Phần lớn những người chơi game online đều thuộc vào độ tuổi học sinh, sinh viên, họ là những người đại diện cho giới trẻ ngày nay. Vậy chúng ta thấy gì ở họ thông qua cuộc sống ảo trong game online? Game online đã, đang và vẫn sẽ là đề tài thời sự nóng bỏng dẫn đến các cuộc tranh cãi gay gắt về mặt lợi, mặt hại của nó. Trong bài viết này, thay vì quan tâm đến hai mặt của game online, hãy thử phán đoán tính cách của những người chơi thông qua lăng kính của thế giới game online.
Nhạy bén, có đầu óc kinh doanh
Thông qua việc mua bán các item trong game cho thấy các bạn trẻ có năng khiếu trong việc này từ việc rao bán, ngã giá thậm chí “ép giá” để chuyển những đồng tiền ảo, đồ vật ảo thành tiền thật nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho việc chơi game. Quay vòng vốn: dùng tiền chơi game, chơi game kiếm tiền.
Lười biếng, không có chí cầu tiến, thích đi “đường tắt”
Có người mua thì mới có người bán. Nếu những đối tượng bán item ảo là những người ít tiền, muốn tranh thủ để thỏa mãn nhu cầu chơi game một cách tiết kiệm thì những người ở trường hợp này ngược lại. Họ thường là những người chơi kém, lười luyện level nhưng thích nổi, thích làm kẻ mạnh và nhất là lắm tiền. Sẵn sàng bỏ tiền ra mua mọi thứ đúng như câu “có tiền là có tất cả”.
Anh hùng, chuyên ra tay hiệp nghĩa
Có một số người chơi đến level mạnh thích đi “hành hiệp giang hồ”, giúp đỡ những kẻ yếu bằng cách cho party để dễ tăng level hơn, hoặc cứu giúp những người bị nguy khốn (quái vật vây đánh, bị hiếp đáp,…) không vụ lợi. Nhưng đáng tiếc những trường hợp đó quá ít.
Gian manh, hiểm ác
Đáng tiếc là trường hợp này xuất hiện nhan nhản trên các game online. Khi đến mức level “thượng thừa” họ bắt đầu hống hách tự cho mình cái quyền “chém giết” bất cứ ai mà họ không ưa. Thậm chí lập băng đảng đi lừa đảo, đánh cướp.
Gian lận, thích phá hoại
Loại người này rất hiếm, họ tìm hoặc tự viết ra các chương trình thứ 3 can thiệp vào tiến trình hoạt động của game, qua mặt những người quản lý để tăng bất hợp pháp các chỉ số cho một hay nhiều tài khoản người dùng. Các chương trình này thường dưới dạng trainer chạy song song với game. Việc làm này ảnh hưởng đến mọi thứ đối với người chơi chân chính thì đó là một sự bất công, đối với game đó là hành động phá hoại cấu trúc và quy luật của game, đối với đơn vị chủ quản game đó là thiệt hại về uy tín và vật chất.
Lừa đảo
Tình trạng lừa đảo xảy ra rất phổ biến với nhiều mức độ trong game thật sự đáng báo động vì không gian ảo phản ánh chính bản chất của người thật. Trong game không ai biết ai nên càng dễ khiến con người ta bộc lộ rõ bản chất thực của mình với ý nghĩ “có ai biết đâu mà sợ” nên cứ thoải mái. Điều đó cho thấy rằng có rất nhiều mầm mống lừa đảo, trong giới trẻ đang ngày ngày chơi game kia ai biết được rằng bao nhiêu trong số đó sẽ thực hành chính cái bài lừa đảo của mình trên mạng vào thực tế.
Hung hăng, ngựa non hiếu chiến
Nếu có kẻ lừa lọc thì cũng có người bị lừa. Nhưng trong những người bị lừa ấy không phải ai cũng nhắm mắt bỏ qua. Có rất nhiều “cái đầu nóng” sẵng sàng tìm kẻ dám lừa mình để cho một bài học và thế là xô xát, chém giết trong game trở thành chuyện thật. Trong giới chơi game có rất nhiều lời đồn về những chuyện như thế.
Tò mò, thích khám phá
Đây chính là đặc điểm rõ nhất, vì game đã đánh vào chính điểm này để thu hút mọi người và kết quả là rất thành công, không chỉ giới trẻ mà những người khá lớn tuổi cũng bị thu hút bởi tính kỳ ảo và thú vị của game đang từng ngày chờ được khám phá.
Khát khao tự khẳng định mình
Đây cũng là một điểm mà game online đã đánh vào giới trẻ thông qua chế độ lên level và “top cao thủ”. Các bạn trẻ cảm thấy bị thách thức, cần phải đứng trong hàng cao thủ cho mọi người biết đến. Đó là một động lực để người chơi tập luyện và hướng tới đỉnh cao. Nhưng đáng tiếc các bạn trẻ tiếp nhận và thực hiện nó một cách quá cực đoan, chỉ biết cắm đầu cày thật cật lực cốt để lên level nhanh mà không biết hưởng thụ những điều game thực sự mang đến.