Khái niệm “Video Game Livestreaming” (phát trực tiếp trò chơi điện tử) lần đầu được biết đến và nhanh chóng trở nên phổ biến vào năm 2011 thông qua nền tảng Twitch. Sau 7 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại ngành công nghiệp không khói này dường như vẫn tiếp tục lan tỏa với tốc độ vũ bão và không có dấu hiệu ngừng lại. Thậm chí, không ít bạn trẻ ở thời điểm hiện tại đã và đang lựa chọn việc xem Livestream để thay thế cho việc xem TV trong thời gian rảnh rỗi
Cùng với Twitch, Youtube Gaming thì trong thời gian gần đây, Facebook Gaming nổi lên như một nền tảng Livestream mới nhưng đầy hấp dẫn với sự góp mặt của rất nhiều hot streamer như Viruss, Milona, Tuấn Tiền Tỉ, Trâu TV, Chim sẻ đi nắng… Cùng KenhTinGame đánh giá sơ bộ về nền tảng Facebook Gaming sau hơn 1 tháng được Facebook tập trung đẩy mạnh và phát triển tại thị trường Việt Nam nhé
Được phát triển dựa trên tính năng Facebook Live của nền tảng mạng xã hội lớn nhất Thế giới, Facebook Gaming kế thừa ưu thế vượt trội về lượng người dùng ước tính khoảng hơn 2 tỉ người và mức độ tương tác cực lớn. Do đó điều đầu tiên phải nhắc tới với nền tảng :ivestream này chắc chắn là sự tiện lợi khi mà người dùng có thể dễ dàng tương tác với streamer hay bạn bè của họ. Chỉ cần nhận được thông báo phát sóng, họ có thể dễ dàng báo cho bạn bè bằng cách Chia sẻ, đánh dấu trong phần trò chuyện… Người dùng cũng có thể vừa lướt MXH này vừa theo dõi được những phần phát sóng trực tiếp của những streamer yêu thích mà không cần chuyển Tab sang Twitch hay Youtube Gaming như thường lệ.
Cũng giống như những nền tảng khác, khi truy cập vào Facebook Gaming, các phần Livestream cũng được chia thành những tựa game cho người xem dễ lựa chọn. Có thể thấy trên hình là khá nhiều tựa game quen thuộc như PUBG, PUBG Mobile, RoS, Fortnite, Dota 2 và LMHT… Facebook Gaming cũng cho phép các streamer phát video trực tiếp với chất lượng 1080p và 60fps và sử dụng tính năng chat, ẩn bình luận và “cấm” người dùng khỏi kênh của streamer khi cần thiết.
Mặc dù vậy, Facebook Gaming vẫn còn khá nhiều điểm phải khắc phục khi mà nền tảng Stream này chẳng sự khác biệt nổi trội nào so với Twitch hay Youtube Gaming nếu không muốn nói là kém xa. Với Twitch, hệ thống emotional cực vui nhộn gắn liền với từng Streamer có lẽ điều mà người dùng nào cũng phải nhắc tới đầu tiên khi sử dụng nền tảng stream này. Cùng với đó không chỉ có donate (ủng hộ) của người xem mà Twitch còn đưa ra gói Đăng ký Theo Dõi (4,99$/tháng/người dùng) giúp cho Streamer có những khoản thu nhập không hề nhỏ. Số lượng game phong phú, đa dạng; lượng streamer đông đảo cùng số lượng người xem ổn định là những điểm mà Facebook Gaming sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu muốn đuổi kịp Twitch. Mới đây nhất tại giải đấu CS:GO ESL Cologne 2018, lượng người xem trên Twitch vẫn vượt trội hoàn toàn so với số lượng người xem trên Facebook.
Bên cạnh đó, vấn đề về kết nối cũng là một điểm đáng lưu tâm với Facebook Gaming. Hỗ trợ streamer phát video trực tiếp với chất lượng 1080p/60fps nhưng với không phải lúc nào người xem cũng có thể xem Stream với chất lượng tốt nhất như vậy, nhất là ở trong giờ cao điểm/ đứt cáp. Trong khi đó điều này rất hiếm khi xảy ra với Youtube Gaming – nền tảng livestream được rất nhiều game thủ Việt yêu thích ở thời điểm hiện tại.