Kiếm khách Độc Cô Cầu Bại được đề cập đến trong hai bộ tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ, Tiếu Ngạo Giang Hồ và được nhắc tới chỉ bằng vài từ ngữ rất ngắn gọn trong bộ Lộc Đỉnh Ký. Ông chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết Kim Dung mà chỉ được nhắc đến qua lời kể của người ngoài, nhưng cũng đã để lại những ấn tượng hết sức đậm nét trong lòng độc giả. Ở đây, chúng tôi xin được chia sẻ cùng các bạn hình tượng Độc Cô Cầu Bại trong tư tưởng của riêng mình.
Phụ lục
Kiếm đạo đồng thời cũng là đạo làm người
Trong hồi thứ 26 của Thần Điêu Đại Hiệp, Dương Quá phát hiện mộ chôn kiếm của Độc Cô Cầu Bại, bên trong chôn giấu ba thanh kiếm cập cùng một phiến đá ghi lại vài dòng chữ đại biểu cho bốn giai đoạn của vị đại cao thủ này. Bốn giai đoạn đó kỳ thật cũng có thể áp dụng cho học tập xử sự, làm người. Từ tuổi trẻ sử dụng thanh kiếm sắc bén cương mãnh, đến thanh nhuyễn kiếm trước tuổi 30, rồi trọng kiếm “đại xảo vô công”, chuyển sang mộc kiếm và rồi cuối cùng là vô kiếm thắng hữu kiếm.
Sự tiến triển trong cảnh giới võ công của Độc Cô Cầu Bại cũng là sự thay đổi trong thái độ làm người của ông. Con người của ông có lẽ không giống như những khái niệm “Đại hiệp” hoặc “Hiệp nghĩa”, không phải “hiệp chi đại giả vì nước vì dân ” hoặc “trừ bạo an dân, thay trời hành đạo” như Quách Tĩnh, Kiều Phong. Những cụm từ mĩ miều này chỉ thể hiện sự kỳ vọng mà dân chúng thời phong kiến gửi gắm vào một vị anh hùng có thể giải cứu họ khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Thay vào đó, ông quan tâm đến kiếm đạo của mình, và dành ra cả đời người để tăng tiến cảnh giới của bản thân.
Hãy nghĩ mà xem, với thanh gươm đầu tiên dài bốn thước sắc bén vô cùng, cương mãnh lăng liệt, vô kiên bất tồi, đó chính là thái độ xử sự của một Độc Cô Cầu Bại thời tuổi trẻ. Là thiếu niên, tính cách của ông cương liệt, nhiều bất mãn trước thế giới xung quanh, nóng lòng thanh trừ những thứ không công bình, không hoàn mĩ, với lý tưởng tràn ngập cõi lòng, và ông tin rằng kiếm đạo của bản thân sắc bén không thể đỡ, đánh vỡ mọi trở ngại.
Nhưng Độc Cô Cầu Bại cũng là người, và người thì có thể sai. Ngôi mộ kiếm thứ hai của ông không có kiếm, bởi thanh Tử Vi Nhuyễn Kiếm ông dùng trước năm ba mươi tuổi tiền dùng lẽ ra phải được chôn ở đây đã bị ném xuống hang sâu. Nhuyễn kiếm sử dụng khó khăn hơn so với bảo kiếm trước đó, và phù hợp với cảnh giới võ công ngày một tiến xa của mình. Nó đã ngộ thương nghĩa sĩ – chúng ta không biết rõ tình huống ngộ thương này như thế nào, nhưng có lẽ nó đã khiến vị kiếm sĩ này nhận ra rằng phán đoán của cá nhân và xúc động nhất thời là rất dễ dàng sai sót. Ông ném nó đi, có lẽ mang ý nghĩa tượng trưng rằng mình sẽ không còn nông nổi và phạm phải sai lầm đó nữa.
Thanh kiếm thứ ba của Độc Cô Cầu Bại là trọng kiếm nặng nề, nhưng vẫn đủ để ông tung hoành thiên hạ trước bốn mươi tuổi. Ông giờ đây đã trở thành một con người lão luyện lõi đời, biết nhận xét nặng nhẹ và cất giấu tài năng, nhưng vẫn không hề ảnh hưởng đến uy lực. Điều này không phải là dễ dàng, bởi nếu muốn “đại xảo vô công”, ông phải rèn luyện một nội lực thâm hậu, đủ để bỏ qua kĩ xảo mà vẫn có thể hoành hành không địch thủ.
