Bất cứ sở thích, phong trào nào cũng có những ý kiến đối lập, và game thủ không tránh khỏi cảnh bị đàm tếu, chỉ trỏ vì những thói quen người ngoài đánh giá không hay. Nhưng tại sao lại phải xấu hổ vì điều đó nếu nó không hề làm hại bạn và cả những người xung quanh bạn? Xem thử 10 luận điểm mà người thường hay “gán” cho game thủ nhé:
1: Sưu tầm game, console
Thiên hạ có thể chê bạn phí tiền vô ích cho hàng đống đĩa game, máy console… mua về chật cả nhà, có khi cả năm chả dùng đến, nhưng nếu bạn trân trọng những sản phẩm hữu hình thì tại sao phải mua qua mạng trong khi đĩa game cũng có giá trị tương tự, lại còn đem tặng, cho, bán lại được khi đã chơi xong nhỉ? Một thời, băng đĩa nhạc, sách báo cũng là thứ “chiếm chỗ” kệ sách của chúng ta, vậy thì đĩa game hay console cũng chỉ là một hình thức khác để thể hiện đam mê của mình, chả có gì đáng xấu hổ hết.
2: Ngồi nhà quẩy game cuối tuần
Đây là luận điểm dân “bay” hay có “gấu” thích lôi ra để chê bai các game thủ, rằng trong khi thiên hạ tận hưởng cuối tuần hết mình thì “tụi nó” chỉ biết cắm mặt vào màn hình chơi game. Điều đó không đúng, vì mỗi người có cuộc sống riêng của bản thân – sau 1 tuần học tập, làm việc hết mình, bạn hoàn toàn có quyền tự thưởng cho mình 2 ngày giải trí theo cách mình muốn. Có những game thủ không thiếu tiền đi bar với bạn bè, “gấu” xinh xắn đến tận nhà chơi cuối tuần, nhưng họ vẫn cứ chơi game thì có sao đâu.
3: Không mua game ngay ngày ra mắt
Có nhiều ý kiến cho rằng đã tự xưng là game thủ mà lại không đi mua game ngày ra mắt thì chứng tỏ không nhiệt tình, không ủng hộ NSX… nhưng ngẫm mà xem, dù mua trước hay sau thì bạn cũng trả tiền cho cùng một sản phẩm, đấy là chưa kể không phải ai cũng dư dả để khuân về cả đống game AAA dù rất thích. Đợi tới các đợt giảm giá, đợi game được cộng đồng test thử rồi cho nhận xét… là những lý do hoàn toàn xác đáng cho game thủ khi không vội mua một game nào đó dù có là hàng mình cực thích đi nữa.
4: Chơi kém một game nào đó
Tất nhiên là game thủ thì sẽ thật ngượng khi thừa nhận mình trình chỉ ở cấp “học viên”, không đánh nổi con trùm nào đó hay đơn giản là phải lục hướng dẫn qua một level khó nhằn… Hãy nhớ, con người không ai là hoàn hảo và game thủ cũng vậy – bạn chơi game nhiều hơn bình thường thì cũng vẫn phải làm quen với các thao tác cơ bản, tập luyện để giỏi hơn trong trò chơi mình yêu thích, và quan trọng nhất là chúng ta… không phải VĐV chuyên nghiệp, nên có kém thì cũng không thi trượt, ở lại lớp được.
5: Chơi game di động
Giống với “chiến tranh” giữa game thủ PC và Console, cộng đồng Mobile đôi lúc cũng bị mổ xẻ vì mang tiếng chỉ để tiện lợi, game không khủng bằng PC/Console và thao tác giữa chốn công cộng khó coi – thực tế thì những chiếc máy chơi game chuyên dụng như Nintendo DS, Switch… đều được cả thế giới ưa chuộng và chẳng có gì sai khi bạn muốn thư giãn, giải trí trên dọc hành trình đây đó của mình. Thay vì phải vác theo 1 chiếc handheld chuyên dụng, chơi game ngay trên Smartphone của mình tiết kiệm hơn hẳn mà lại còn nhẹ balô, không phải cõng theo nhiều phụ kiện nữa chứ.
6: Troll bạn bè
Thỉnh thoảng trong những lúc Party, chúng ta vẫn thường “chơi khăm” bạn bè như chặn đường, ném lựu đạn, team kill hay đơn giản là chọc ngoáy, chửi nhau trên voice chat – đây là điểm mà game thủ thường bị phàn nàn vì gây rạn nứt “tình huynh đệ”, nhưng nói thật điều đó chỉ xảy ra với người xa lạ hoặc bạn mới quen thôi, chứ đã chinh chiến cùng nhau lâu ngày thì các đồng môn hầu như chẳng bao giờ chấp nhặt những cú troll kiểu như thế này, có khi nhờ thế còn thân thiết nhau hơn nữa chứ.
7: Chơi game cổ điển
Thế giới game biến đổi không ngừng với hàng loạt tựa game mới ra mắt hàng năm, tân tiến hơn, hấp dẫn hơn – nhưng vẫn có nhiều game thủ gắn bó với những dòng game kinh điển, thậm chí là từ những thế hiệ trước như NES, SNES… và họ thường bị chê là “cổ hủ”, không bắt kịp thời đại. Điều này cũng giống với thú chơi đồ cổ của các “đại gia” mà thôi, quan trọng là bản thân mình thích cái gì thì cứ thế mà chiến, đừng để thiên hạ lung lay!
8: “Tôi là game thủ”
Dám cá rằng 10 game thủ thì hết 9 không dám nói ra câu này ở chỗ đông người vì sợ bị “đánh giá” (cứ điểm qua 7 luận điểm bên trên và các bạn có thể hiểu tại sao). Người viết thì nghĩ rằng, có thể còn vài định kiến về game thủ thật nhưng xét cho cùng thì lĩnh vực nào chả có các vấn nạn, game thủ cũng đầy lợi ích đấy thôi. Bạn bè, người yêu… chỉ cần hiểu bản thân mình đam mê game lành mạnh, hợp lý và không vướng bận cuộc sống là tốt rồi.
9: Trung thành với một dòng game nào đó
Game thủ thường bị hiểu sai rằng là những người đa-zi-năng, chơi và biết mọi thể loại game – thực tế, không ít người chỉ chiến đấu một dòng game mình thích như FPS, Online, RPG… và có khi họ bỏ cả năm trời chỉ để phá đảo hoàn toàn một game nào đó rồi mới sang chơi game khác. Đây cũng là một yếu tố thể hiện đam mê game của họ, và không nên ngại gì khi tán gẫu với bạn bè rằng bạn chỉ chơi GTA 5 trong suốt năm 2016 chẳng hạn.
10: Nhiều bạn ảo hơn cả bạn thật
Đây cũng là điểm mà dân “bay” hay chê bai game thủ vì list bạn bè online rõ đông nhưng đến khi đi off thì chỉ quen mặt được vài ba người. Điều này chẳng có gì là đáng suy nghĩ, vì mọi sự đều phải bắt đầu từ con số 0 – cần nhớ rằng quen nhau online thì cũng phải trò chuyện, kết giao, gặp mặt nhau… y như khi tới trường vậy, nên dĩ nhiên rào cản về khoảng cách sẽ khiến danh sách bạn bè của game thủ khác biệt như vậy. Cái quan trọng vẫn là tình cảm huynh đệ, bạn “bảo” nhưng sống vì nhau có khi tốt chán vạn bạn “thật” mà lừa gạt, trở mặt nhau chỉ vì chút cám dỗ vậy!