Làng game Việt đã có bước phát triển lớn với các con số thống kê vô cùng ấn tượng trong những năm vừa qua. Tới thời điểm hiện tại chúng ta có hơn 40 triệu người chơi game, doanh thu đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm, đứng top trong khu vực cả về doanh thu lẫn tốc độ phát triển. Thế nhưng xét về hiệu quả kinh tế, chúng ta vẫn chỉ như những công nhân làm giàu cho nước bạn trong khi những người làm ra sản phẩm made in Vietnam vẫn đang ẩn mình âm thầm làm việc.
Thực trạng của game made in Vietnam và ước mơ tự làm game
Không khó để thấy tất cả các sản phẩm game đang phát hành và có doanh thu cao nhất tại Việt Nam như Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, Fifa Online, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile, PUBG Mobile, Mobile Legends: Bang Bang… đều được mua nhượng quyền từ nước ngoài với chi phí bản quyền đắt đỏ, chưa nói tới việc phải chia sẻ phần trăm doanh thu cho nhà sản xuất. Cuối cùng người phải chịu những chi phí tăng thêm đó cũng chính là chúng ta, những game thủ trực tiếp trải nghiệm trò chơi.
Bởi lẽ đó, trong thập niên qua, rất nhiều tổ chức, cả nhân ở Việt Nam đã tiên phong và truyền cảm hứng trong việc làm game thuần Việt. Xây dựng ước mơ làm game phục vụ nước nhà và đưa game Việt ra trường quốc tế. Nhiều tổ chức, sản phẩm mang dấu ấn Việt đã được ra đời. Dù hầu hết sản phẩm của chúng ta đã bị dồn ép hoàn toàn bởi game ngoại trên chính đất mình, thậm chí chết yểu, bắt đầu từ những cánh chim đầu đàn như 7554 của Emobi Games, Thuận Thiên Kiếm của VNG… cho đến những dự án gần đây như Huyết Chiến Thiên Hạ eWing Studio hay Hesman Legend của Game Studio.
Tuy nhiên, những dự án game Việt đó không hy sinh vô ích, chúng ta đã thu lại những bài học từ thất bại. Việc các nhà phát triển game Việt trẻ đầy tham vọng với các dự án RPG cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn chuyên làm game khủng trên thế giới rõ ràng là một điều viển vông không thực tế. Các hãng nước ngoài có thể đầu tư hàng trăm triệu USD trong nhiều năm trời để sản xuất một con game AAA với đội ngũ hùng hậu hàng ngàn nhân viên tham gia thực hiện.
Các cụ nói chẳng bao giờ sai, cái khó ló cái khôn, người Việt có truyền thống du kích, tránh chỗ mạnh mà đánh chỗ yếu. Trong việc làm game chúng ta cũng nhận ra điều này rất nhanh chóng. Cộng đồng làm game Việt đã bắt đầu chuyển hướng sang những tựa game nhanh nhẹ với lối chơi đơn giản trên điện thoại. Từ đó một vài tựa game made in Vietnam bắt đầu le lói ánh sáng và tạo tiếng vang lớn, không chỉ tại Việt Nam mà trên trường quốc tế, mở ra những con đường mới, đồng thời truyền năng lượng cảm hứng cho cộng đồng làm game đặc biệt là lớp trẻ kế tục.
Những điểm sáng
Đầu tiên không thể không kể đến Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird đã quá nổi tiếng và là niềm tự hào của người Việt trong năm 2013. Chưa đầy một năm, chú chim nhỏ của anh đã đạt được hơn 50 triệu lượt tải trên toàn thế giới, phá vỡ rất nhiều kỷ lục. Ứng dụng nhỏ trên điện thoại có dung lượng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 MB. Đây là kết quả mà rất nhiều tựa game bom tấn nặng hàng chục GB cũng khó mà đạt được.
Sau Flappy Bird, đã có một làn sóng mạnh mẽ phát triển game di động đánh thị trường quốc tế tại Việt Nam. Đi đầu vẫn là ông lớn VNG với 6 Studio tự làm game mà chủ yếu là game mobile. Ngoài VNG, nhiều studio khác của Việt Nam cũng đang âm thầm xuất khẩu game trên ứng dụng Google Play, App Store. Các studio này có từ 10 – 200 người, sản xuất những game nhỏ, thu 0,5 – 1 USD từ người chơi và có thể thu hút hàng chục triệu người chơi trên thế giới.
Một số cái tên mới nổi của nước nhà xuất hiện trên top bảng xếp hạng của Google như: OneSoft, Athena, Amanotes, TopeBox, DivMob, WolfFun, Spirit Bomb… Trong đó, OneSoft có tới 10 triệu người dùng/tháng, 90% doanh thu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Amanotes có 15 game đang vận hành và khoảng 40 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, 70% khách hàng đến từ EU và Mỹ…
Và những hành động âm thầm hỗ trợ cộng đồng làm game Việt
Hiện nay, các ông lớn trong ngành sản xuất game như VNG hay Amanotes sau khi trải nghiệm, rút ra quy trình hiệu quả trong việc làm game, không chỉ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức của nghề game mà còn trực tiếp đảm nhận thêm công việc phát hành game cho các tổ chức, cá nhân nhỏ hơn ra các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các cộng đồng tự làm game, nơi tập trung sinh hoạt của các nhà phát triển game Việt từ trẻ lẫn già cũng thường xuyên chạy sự kiện tiếp sức các dự án game mới. Đặc biệt là trong việc kêu gọi vốn đầu tư cũng như định hướng và truyền thông cho dự án.
Đây là những nỗ lực rất tích cực từ những người đi trước để đóng góp, xây dựng cộng đồng phát triển game Việt cũng như truyền ngọn lửa đam mê, cảm hứng cho lớp trẻ kế tục. Vì một ước mơ game made in Vietnam.
Ẩn mình hướng tới tương lai
Sau những nỗ lực kể trên của cộng đồng làm game made in Vietnam, chúng ta đang có một “nền công nghiệp làm game” khá tốt do người Việt làm chủ và những mầm non đang trưởng thành cho thế hệ làm game kế tiếp. Tuy nhiên khác với những người đi trước đã thử lộ diện, các thế hệ sau học cách ẩn mình để trau dồi kỹ năng cũng như thử tài nghệ. Họ tồn tại trong những hội nhóm riêng tách biệt ngày đêm trao đổi, giúp nhau tìm đến thành công.
Có thể họ muốn được thỏa thích với các ý tưởng riêng của mình, cũng có thể họ muốn tránh né những chỉ trích tiêu cực chỉ vì nhận mình là nhà làm game người Việt mà các thế hệ trước đã phải chịu. Nhưng có một sự thật rõ ràng là họ vẫn tồn tại và luôn giúp nhau phát triển.
Chính vì vậy, rất có thể bạn đã vô tình tải và chơi một game nào đó từ Google Play/Apple Store rồi khen hay mà không hề biết đó là một sản phẩm của người Việt. Đó là một điều thú vị mặc dù nó thật buồn.