Trong suốt những năm vừa qua, lootbox (một dạng quay rương hên xui – hay còn gọi là hòm chiến lợi phẩm) luôn luôn là một chủ đề gây tranh cãi lớn trong ngành công nghiệp game. Rất nhiều chính phủ ở khắp các nước Châu Âu, đã phân loại đây là một hình thức bài bạc tuy nhiên, lootbox cùng với các loại hình giao dịch trong game, vẫn đang được áp dụng rộng rãi.
Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, có phần ảnh hưởng đến vật chất, trong trường hợp này là ‘tốn tiền’. Theo thống kê cho thấy, cứ mười người chơi game thì có một người vỡ nợ vì lootbox, và điều đó xảy ra ở độ tuổi rất nhỏ.
Mới đây The Gambling Health Alliance (tạm dịch: Liên đoàn chống cờ bạc Quốc tế) đã trình bày ý tưởng của mình để hạn chế điều này. Cụ thể hơn, mục tiêu của GHA là tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và văn hóa, góp phần giảm tác hại của cờ bạc và những hậu quả nghiêm trọng do cờ bạc gây ra.
Để có thể đạt được mục tiêu đó, GHA đã phát hành một bài nghiên cứu nói về tác động của ‘loại hình cờ bạc‘ này đối với trẻ em và thanh thiếu niên, trong độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi. Trong cuộc nghiên cứu, GHA đã đưa ra rất nhiều số liệu rất đáng gây báo động.
Trong đợt thống kê đầu tiên, cho thấy 23% game thủ từ 11 đến 16 tuổi từng thực hiện không ít các giao dịch mua hòm. Ở đợt thứ hai, số lượng hòm được mua và sử dụng ở độ tuổi 11 đến 14 tuổi chiếm 27%.
Chỉ tính riêng 2 đợt này, đã có đến hơn 40% game thủ rất nhỏ tuổi được tiếp cận với loại hình thức này. Nói một cách dễ hiểu, số lượng trẻ em mua loot box tăng dần theo nhiều năm, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, rất ảnh hưởng đến thế hệ sau này.
Đi sâu hơn một tí về số liệu nghĩa là cứ bốn trẻ vị thành niên thì có một bé trung bình chi hơn 100 bảng Anh (tầm 3 triệu VND) trong suốt quá trình chơi game. Sẽ không có gì để nói, nếu đây là tiền chúng tự làm ra.
Nhưng để trả cho khoản tiền đó, 15% người chơi đã lấy tiền của cha mẹ mà không xin phép, 11% nói rằng đã dùng thẻ tín dụng của cha mẹ hoặc vay tiền của gia đình hoặc bạn bè và cuối cùng 9% thú nhận rằng đã mượn nợ mà không thể trả được. Chỉ tính đến việc con nít tiếp cận với thể loại ‘cờ bạc’ này, thì những thông số nói trên thật sự rất nghiêm trọng.
Điều đáng chú ý đó là các game thủ nhí cũng nhận thức được những tác hại mà loot box đem lại. 24% trong số đó thừa nhận rằng ‘cảm thấy rất nghiện’ với các loại hộp chiến lợi phẩm này và ‘cảm thấy bị lừa, gạt’. Không những thế, 31% người chơi cho biết, ‘cảm thấy rất chật vật với việc để kiểm soát số tiền mình đã chi’ và 33% cho biết ‘không thể kiểm soát được chi tiêu của mình’.
Một chi tiết đáng được chú ý, đó chính là mức độ phổ biến của các dạng giao dịch tương tự như kiểu ‘mở hòm’ ở trong các tựa game. GHA chỉ ra rằng các ‘hộp chiến lợi phẩm’ xuất hiện trong 70% trò chơi phổ biến nhất trên Steam, cũng như 60% trò chơi di động nổi tiếng trên Google Play và AppStore có cơ chế lootbox.
Không những thế, chúng lại là công cụ sinh lợi hằng ngày cho các nhà phát hành lớn, số liệu cho thấy lootbox chiếm từ 11% đến 33% doanh thu hàng năm cho Activision Blizzard, Take-Two Interractive Software và Electronic Arts.