩm indie chất lượng về sau và đồng thời nó cũng góp phần không nhỏ trong việc khẳng định chỗ đứng của mảng game indie trong ngành công nghiệp này.

10 tựa game indie cảm hứng hoài cổ hấp dẫn nhất
10 tựa game indie cảm hứng hoài cổ hấp dẫn nhất
Chúng ta vẫn biết retro là khái niệm phổ biến, đem tới nhiều hứng thú cho cộng đồng, đặc biệt đối với những game độc lập. Những hình ảnh phong cách pixel, âm thanh 8-bit hay cách chơi, gợi nhớ những tựa game huyền thoại một thời thực sự là làn sóng hấp dẫn sẽ...

Thành công của Super Meat Boy giúp cho thương hiệu thu về một lượng fan cực kì hùng hậu và dĩ nhiên ai cũng đều mong muốn chuyến phiêu lưu của anh chàng thịt viên đỏ hỏn sẽ được tiếp tục chứ không dừng lại. Tuy vậy phải sau gần một thập kỷ, các game thủ mới có thể tiếp tục được đồng hành cùng Meat Boy trong phần sequel vừa được phát hành vào cuối tháng 12 năm ngoái mang tên Super Meat Boy Forever. Vậy phần tiếp theo của series indie đình đám này có thực sự đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ? Hãy cùng xem qua đánh giá của Mọt về trò chơi nhé!

Câu chuyện của Super Meat Boy Forever

Nội dung cốt truyện của Super Meat Boy Forever có mở đầu khá giống với phần đầu tiên khi thanh niên Meat Boy cùng với bạn gái mình là Bandage Girl (nay đã trở thành vợ của anh chàng) và cô con gái mới sinh Nugget đang đi picnic thì bất thình lình kẻ phản diện từ phần trước là Tiến sĩ Fetus xuất hiện tấn công rồi bắt cóc con gái của hai người. Và tất nhiên như bao bậc cha mẹ khác, cả Meat Boy và Bandage Girl cùng lên đường dấn thân vào hành trình giải cứu cục cưng bé bỏng của mình.

Câu chuyện trong Super Meat Boy Forever sặc mùi series “Taken” do Liam Neeson thủ vai chính

Trong suốt chiều dài chuyến đi giải cứu Nugget, hai người sẽ phải chạm trán với rất nhiều thử thách tại các thế giới khác nhau và càng về sau, mọi chuyện sẽ càng trở nên rối tung rối mù lên bởi sự xuất hiện của các thế lực thần thánh, thuyết đa vũ trụ và thậm chí là cả…du hành thời gian.

Càng về sau mạch truyện của game càng trở nên ảo lòi

Có thể nói cốt truyện của Forever là một bước tiến lớn so với phần một và tác giả phải dành lời khen ngợi cho đội ngũ làm game khi họ đã đầu tư rất kỹ càng vào phần này để giúp cho game thủ cảm thấy luôn phấn khích và tò mò tìm hiểu trong suốt thời lượng chơi của game.

Lối chơi thay đổi 180 độ gây tranh cãi

Với sản phẩm mới nhất của mình, các nhà làm game của Team Meat đã đi đến một quyết định đầy táo bạo đó là thay đổi hoàn toàn kiểu chơi cũ bằng gameplay auto-runner, tức nhân vật tự động chạy và người chơi chỉ việc nhảy, né và tấn công. Nếu như đã từng kinh qua các tựa game có lối chơi tương tự trên mobile như Super Mario Run, Rayman Adventures, Canabailt… thì hẳn game thủ sẽ không khó để làm quen với Super Meat Boy Forever

Chưa hết, Team Meat còn mạnh dạn áp dụng luôn cả cơ chế procedurally generated ( màn chơi được thiết kế ngẫu nhiên bằng thuật toán) vào game khiến cho trải nghiệm của mỗi người chơi đều khác nhau, không ai đụng hàng với ai.

Hai thay đổi rõ nét nhất trong lối chơi của Super Meat Boy Forever chính là auto-run và procedurally generated

Không thể phủ nhận hai sự thay đổi lớn trên đã phần nào khiến cho những ai “trót” nghiện lối chơi mang đầy tính toán của bản game trước cảm thấy trở nên hụt hẫng. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi những mê cung phức tạp cũng như các loại bẫy tinh vi giờ đây được sắp xếp ngẫu nhiên rải rác khắp các level làm cho game thủ phải luôn cảnh giác cao độ trong mỗi cú nhảy, cú trượt chứ không còn có thể dừng lại và nhìn bao quát màn chơi để suy nghĩ đường đi nước bước như trước đây.

