1. Cộng đồng đông nhưng không có sự thống nhất
Đây là nguyên nhân có lẽ là lớn nhất cho sự phát triển yếu kém của cộng đồng DOTA 2 Việt Nam. Sự thống nhất ở đây có thể hiểu là việc một cá nhân hay một nhóm nhân vật có tiếng nói trong cộng đồng đứng ra để tổ chức những sự kiện phát triển cộng đồng, như các giải đấu từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư. Đứng ra kêu gọi nhà tài trợ, kêu gọi vốn đầu tư v.v và sự thật đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay chưa có điều đó.
Hãy nhìn sang một tựa game không có nhà phát hành khác là CS:GO, cộng đồng CS:GO Việt Nam thua thiệt rất nhiều về cả số lượng người chơi lẫn cơ sở vật chất. Tuy nhiên họ vẫn đang trong đà phát triển đi lên khi mà có một đơn vị tổ chức giải có kinh nghiệm, bình luận giải đấu trong và ngoài nước thu hút người xem là 500 Bros Studio, đứng sau là sự hỗ trợ của hệ thống phòng net Vikings.
Đội ngũ 500Bros có công rất lớn trong sự phát triển của CS:GO Việt Nam.
Còn về DOTA 2 thì sao, đã từng có thời điểm rất nhiều đơn vị làm về bình luận các giải đấu quốc tế nhưng không một ai chịu đứng ra tổ chức giải đấu hay có khả năng kêu gọi đầu tư tập trung và có hệ thống cả. Hệ quả là cộng đồng DOTA 2 tuy đông đấy nhưng như rắn mất đầu không có người có tiếng nói đủ sức nặng để đại diện cho cả một cộng đồng cả.
2. Quay lưng với người chơi mới
Đây có thể xem là lí do lớn nhất dẫn tới sự thoái trào của DOTA 2. Nếu bạn là một người chơi mới, đặc biệt là khi bạn chơi một mình, thì việc lên những trang mạng hoặc những group trên facebook để tìm hiểu, học hỏi là điều gần nhưng là đương nhiên.
Tuy nhiên một sự thật đáng buồn đó là những bài post hỏi các vẫn đề về game, những thắc mắc của những người chơi mới lại bị những người chơi trước buông khá nhiều lời khiếm nhã, đùa cợt mà không có sự trả lời đúng vào trọng tâm vấn đề của người hỏi.
Không chỉ Việt Nam và cộng đồng DOTA 2 quốc tế cũng không thân thiện với người chơi mới.
DOTA 2 suy cho cùng là một tựa game online, nếu không có người chơi mới thì sớm muộn game cũng sẽ chết. Thêm người chơi mới là cộng đồng game được mở rộng, những nhân tài sẽ xuất hiện nhiều hơn chứ không chỉ gói gọn trong những cái tên quen thuộc nữa. Tuy nhiên đáng buồn thay là những người chơi DOTA 2 lại đang quay lưng lại với lớp người chơi mới này, tức là đi ngược lại với sự phát triển của một tựa game.
3. Môi trường DOTA 2 chuyên nghiệp yếu kém
Lí do này không nhắm vào việc kỹ năng của các game thủ chuyên nghiệp yếu kém mà là cả một môi trường chuyên nghiệp nói chung. Môi trường thuận lợi để phát triển thể thao điện tử chuyên nghiệp đó là hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp được diễn ra liên tục và đều đặn, các tài năng mới được phát hiện và tạo cơ hội phát triển, hệ thống bình luận chuyên nghiệp và quan trọng nhất là sự quan tâm của cộng đồng.
Sự thành công của GAM là kết quả tất yếu của sự phát triển đúng hướng của môi trường LMHT chuyên nghiệp.
Về phần bình luận thì cộng đồng DOTA 2 Việt Nam đang làm khá tốt khi có một tổ chức stream và bình luận DOTA 2 khá chuyên nghiệp và có định hướng phát triển rõ ràng là 23CreativeVN.
Tuy nhiên, DOTA 2 của chúng ta còn quá thiếu điều đó. Chúng ta không có một hệ thống giải đấu thường xuyên để các proplayer rèn luyện nâng cao trình độ. Các đội game chuyên nghiệp thường phải tự mình liên hệ và đấu tập với các team trong khu vực, điều này là cực kì hạn chế khi có rất nhiều các sự cố về mạng xảy ra thường xuyên.
Chính vì lí do này mà các đội game của Việt Nam dường như chưa phát huy được toàn bộ những gì mình có hay họ chưa được đẩy tới giới hạn kỹ năng của mình, chính vì thế mà thành tích của chúng ta khi ra đấu trường quốc tế là cực kì hạn chế.
Những thành công bước đầu của NextGen chủ yếu tới từ nỗ lực của bản thân game thủ.
Kết
DOTA 2 là một tựa game tuyệt vời nhưng có lẽ cộng đồng DOTA 2 Việt Nam đang chưa biết cách phát triển tựa game tuyệt vời đó thành sự tuyệt vời của cộng đồng. Đây là việc mà những nhân vật có tiếng nói trong cộng đồng cần nỗ lực hơn nữa để DOTA 2 Việt Nam trở nên đoàn kết, và xa hơn nữa là những đội tuyển chuyên nghiệp của chúng ta vươn ra tầm cỡ khu vực và thế giới.