Trong ngày thi đấu 27/08 thuộc khuôn khổ playoffs VCS Mùa Hè 2023, GAM Esports đã xuất sắc đánh bại Team Secret trong một trận BO5 đầy kịch tính. Với chiến thắng này, GAM đã có cho mình suất đầu tiên đại diện VCS góp mặt tại Chung kết thế giới (CKTG) 2023. Đồng thời, tuyển thủ Slayder cũng có lần đầu dự CKTG 2023. Ngay sau khi trận đấu kết thúc, trong lúc chào đối thủ, Slayder đã không kiềm được những giọt nước mắt hạnh phúc vì chưa bao giờ cơ hội dự một kỳ CKTG lại rõ ràng với anh hơn lúc này.
Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn LMHT quốc tế, không ít khán giả bắt đầu thắc mắc về vấn đề đang hiện hữu: cả NRG (của khu vực LCS) và GAM (của VCS) đều tham dự CKTG 2023. Tất nhiên, việc lo lắng đến từ chỗ, NRG thuộc sở hữu của tập đoàn NRG có trụ sở tại Los Angeles trong khi đó, GAM thuộc sở hữu của NRG.ASIA. Và cho ai chưa biết, NRG.ASIA từng được xem là một nhánh của tập đoàn NRG trong chiến dịch tấn công thị trường Thể thao điện tử châu Á.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, GAM (thuộc NRG.ASIA) sẽ thi đấu như thế nào nếu đối đầu với NRG? Liệu có sự xung đột nào về mặt mối quan hệ giữa hai tập đoàn khi đội tuyển thuộc sở hữu của họ đối đầu nhau. Và hơn hết, khán giả lo ngại về những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra một khi GAM và NRG đối đầu nhau tại CKTG 2023. Bởi lẽ, theo cách hiểu của phần đông người hâm mộ, hai đội GAM và NRG, ở một phương diện nào đó là đang có chung chủ sở hữu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khán giả cho rằng, trường hợp như NRG và GAM hoàn toàn không lạ trong lịch sử thể thao chính thống cũng như Esports. Đơn cử như trong quá khứ, từng có trường hợp cả PSG.Talon và LGD đều tham gia giải đấu dù PSG khi đó đang là tài trợ chính của đội LGD thuộc bộ môn DOTA 2. Hay như một trường hợp nổi tiếng hơn: Samsung Galaxy White và Samsung Galaxy Blue vẫn chinh chiến tại CKTG bình thường trước đây. Sau đó, Riot đã có những chỉnh sửa luật kỹ càng hơn về trường hợp này.
Ngoài ra, còn có một giải thích nữa được nhiều ý kiến đồng tình: "Có thể NRG.ASIA chỉ là một đơn vị thuộc dạng nhượng quyền thương hiệu của NRG trong ý đồ đặt ảnh hưởng tại khu vực châu Á. Bởi lẽ, Chủ tịch của NRG.ASIA chính là ông Randy Dobson (vốn là CEO của CMG.ASIA - hoàn toàn không liên quan gì đến NRG). Trong khi đó, ông TK Nguyễn và Dru Nguyễn có vai trò CEO và COO vốn làm việc bên lĩnh vực giải trí, nightlife. Hình thức nhượng quyền thương hiệu không còn quá xa lạ và có thể NRG đang thực hiện phương án này để lan tỏa tầm ảnh hưởng và thương hiệu của mình trong cộng đồng Esports châu Á. Chưa kể, nếu vụ việc này ban đầu có thể gây bất cập, thì Riot đã ngăn chặn từ sớm chứ không để đến tận thời điểm hiện tại".
Tất nhiên, những ý kiến trên đa phần đều đến từ cộng đồng LMHT. Trong khi đó, người trong cuộc lẫn Riot chưa lên tiếng về vụ việc. Tuy nhiên, khi một đội tuyển được chuyển giao chủ sở hữu, Riot chắc chắn phải nắm rõ toàn bộ quy trình, thủ tục và thông tin liên quan. Do đó, sẽ khó có trường hợp bất cập xảy ra mà phía nhà phát hành này không kiểm soát được.