Đấu Trường Chân Lý: Tính năng nhắc bài của TFTactics khiến game thủ lười sáng tạo

Phong cách chơi quá rập khuôn khi phụ thuộc vào những đội hình hay trang bị của TFTactics vô tình giết chết sự sáng tạo trong Đấu Trường Chân Lý.

TFTactics là một ứng dụng do Overwolf phát triển với mục đích là “nhắc bài” cho game thủ khi chơi Đấu Trường Chân Lý. Ứng dụng này sẽ đưa ra tất cả thông tin mà bạn cần, từ đội hình đề xuất, cách lên trang bị hay thậm chí là thông số chi tiết của từng trang bị và tỉ lệ xuất hiện của tướng theo cấp bậc.

Ban đầu, ứng dụng này tỏ ra rất hiệu quả trong việc giúp game thủ ghi nhớ các Tộc/Hệ, cách ghép đồ cũng như cách kết hợp đội hình vốn được cho là quá nhiều và rắc rối. Tuy nhiên từ giữa mùa 2, sự “phổ cập diện rộng” của TFTactics và tính năng phân hạng của nó khiến hầu hết game thủ đều trở nên phụ thuộc và “spam” một loại đội hình từ trận này sang trận khác.

Từ mùa 2, hầu như bất cứ game thủ nào cũng đã cài TFTactics

Giả sử như ở mùa 1 – khi TFTactics chưa được ra đời, Đấu Trường Chân Lý là một trò chơi giải trí đúng nghĩa và game thủ đóng vai trò quyết định trong việc nhặt đồ, ghép đồ tùy theo tình huống. Shyvana Huyết Kiếm, Graves Giải Giới kèm Rìu Đại Mãng Xà, Katarina Ác Quỷ hay Volibear cầm 2 Đại Bác Liên Thanh “bốc” cả thế giới là những sáng tạo tuyệt vời ở thời điểm đó.

Đấu Trường Chân Lý mùa 1 có những cách ghép trang bị rất điên rồ

Thế nhưng hiện tại, khi người người nhà nhà đều đã cài TFTactics thì Đấu Trường Chân Lý trở thành bài toán ai nhặt được đồ giống với Sách Giáo Khoa hơn mà thôi. Kịch bản sẽ là bật TFTactics lên xem đội hình nào đang ở top, vào game cố gắng lấy đồ giống y hệt và “cố thủ” đến cuối trận. Chuyện cả bản đồ spam một loại đội hình đã xảy ra với bộ Pháo Thủ, Nổi Loạn hay Hộ Vệ khi chúng được TFTactics xếp hạng S.

Có thể bạn muốn xem: TOP 10 vị tướng phế nhất trong lịch sử Đấu Trường Chân Lý

TFTactics được game thủ Việt gọi vui là Sách Giáo Khoa

Việc quá phụ thuộc vào TFTactics khiến nhiều game thủ thua thông về top 8 khi mọi chuyện không đi theo đúng như Sách Giáo Khoa chỉ dạy, trong khi đó khả năng xoay chuyển đội hình hầu như là không có. “Nhặt đồ không chuẩn như TFTactics nên thua” là suy nghĩ của không ít người chơi, và đó là lý do vì sao mà chỉ mới ra mắt một thời gian ngắn nhưng Đấu Trường Chân Lý mùa 3 đã phải trải qua rất nhiều đợt thay máu, thay cả tướng.

Mục đích tạo ra TFTactics là đúng, nhưng nó làm quá tốt việc “nhắc bài” đến mức game thủ Việt không muốn tự nghĩ đội hình mới, hướng đi mới nữa, hoặc giả như là họ cảm thấy mình không thể nào hơn “sách” được.