AoE: Huyền thoại bất diệt, nhưng liệu có thể vươn tầm?

AoE (Đế Chế) xứng đáng là một tượng đài game chiến thuật hay nhất mọi thời đại. Dù đã ra mắt gần 30 năm, trò chơi này vẫn giữ nguyên được sức hút.

Tại Việt Nam và Trung Quốc, AoE không chỉ tạo nên trào lưu tại các tiệm Internet mà còn dần phát triển thành một bộ môn thể thao điện tử, thu hút hàng triệu người chơi và người hâm mộ. Tuy nhiên, sự phát triển của AoE đã chững lại, nếu không muốn nói là thoái trào. 

Thực tế cho thấy, lượng khán giả theo dõi AoE đang ngày càng suy giảm. Nếu như năm 2019 - năm được coi là nở rộ của AoE Việt Nam với sự bùng nổ của Facebook Gaming, lượng khán giả theo dõi tại giải đấu AoE Trung - Việt lên đến gần 2 triệu người, với kỷ lục 125.000 người xem trực tiếp trên nền tảng Facebook, thì đến thời điểm hiện tại, lượng người xem trực tiếp hay xem lại các video cũng giảm đi đáng kể so với thời hoàng kim.

AoE: Huyền thoại bất diệt, nhưng liệu có thể vươn tầm?- Ảnh 1.

Tuyển thủ AoE chuyên nghiệp sụt giảm người xem

Bên cạnh đó, thống kê từ Google còn cho thấy nhu cầu tìm kiếm "AoE" và "Đế Chế" đang sụt giảm mạnh. Đỉnh cao tìm kiếm từ khóa "AoE" rơi vào Tháng 11/2011và bắt đầu giảm dần cho đến nay. Ngược dòng quá khứ, giai đoạn mà AoE bùng nổ trên Internet chính là thời điểm diễn ra giải đấu AoE GameTV Lenovo Cup 2011. Đó được coi là giải đấu Việt – Trung đầu tiên trong lịch sử của cộng đồng AoE - một giải đấu đã khơi dậy niềm cảm hứng mạnh mẽ nơi người hâm mộ, là bệ phóng để đưa cộng đồng AoE hồi sinh và tiến dần lên chuyên nghiệp. Song kể từ đó cho đến nay, biểu đồ tìm kiếm "AoE" vẫn có xu hướng giảm, đặc biệt rõ rệt từ năm 2020. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện với các từ khóa liên quan như "Chim Sẻ Đi Nắng" hay "Hồng Anh AoE", "Bibi AoE",… phản ánh sự thay đổi trong mối quan tâm của cộng đồng.

AoE: Huyền thoại bất diệt, nhưng liệu có thể vươn tầm?- Ảnh 2.

Nhu cầu tìm kiếm các từ khóa liên quan đến "aoe" cũng giảm sút (Google)

Không chỉ sụt giảm lượng tìm kiếm, sức hút của AoE với các trang game và thể thao lớn ngày càng phai nhạt. Trước đây, các trang MXH từng đưa tin về AoE rất sôi nổi, đặc biệt là những năm diễn ra giải AoE Việt – Trung. Vì thế, những con số trên đã chỉ ra một thực tế rất đáng buồn, phải chăng AoE đã không còn sức hút với khán giả như trước nữa?

AoE: Huyền thoại bất diệt, nhưng liệu có thể vươn tầm?- Ảnh 3.

Một cuộc phỏng vấn game thủ AoE Shenlong vào năm 2015, hình ảnh mà rất lâu rồi cộng đồng AoE chưa được chứng kiến lại

Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng AoE chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại còn đang đứng trước thách thức lớn trong việc xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững. Thu nhập từ AoE quá bấp bênh khiến nhiều tuyển thủ phải giải nghệ, chuyển sang thi đấu tự do hoặc rẽ sang lĩnh vực khác. Trước đây là những Tiểu Bạch Long, meomeo, Tom, Việt BM, Vô Thường, Mỹ Đình,… và mới nhất là trường hợp của VaneLove, Nam Sociu, Văn Hưởng, Tễu,… Số lượng các tuyển thủ giảm dần cũng kéo theo hệ lụy: các đội tuyển chuyên nghiệp phải thu hẹp quy mô. Năm 2019, AoE Việt Nam có tới 10 Team chuyên nghiệp hoạt động, mỗi đội đều có thành viên chính thức và từ 2-3 tuyển thủ dự bị. Đến năm 2024, số lượng này chỉ còn lại một nửa, thậm chí một số team chỉ vừa đủ 4 thành viên để thi đấu.

AoE: Huyền thoại bất diệt, nhưng liệu có thể vươn tầm?- Ảnh 4.