Giai đoạn cuối cùng của Độc Cô Cầu Bại là khi ông rời bỏ kiếm thép để chuyển sang kiếm gỗ, rồi từ từ tinh tu để đến với cảnh giới vô kiếm thắng hữu kiếm. Đến đây, ông đã không còn cần đến ngoại vật, không phụ thuộc vào ngoại vật và có thể vô kiếm thắng có kiếm bởi vì vô kiếm trói buộc càng ít, hạn chế càng ít. Tiến triển này cho thấy vị kiếm khách này đã xem thấu hồng trần, không quan tâm đến danh lợi mà chỉ cần thỏa mãn bản tâm. Ông không quan tâm đến danh tiếng vô địch của mình, mà chỉ cần được một lần cảm nhận tư vị của thất bại.
Độc Cô Cầu Bại – Một kiếm khách phi phàm
Trong tiểu thuyết võ hiệp nói chung, “kiếm khách” được định nghĩa là người sử dụng kiếm trên chốn giang hồ. Kiếm đạo và kiếm pháp là cách để họ sinh tồn, và rất nhiều kiếm khách như vậy đã xuất hiện dưới ngòi bút Kim Dung. Nhưng kể từ khi Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại xuất hiện, không một kiếm khách nào có thể xứng đáng đặt ngang tầm với vị tuyệt thế cao nhân này. Ngay cả hai truyền nhân mà ông không thể nào gặp mặt – Dương Quá và Lệnh Hồ Xung – cũng trở nên nhỏ bé và lu mờ trước ánh hào quang của kiếm khách mạnh nhất trong thế giới mà Kim Dung xây dựng.
Độc Cô Cầu Bại là nhân vật mang tính truyền kỳ nhất trong thế giới võ hiệp Kim Dung, và có vai trò quan trọng hơn hẳn những nhân vật từng một thời oanh liệt khác như Tiền Triều Thái Giám hay Hoàng Thường. Dù cố nhà văn không chịu dùng nhiều chữ nghĩa hơn để mô tả về ông, và trong 16 bộ tiểu thuyết của Kim Dung chỉ có vài đoạn ngắn mô tả hoặc nhắc tới vị kiếm khách này, nhưng những chi tiết nhỏ nhặt, ngắn ngủi đó cũng đã làm cho người ta khao khát được một lần trải nghiệm huyền thoại này sẽ như thế nào trong vai trò một nhân vật chính của tiểu thuyết Kim Dung.
Tưởng tượng mà xem, chúng ta sẽ có được những cảm xúc như thế nào khi được cùng theo chân Độc Cô Cầu Bại hành tẩu thiên hạ, tìm kiếm những nhân sĩ mạnh nhất của võ lâm để cầu một lần thất bại. Hãy nghĩ đến cảnh Độc Cô Cầu Bại ngộ ra chiêu thức của riêng mình khi nhìn thấy hai con rắn đánh nhau, biết được cảnh giới “vô ngã vô hình, vô ngã vô tâm, vô ngã vô chiêu, vô ngã vô địch”. Có thể chúng ta sẽ không thấy được những tình tiết nghẹt thở vì biết rằng ông chẳng bao giờ thua, nhưng khám phá sự trưởng thành của một huyền thoại võ lâm chẳng phải là một điều rất tuyệt vời hay sao?
Nhưng việc không có một hình tượng Độc Cô Cầu Bại hoàn chỉnh từ tay Kim Dung cũng là một điều chẳng hề đáng tiếc. Trong toàn bộ cơ nghiệp tiểu thuyết của mình, Kim Dung chỉ dành ra vài dòng ít ỏi để mô tả về vị đại cao thủ, hơn nữa đều là lời miêu tả hoặc suy đoán của người ngoài, khiến người đọc không thể nào có được hình tượng cụ thể về ông. Điều này lại khiến cho độc giả chúng ta có cơ hội để đóng góp phần mình vào việc xây dựng hình tượng cho vị đại cao thủ này, cùng Kim Dung hoàn thành đắp nặn nên nhân vật này. Nếu không có sự bí ẩn che phủ nhân vật này, Độc Cô Cầu Bại rất có thể sẽ không đạt được tầm vóc vĩ đại như hiện nay.
