Vừa qua, trận đụng độ nhiều duyên nợ nhất tại Tứ Kết CKTG 2022 giữa T1 và Royal Never Give Up (RNG) đã chính thức diễn ra. Trước thềm trận đấu hấp dẫn này, người hâm mộ hy vọng rằng sẽ có một kèo đấu cực kỳ căng thẳng giữa cả 2 đại diện, tuy nhiên, kịch bản của cuộc so tài vào sáng 22/10 đã cho thấy điều ngược lại.
Đại diện LCK Hàn Quốc đã giành chiến thắng khá nhanh và dễ dàng với tỉ số 3-0 trước đại diện LPL Trung Quốc. Chiến thắng thuyết phục giúp T1 chính thức giành vé vào vòng Bán kết CKTG 2022, nơi đội tuyển JD Gaming (JDG) đã chờ sẵn. Ngược lại, thất bại trước T1 cũng đồng nghĩa với việc RNG phải dừng chân tại CKTG năm nay. Trong trận đấu kinh điển này, thành viên đánh hay nhất trong đội hình T1 phải kể đến Xạ thủ Gumayusi.
Ở ván đấu thứ nhất, T1 đánh đúng chất tướng với một thế trận kiểm soát cực kỳ chắc chắn để có được lợi thế dẫn trước. Nhưng sang ván thi đấu thứ 2, RNG lại là đội có được nhiều lợi thế hơn. Thậm chí có thời điểm tưởng chừng như RNG có thể thành công gỡ hòa, nhưng ở trận đấu này, chiến thắng đã nói “không” với RNG. Nhờ lối chơi “chày cối” chờ cho đối phương mắc sai lầm của Faker và đồng đội đã giúp họ có được cả ván đấu trong vỏn vẹn 5 phút cuối trận. Đặc biệt, ở ván đấu này, Gumayusi đã không phụ lòng người hâm mộ, anh chàng thi đấu mạnh mẽ và đẳng cấp. Với quân bài Xayah trong tay, Gumayusi thoải mái hạ gục đối thủ dưới sự bao bọc của tập thể T1.
Tiếp tục thừa thắng xông lên ở ván thi đấu thứ ba, mặc dù sử dụng Varus, một tướng tuy không có độ cơ động cao nhưng xạ thủ T1 đã tự tin nhảy múa trước đội hình RNG và gây cả tá sát thương trong giao tranh. Cùng với các thành viên T1, Gumayusi đã tạo ra những pha xử lý đỉnh cao và đánh bại RNG với tỷ số 3-0 tuyệt đối.
Trận đấu Tứ kết quá mãn nhãn khiến cho Gumayusi được cộng đồng LMHT thế giới khen ngợi suốt hai ngày qua, những thông tin về anh chàng cũng được người hâm mộ lùng sục tìm kiếm. Gumayusi tên thật là Lee Min-hyeong, sinh ngày 6 tháng 2 năm 2002, nam tuyển thủ góp mặt trong đội hình T1 từ khi còn rất trẻ.
Trước khi khoác lên mình màu áo đỏ của T1, Gumayusi bắt đầu từ đội tuyển nghiệp dư Seoul và tham dự KeSPA Cup 2018. Tại đây, chàng trai sinh năm 2002 đã để lại dấu ấn khi đánh bại Hanwha Life Esports. Từ đó, cái tên Gumayusi mới được chú ý nhiều hơn, để rồi vào mùa đông 2018, Gumayusi đã chuyển hộ khẩu đến gaming house T1.
Sau 2 năm ở T1, Gumayusi vẫn phải an phận trên băng ghế dự bị hoặc training cùng đội trẻ. Đến năm 2020, Gumayusi mới được debut tại vòng loại CKTG 2020, thay thế vị trí của Teddy trong hoàn cảnh T1 chứng kiến phong độ tụt dốc không phanh. Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp đến nay, anh chàng cũng từng phải nếm mùi thất bại, nhưng vượt qua tất cả, Gumayusi vẫn là một phần quan trọng không thể thiếu trong đội hình T1.
Cùng với Faker và các thành viên T1 khác, Gumayusi đã tạo ra một cơn địa chấn tại trận Tứ kết và toàn đội đang đặt quyết tâm cao độ cho chức vô địch CKTG năm nay. Chắc chắn với phong độ như hiện tại, anh chàng sẽ còn bùng nổ hơn nữa tại CKTG 2022.