Thế nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận sự kết hợp trên đã góp phần không nhỏ trong việc thổi một làn gió mới vào game, khiến cho nhịp độ cũng như giá trị chơi lại của trò chơi được đẩy lên cao gấp nhiều lần. Song song với đó, việc Super Meat Boy Forever có khá nhiều thứ để unlock cũng là một điểm cộng giúp níu chân người chơi ở lại với game lâu hơn.

Game có rất nhiều nhân vật ẩn để người chơi unlock, một vài trong số đó là khách mời từ các tựa game indie nổi tiếng khác

Dễ tiếp cận hơn nhưng điều đó không có nghĩa Super Meat Boy Forever là một tựa game dễ dàng. Những game thủ nào đã từng chơi qua phần một thì chắc hẳn đều sẽ biết rằng game có độ khó thuộc hàng khủng long. Và với phần hậu bản kì này thì mọi thứ càng được nâng lên một tầm cao mới, nhất là các trận đấu boss.

Đấu trùm trong Super Meat Boy Forever vô cùng hấp dẫn nhưng cũng không kém phần ức chế

Quả thực các con trùm chính là những điểm sáng giá nhất của game bởi chúng đòi hỏi rất cao kỹ năng quan sát và phán đoán của người chơi. Và như đã nói ở trên, việc nhân vật được điều khiển liên tục tự động di chuyển với tốc độ cao chắc chắn sẽ khiến game thủ không khỏi lúng túng, nhất là những người mới chơi.

Tuy vậy việc sử dụng cơ chế thiết kế màn chơi ngẫu nhiên nhiều khi lại là con dao hai lưỡi bởi trong một vài màn chơi nó sẽ tạo ra các phân đoạn vô lý đến mức người chơi không có cách nào để có thể vượt qua và buộc phải reload lại màn chơi đó.

Thiết kế màn chơi ngẫu nhiên khiến một số trường đoạn trong game khó một cách bất hợp lý

Mặc dù điều này không xảy ra thường xuyên nhưng nó cũng ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình chơi của game thủ. Hy vọng Team Meat sẽ khắc phục được khuyết điểm này trong các bản cập nhật tiếp theo cho game.

Hình “kute hột me” nhưng âm chưa xứng tầm 

Không khó để nhận ra ưu điểm lớn nhất của Super Meat Boy Forever đó chính là phong cách đồ họa của game. Từ thiết kế nhân vật cho đến môi trường trong game, tất cả đều tạo nên một chất nghệ thuật vô cùng đặc trưng và không thể lẫn đi đâu được của series. Bên cạnh đó, cử động của các nhân vật cũng đều được thực hiện rất chỉn chu và mượt mà.

Giống như người tiền nhiệm, Super Meat Boy Forever tiếp tục sử dụng các gam màu sặc sỡ và tương phản để “áp” vào trong thế giới của game cũng như thiết kế của các nhân vật.

Và tất nhiên sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới các đoạn cutscene vô cùng vui nhộn của trò chơi. Chúng không chỉ đóng vai trò gắn kết câu chuyện trong Forever mà còn giúp người chơi có những phút giây thư giãn sau những màn chơi căng thẳng và khó nhằn.

Người chơi sẽ không khỏi ôm bụng cười mỗi khi cô bé Nugget xuất hiện trong các đoạn cắt cảnh…Cơ mà em bé này đang làm hành động gì ấy nhỉ?

Tuy vậy mảng soundtrack của game thì lại không có gì nổi bật mấy bởi nhạc game giờ đây đã được đảm nhận bởi một nhà soạn nhạc khác chứ không phải là Danny Baranowsky ( composer nổi tiếng cho các tựa game indie tên tuổi như Super Meat Boy, The Binding of Isaac..v..v) như trước đây.

Super Meat Boy Forever có đáp ứng kì vọng?

Nhìn chung, Super Meat Boy Forever thực sự vẫn là một tựa game có chất lượng tốt thế nhưng việc thay đổi đến mức đánh mất luôn cả nét đặc trưng đã làm nên tên tuổi của thương hiệu đã khiến cho người hâm mộ có nhiều đánh giá trái chiều về series đầy tiềm năng này. Cá nhân tác giả hy vọng rằng thông qua những feedback từ các fan thì NPT của game sẽ làm tốt hơn trong các phiên bản tiếp theo cũng như mang dòng game quay trở lại đúng với bản chất vốn có của mình.

Điểm mạnh:

  • Game có độ khó khá cao
  • Story hấp dẫn hơn phần trước
  • Các màn đấu trùm thú vị
  • Nhiều thứ để khám phá

Điểm yếu:

  • Lối chơi auto-run gây nhiều tranh cãi
  • Thiết kế màn chơi ngẫu nhiên chưa tốt
  • Soundtrack không nổi bật
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.