Bản thân tác phẩm điện ảnh Ready Player One của đạo diễn Steven Spielberg là một sản phẩm phim có nội dung gắn liền với thế giới trò chơi điện tử. Bối cảnh phim cũng là một thế giới mà tín đồ công nghệ cũng như những người mê game thường liên tưởng: Một tương lai được thống trị bởi công nghệ với sự phát triển ồ ạt của các tựa game thực tế ảo (VR).
Những Easter Egg đầy thú vị
Ready Player One xoay quanh tựa game thực tế ảo OASIS, nơi nhân vật chính cùng hàng triệu người chơi khác đang hướng đến một nhiệm vụ khó khăn nhất được đặt ra bởi nhà sáng lập tựa game này: Tìm ra Easter Egg ẩn dấu trong một thế giới ảo OASIS rộng lớn và biến hóa muôn hình vạn trạng.
Nội dung thì không có gì mới mẻ cho lắm, nhưng chính việc xoay quanh những Easter Egg (Trứng phục sinh – cụm từ dùng để ám chỉ những chi tiết ẩn trong game hoặc phim ảnh), nên cuộc phiêu lưu của nhân vật chính trong quá trình đi tìm lời giải đáp OASIS vì thế cũng được đan xen những ẩn ý đầy thú vị.
Người chơi có thể dễ dàng nhận ra những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như anh chàng người máy Iron Giant, những nhân vật game nổi tiếng như Tracer (Overwatch), Master Chief (Halo), MechaGodzilla, Gundam, Siêu anh hùng DC…vân vân và vân vân… Cho tới xa xôi hơn nữa là những tựa game thùng, game 4 nút đã lùi vào dĩ vãng, hay là phần thưởng “Extra Life – Thêm một mạng” kinh điển chắc chắn sẽ khiến cả rạp phim phải ồ lên kinh ngạc vì sự lồng ghép quá khéo léo.
Phải khẳng định một lần nữa rằng Ready Player One không chỉ mang tới một “bầu trời tuổi trẻ” đối với những game thủ, mà còn khiến những người mê phim phải trầm trồ trước những cảnh phim đan xen giữa thực và ảo, những nút thắt cao trào và các phân đoạn hành động vô cùng hoành tráng.
Những câu chuyện châm biếm và những góc tối của ngành công nghiệp game
Thông qua quá trình vận hành của một tựa game và cái cách mà con người ta đắm chìm vào đó, bộ phim cũng tái vẽ nên những góc tối của sự phát triển công nghệ thông tin, những mặt tiêu cực khi con người bắt đầu đắm chìm vào thế giới ảo, trong thực tại và tương lai.
Bối cảnh Ohio trong những năm 50 của thế kỷ 21 được vẽ nên như một thế giới hậu tận thế, dù con người vẫn sinh sống và công nghệ vẫn phát triển như vũ bão. Nhưng đổi lại là sự đắm chìm vào thế giới ảo, bỏ mặc thực tại, như lời kể của nhân vật chính, rằng “họ đã không còn tìm cách sửa chữa những thứ hỏng hóc, mà chỉ tập sống chung với nó”. Điều đó đã tạo ra một “thế hệ biến mất”, khi giới trẻ bỏ mặc cuộc sống thực của mình mà chỉ quan tâm tới thế giới ảo, nơi họ có thể làm bất kỳ điều gì mà bản thân không thể thực hiện được ngoài đời.
Dĩ nhiên, tác phẩm cũng không quên “đá xoáy” một vài mặt xấu của các sản phẩm trò chơi điện tử, chẳng hạn như việc “nạp VIP” trong game, hay chuyện những cô nàng xinh đẹp và quyến rũ trong trò chơi ảo biết đâu lại là “một anh chàng nặng tạ rưỡi” ngoài đời thực…
Những thông điệp sâu sắc
Là một tựa phim khai thác bối cảnh về trò chơi điện tử, Ready Player One đã làm rất tốt việc khai thác cả mặt tốt lẫn mặt xấu của thế giới công nghệ điện tử, về thế giới ảo và cách mà người ta đón nhận nó. Xuyên suốt bộ phim là những cuộc giải đố căng thẳng và đầy tính hack não, nhưng để rồi lời giải đáp cho tất cả lại rất đơn giản và cô đọng: “Đừng vì đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc đời thực, bởi chỉ có thực tại mới là ‘thực’ mà thôi”.
Ready Player One: Đấu Trường Ảo dự kiến sẽ được khởi chiếu vào ngày 30/3 tại các Rạp phim trên toàn quốc.