Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông hé lộ mục tiêu đặt ra sau 5 năm cho ngành game Việt Nam

Tiềm năng của ngành game Việt

Tại Diễn đàn Game Việt 2023, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng từ 600 triệu USD lên một tỷ USD.

Diễn đàn Game Việt Nam nằm trong khuôn khổ Ngày hội Game Việt Nam 2023 - GameVerse 2023, do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 1/4.

Các phiên thảo thuận của sự kiện được tổ chức trong không gian mở, rộng 3.000 m2 của Nhà thi đấu Phú Thọ, bao quanh là 17 gian hàng của các nhà phát hành, studio và nhà sản xuất thiết bị chơi game. Trong ngày đầu tiên, Vietnam GameVerse 2023 thu hút gần 10.000 lượt khách. Không khí náo nhiệt cũng thể hiện ngay tại Diễn đàn Game Việt Nam với gần 1.000 người là đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia về game và cộng đồng người chơi.

Phát biểu mở màn, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bày tỏ sự xúc động khi lần đầu có một sự kiện lớn với sự xuất hiện của nhiều công ty game trong nước, điều mà 15 năm qua cộng đồng game tại Việt Nam chưa làm được.

Ông cho biết Bộ đặt mục tiêu doanh thu ngành game Việt đạt một tỷ USD, số lượng đơn vị phát hành game trở tăng trở lại, lên mức 100 - 150 doanh nghiệp, và kéo thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp mới trong lĩnh vực này trong 5 năm tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, các diễn giả nhận định ngành game và các cơ quan quản lý cần nhìn nhận để đánh giá được các thuận lợi và thách thức, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Phát biểu ngắn gọn nhưng nhiệt huyết của ông nhận được tràng pháo tay hưởng ứng từ hàng nghìn người tham dự.


MỤC LỤC [Hiện]

Dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, đánh giá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhìn thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, riêng Việt Nam có 54,6 triệu người chơi, doanh thu 507 triệu USD. Mảng game liên quan đến thể thao điện tử (eSport) trong nước cũng đạt được nhiều thành tích cao.

"Trong bối cảnh Việt Nam có hạ tầng Internet tốt, rẻ, dân số dùng smartphone lớn, ngành game Việt có nhiều dư địa phát triển cho cả các nhà phát hành, phát triển", ông đánh giá.

Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, đơn vị từng đạt nhiều thành công với các game được phát hành trên thế giới, cho biết phần lớn studio Việt đang đầu tư vào mảng game Hyper-casual. Đây là dạng game có đồ họa, cốt truyện và lối chơi đơn giản, được các nhà sản xuất tập trung đầu tư vì dễ làm, phát triển nhanh, phù hợp với năng lực hiện tại của người Việt. Tuy nhiên, phần lớn game này vận hành theo mô hình kiếm tiền từ quảng cáo thay vì thu tiền từ người dùng bằng cách thu phí hoặc bán vật phẩm (gọi chung là IAP - in app purchase). Dẫn các số liệu thống kê của ngành, ông Liêm cho rằng các nhà sản xuất game Việt đang có cơ hội để chuyển hướng phát triển sang mô hình IAP do cách làm này có thể mang lại doanh thu ngày càng cao, hạn chế việc "bán người dùng" do xuất hiện quảng cáo.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, đánh giá game đã tạo ra một lĩnh vực mới là thể thao điện tử. Lĩnh vực này có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số. Dẫn số liệu thống kê trên thế giới, ông Bảo cho biết eSport có tốc độ tăng trưởng hàng năm 8,1% và dự kiến có 640 triệu người theo dõi bộ môn này năm 2025. "Nếu chỉ quan tâm chữ game thì có 10%, nhưng quan sát cả hệ sinh thái thì sẽ thấy có 90% còn lại đóng góp vào nền kinh tế số. Khi có người xem là có giao tiếp, có dữ liệu và là mỏ vàng trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay", ông nói.

Thách thức với ngành được ông Lê Quang Tự Do nêu ra ngay trong phát biểu đầu tiên tại sự kiện. "Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp game chưa có sự liên kết để đồng hành cùng nhau trong thời gian qua. Việc không đi cùng nhau khiến doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế của nhau, dẫn đến thực trạng người Việt Nam chơi game nước ngoài trong khi doanh nghiệp Việt lại có nhiều người nước ngoài chơi", ông Do nói.