Nói cách khác, hình tượng Độc Cô Cầu Bại là sản phẩm của sự hợp tác giữa Kim Dung với độc giả của mình, và nhà văn chỉ đơn thuần là đưa ra một vài khuôn mẫu để người đọc tự lấp đầy vào đó. Đây là một phương pháp sáng tác cao thâm, “viết mà không tả”, để mọi tầng lớp độc giả đều có thể tham dự vào việc tạo ra một hình tượng hoàn mĩ cho riêng mình. Mỗi người đọc lại có một nhân sinh của riêng mình, với trải nghiệm khác nhau và vì thế có những Độc Cô Cầu Bại này cũng hoàn mĩ theo những khác nhau, phù hợp với yêu ghét của mỗi người.
Với tác giả bài viết này, một Độc Cô Cầu Bại tự xưng mình là Kiếm Ma và khắc danh hiệu này lên mộ kiếm nhất định là một kiếm khách không ai bì nổi, kiêu ngạo bất tuân mà cũng cô độc bất ngờ. Khi tuổi già, ông chôn kiếm và để lại di ngôn thể hiện mình không oán không hối hận theo đuổi con đường kiếm đạo của bản thân. “Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại đã vô địch khắp thiên hạ, nên chôn kiếm chốn này”. Thông qua kiếm ma ở kiếm trủng trung lưu lại câu di ngôn này, chúng ta có thể hiểu biết đến nhân vật đã đạt tới đỉnh điểm của võ học và nhân sinh rồi mới lựa chọn rồi quăng kiếm, chôn kiếm.
“Trường kiếm dẫu vẫn còn sắc bén, nhưng là đối thủ ít ỏi, cầu một lần thất bại mà không thể, vậy thì còn có ích chi”. Độc Cô Cầu Bại lúc này đã không còn khát vọng bởi dù ngạo thị thiên hạ quần hùng, nhưng nhân sinh của ông đã không còn lạc thú, không có mục tiêu. Khó trách Dương Quá nhìn thấy những lời này thì làm thấy vừa sợ hãi vừa khát khao. Cảnh giới nhân sinh như thế, kiếm đạo như thế là không người có thể sánh bằng. Nếu đối thủ đã mất thì còn giữ kiếm làm chi? Kiếm của Độc Cô Cầu Bại là để đối phó với cường địch, nhưng đã không có địch nhân thì kiếm cũng không còn tác dụng nữa.
Đây là “vô kiếm thắng có kiếm”, cảnh giới cao nhất của Độc Cô Cầu Bại. Khi võ học đã tới mức đăng phong tạo cực, dùng kiếm hay không đều không có gì khác biệt. Không phải vi không cần kiếm mạnh hơn là cầm kiếm, mà bởi vì trong thiên hạ đã không ai có thể đủ khiến ông phải dùng kiếm. Đây là lý do tại sao Độc Cô Cầu Bại qua cột mốc bốn mươi, khi cỏ cây tơ bông đều có thể là kiếm, ông lựa chọn rồi chính thức mai táng những thanh kiếm của mình. Dù không dùng kiếm mà trên giang hồ vẫn đang không có người có thể đánh bại ông, vậy thì còn dùng kiếm để làm gì?
Những truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại còn lâu mới có thể đạt được đến cảnh giới của ông. Dương Quá còn chưa đạt tới cảnh giới “vô kiếm thắng hữu kiếm” khi Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng vẫn còn phụ thuộc vào tâm tình, và vẫn hối hận khi không có thanh Huyền Thiết Trọng Kiếm trong tay lúc đối đầu với Kim Luân Pháp Vương. Lệnh Hồ Xung còn kém xa hơn nữa, không thể chiến thắng Đông Phương Bất Bại, không thể luyện thành hai chiêu Phá Chưởng Thức, Phá Khí Thức, và thậm chí còn phải thu kiếm phòng thủ – điều không xảy ra với Độc Cô Cầu Bại. Không rõ liệu thời gian có giúp đỡ Dương Quá và Lệnh Hồ Xung đạt được tới cảnh giới này hay không, nhưng chúng ta sẽ mãi mãi không có câu trả lời.
Lời kết
Như chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết này, hình tượng Độc Cô Cầu Bại trong mắt mỗi người sẽ có điểm khác nhau, cũng như Shakespeare từng nói rằng “một ngàn độc giả thì có một ngàn Hamlet”. Bài viết này không nhằm mục tiêu thuyết phục bạn rằng đây phải là kiểu nhân vật như thế nào, mà để chia sẻ những cảm nhận của chúng tôi về một nhân vật được vô vàn độc giả yêu thích trong tiểu thuyết của Kim Dung.
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?