Nhiều tuyển thủ giải nghệ dẫn đến sự thu hẹp quy mô các đội chuyên nghiệp

Trong khi lượng tuyển thủ chuyên nghiệp ngày càng thưa thớt, cộng đồng AoE lại loay hoay trong việc tìm kiếm thế hệ kế cận. Số lượng bạn trẻ chơi AoE đã rất ít, những tài năng thực sự còn hiếm hơn. Suốt nhiều năm qua, cả cộng đồng AoE chỉ phát hiện và bồi dưỡng được một gương mặt triển vọng duy nhất là Vũ Ngọc Luận (nickname 2k1 Bắc Ninh). Dù những giải đấu tìm kiếm tài năng, giải sinh viên đã được tổ chức, AoE Việt vẫn đang rất "khát" nhân tố mới và hoàn toàn phụ thuộc vào lứa game thủ 9x. Phải chăng sức hút của AoE là quá ít so với các tựa game khác đối với thế hệ trẻ hay vì nguyên nhân sâu xa nào khác ? Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, có lẽ đến 1 thời điểm nào đó trong tương lai gần, AoE sẽ lụi tàn ?

Nguyên nhân thực sự khiến AoE bị kìm hãm?

Cũng như nhiều trò chơi điện tử khác, AoE khó tránh khỏi quy luật thịnh – suy tất yếu của thời đại. Mà nguyên nhân đầu tiên khiến AoE suy thoái là bởi sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Việc ngày càng nhiều tựa game mới xuất hiện với đồ họa đẹp mắt, gameplay (lối chơi) hiện đại và hợp thị hiếu hơn đã khiến không ít người đã từ bỏ AoE để đi tìm những trải nghiệm mới mẻ. Mặt khác, AoE dù lối chơi không quá phức tạp song vẫn đòi hỏi tính kiên nhẫn cao, vô tình trở thành rào cản cho nhiều người mới muốn tiếp cận. Bên cạnh đó, cũng bởi game đã ra mắt từ rất lâu và không được nhận bản update qua các năm, nên khó thu hút được giới trẻ vốn có rất nhiều lựa chọn trong thị trường game đa dạng như hiện nay.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu sắc hơn cả, đồng thời có sự ảnh hưởng trực tiếp sự thoái trào của cộng đồng Đế Chế tại Việt Nam nói chung chính là những vấn đề của AoE chuyên nghiệp. Mà cốt lõi nằm ở hai chữ "thu nhập".

Trước đó, khoảng thời gian từ 2018 đến 2020 được coi là giai đoạn hoàng kim của các game thủ AoE cũng như các công ty chủ quản, do có nguồn thu nhập rất cao và ổn định nhờ vào Facebook Gaming. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, nền tảng Facebook Gaming dần sa sút; bắt đầu cắt giảm thu nhập, cho đến nay thì không còn trả lương cho Streamer nữa. Đây là nguyên nhân khiến cho các công ty chủ quản gặp khó khăn, đồng thời thu nhập của game thủ AoE ngày càng giảm và cuộc sống trở nên bấp bênh. Chính vì thế, nhiều tuyển thủ AoE chuyên nghiệp phải giải nghệ hoặc là vừa thi đấu vừa phải làm thêm các công việc khác để có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Tất nhiên, ngoài Facebook Gaming, AoE chuyên nghiệp Việt Nam vẫn nhận được nguồn đầu tư khổng lồ từ các nhà tài trợ, các thương hiệu lớn. Bằng chứng là hằng năm vẫn có nhiều giải đấu được tổ chức rất hoành tráng, với vốn tài trợ cho một giải lên đến vài trăm triệu hoặc cả tỉ đồng. Mặc dù vậy, điều đáng buồn là việc phân bố nguồn tài trợ nói trên lại vô cùng bất hợp lý. Trong khi tiền thưởng dành cho Nhà vô địch hoặc Á quân cao chót vót thì các tuyển thủ khác lại không nhận được nhiều lợi ích thực tế, thậm chí có người còn trắng tay sau các giải đấu đó. Ví dụ điển hình là tại giải đấu AoE League trong năm 2024 có tổng trị giá 500.000.000 VND, thì Nhà vô địch nhận về hơn 120.000.000 VND - tức là hơn một phần năm tổng giải. Trong khi gần 30 tuyển thủ khác cùng tham dự giải đấu lại có thu nhập rất khiêm tốn, thậm chí một số tuyển thủ tham dự giải đấu còn không nhận được gì sau giải. Điều này là hoàn toàn đi ngược lại quy luật phát triển, vì bất kỳ giải đấu nào muốn thành công đều cần sự góp mặt của các tuyển thủ, đội tuyển. Do đó dù có giành danh hiệu hay không, họ vẫn xứng đáng được hưởng quyền lợi tương xứng với đóng góp của mình.