Ông Thái Thanh Liêm chia sẻ, bản thân cảm thấy khá trăn trở khi nhìn thấy những gì đang diễn ra tại thị trường Việt, người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn game được sản xuất tại Việt Nam. CEO của Topebox cho rằng, một phần nguyên nhân là trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt Nam. Thực tế, người Việt Nam có trình độ chơi game khá cao.

Các yêu cầu cao của người chơi đặt ra vấn đề về nhân lực. Ông Bảo dẫn thống kê năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, con số này không được lấp đầy, xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, những định kiến xã hội về ngành game đã khiến sự phát triển nhân sự cho ngành game càng thêm khó khăn. "Lực lượng công nghệ thông tin được đào tạo nhưng không chuyên sâu về ngành game, dẫn tới việc không có số liệu chính xác cho nhân sự làm trong ngành game", ông đánh giá.

So sánh với thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Thắng cho rằng trình độ phát triển game lớn của Việt Nam là chưa tới. Điều này một phần do doanh nghiệp chưa tập hợp được với nhau để phát huy thế mạnh của nhau. Ông nhận định khi các doanh nghiệp tập hợp lại, cùng phát triển sẽ làm được những game lớn. "Quan trọng là cần sự công bằng, chúng ta cần hai yếu tố rõ ràng: văn hóa và đóng thuế đầy đủ", ông nói.

Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt với game online cũng được các diễn giả nhắc đến như một vấn đề của ngành game Việt. "Thị trường nội địa đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro, nếu như áp thêm thuế thì làm sao có cơ hội", ông Bảo nói, hy vọng sẽ có chính sách tạo cơ hội để doanh nghiệp cống hiến, tránh việc họ ra nước ngoài, dẫn đến thất thoát nguồn thu.

Trước những xu hướng đã nêu, ông Đào Việt Anh, Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft, đánh giá với các nhà phát triển, thách thức và cơ hội luôn song hành. Theo ông Việt Anh, có rất nhiều nhà phát triển game nước ngoài luôn săn đón nhà phát triển Việt Nam. Tuy vậy nó tạo ra thách thức cho game developer, khi phải chọn sản xuất các game mì ăn liền để kiếm tiền nhanh hơn hoặc gia công cho các hãng nước ngoài trả lương, chi phí tốt hơn.

Antoine Brochet, đại diện Amazon Web Service, cho biết nhà phát triển nên tận dụng lợi thế của tự động hóa và AI để tiết kiệm thời gian và tài nguyên khi sáng tạo game. Ông đưa ra ví dụ về việc tự động hóa phát triển trò chơi để giảm thời gian thử nghiệm, từ đó giúp sản phẩm có thể xuất xưởng trò chơi sớm hơn. Đây chỉ là một trong nhưng ví dụ, thực tế việc áp dụng AI mang lại hiệu quả ở nhiều khía cạnh hơn.

Về nhân lực, ông Lê Quang Tự Do cho biết đã có đại học chuyên ngành công nghệ thông tin đề xuất lên Bộ Giáo dục để mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với nhiều đại học khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game. Còn theo ông Bảo, nếu coi là game là một ngành thì sẽ có nghề, có nghề sẽ có sản phẩm. Việt Nam cần tạo cơ hội để các nhân lực, các dự án mới trong lĩnh vực game có thể xuất hiện, để cơ quan quản lý thấy ngành game có thể làm được những gì.

"Tôi hy vọng có sự đồng hành cơ quan quản lý để hỗ trợ chính sách, nguồn lực giúp các doanh nghiệp có thể tổ chức thêm những sự kiện thế này. Khi các startup có thêm nguồn lực, họ sẽ có cơ hội để xuất hiện, giúp đơn vị quản lý thấy lực lượng ngành game tại Việt Nam đông đảo thế nào", ông Bảo nhấn mạnh.

Ngày hội Game Việt Nam 2023 - GameVerse 2023 diễn ra xuyên suốt hai ngày 1-2/4. Chương trình do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11 và dự kiến thu hút 15.000 lượt người tham gia.

Bài viết: Lưu Quý

Ảnh: Thanh Tùng - Trần Quỳnh