Nhìn sang Liên Minh Huyền Thoại và các bộ môn eSports khác, người hâm mộ thấy phần nào sự khác biệt. Rõ ràng, tất cả các tuyển thủ, đội tuyển tham dự giải đấu chuyên nghiệp đều được ăn chia lợi nhuận từ giải, từ đó mới có thể duy trì và đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả cộng đồng. Nhưng đây lại là điều mà suốt nhiều năm qua, AoE chuyên nghiệp Việt Nam chưa làm được.

Sự khác biệt trong chiến lược phát triển giữa AoE với Liên Minh Huyền Thoại cũng lý giải được vì sao kể từ sau năm 2011 thì lượng tìm kiếm "AoE" ngày càng giảm đi, bởi vì năm 2012 chính là thời điểm Liên Minh Huyền Thoại đặt chân vào Việt Nam, mở ra một chương mới cho thể thao điện tử nước nhà. Trong khi đó, những hướng đi sai lệch của AoE dẫn đến sự đi xuống của cả cộng đồng, chất lượng các giải đấu giảm sút và sự hào hứng của người hâm mộ ngày càng nguội lạnh.

Làm cách nào để giúp AoE vươn tầm?

Dù gặp nhiều bất lợi trong một thị trường game đầy cạnh tranh, thực tế AoE vẫn là một tựa game rất giàu tiềm năng tiềm năng phát triển. Suốt gần 3 thập kỷ qua, trò chơi này đã xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ đầy nhiệt huyết và đam mê. Tuy nhiên, muốn tìm lại ánh hào quang cho AoE, cần phải giải quyết được vấn đề cốt lõi. Đó chính là: Thu nhập của tất cả các game thủ.

Một trong những nguồn thu nhập cần phải được lưu tâm và khai thác một cách hiệu quả nhất chính là từ các giải đấu chuyên nghiệp. Bởi lẽ, các giải đấu AoE luôn luôn là nơi thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng hàng vạn người hâm mộ và đặc biệt nguồn tài trợ khổng lồ. Nếu các công ty chủ quản có thể hiệp lực cùng nhau tổ chức các giải đấu bài bản, có quy mô, chất lượng tốt, thành một hệ thống giải hoàn chỉnh, từ đó tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thì tất yếu là sẽ duy trì được nguồn tài trợ vốn có, đồng thời thu hút được thêm những nhà tài trợ mới. Điều đó cũng có nghĩa rằng thu nhập của các game thủ tham dự giải sẽ ngày càng được nâng cao.

Song như đã đề cập, dù các giải đấu AoE chuyên nghiệp tạo ra được lợi nhuận rất cao đi chăng nữa, điều cần thiết là phải phân bố nguồn thu hợp lý. Bất kỳ game thủ nào tham dự giải đấu cũng phải nhận được nguồn thu nhập tương xứng với thứ hạng, với đóng góp cho giải đấu. Tránh tình trạng tuyển thủ Vô địch, Á quân nhận quá nhiều tiền thưởng, trong khi những người "làm nền" cho những danh hiệu đó thì gần như đi thi đấu "không công".

Dĩ nhiên giải quyết được bài toán trên không phải là điều đơn giản, bởi nhiều năm qua, AoE chuyên nghiệp Việt Nam đã quá quen đi trên lối mòn cũ kỹ, lạc hậu. Có lẽ cũng chính nguyên nhân này đã thôi thúc một đơn vị giàu tiềm lực như Thiên Khôi Esports tìm ra hướng đi khác, hợp lý hơn, hiện đại hơn cho cộng đồng. Đó là đề xuất áp dụng gói "Bản quyền hình ảnh" hay "Bản quyền phát sóng" vào các giải đấu AoE chuyên nghiệp. Thực tế, đó chẳng phải là câu chuyện đao to búa lớn, mà chính là áp dụng mô hình "ăn chia" của các giải eSports (Liên Minh Huyền Thoại) hay là các giải bóng đá (Ngoại hạng Anh, Cúp C1,…) nhằm tạo ra nguồn thu nhập tương xứng và bền vững cho tất cả các game thủ AoE. Chắc chắn Thiên Khôi Esports hiểu rằng, chỉ khi game thủ AoE có nguồn thu nhập cao hơn, có cuộc sống tốt hơn thì mới có động lực để cống hiến, tạo ra giá trị cho cộng đồng, đồng thời AoE thu hút được thêm các game thủ trẻ theo đuổi trò chơi này, tạo ra được những thế hệ kế cận.

Nói tóm lại, AoE sẽ mãi mãi là một tượng đài game chiến thuật. Tuy nhiên nếu AoE Việt Nam không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi, không thể giúp cho các nguồn đầu tư, nguồn tài trợ được phân bổ hợp lý để tất cả cùng phát triển, thì tựa game này sẽ khó lòng vươn xa. Thậm chí, nếu không thay đổi, đến cuối cùng AoE sẽ chỉ còn là một biểu tượng của quá khứ, bởi chẳng ai sống mãi với hoài niệm được.