Chơi hack/cheat gây nghiện còn hơn chơi đồ
Nói tới hack/cheat thì có rất nhiều loại, nhưng đối với thể loại bắn súng như PUBG, The Divison, CoD thì phổ biến nhất vẫn là trò dòm lén xuyên tường (wallhack) và không ngắm tự trúng (aimbot). Một vài con hàng thật sự quái thai khi nghĩ rằng đưa trò Lăng Ba Vi Bộ của Đoàn Dự vào game bắn súng hẳn sẽ rất ngầu nên ra tay chỉnh sửa mã nguồn khiến nhân vật có thể di chuyển với tốc độ của Quick Silver khiến bàn dân thiên hạ không cách nào mà ngắm bắn được. Hack/cheat là một trò rất ti tiện nhưng đáng buồn thay nó lại rất có thị trường. Nguyên nhân thì cũng kha khá nhưng có thể quy nạp lại thành một vài lý do lý trấu gồm: chơi gà nhưng vẫn thích ăn gà nên quyết tâm xài hack, tâm lý vặn vẹo thích nhìn đối thủ lìa đời trong căm phẫn và tuyệt vọng nên xài wallhack hoặc aimbot cho nó chết đầy ức chế hay mấy đứa tò mò kiểu chơi quang minh lỗi lạc lâu nay mệt mỏi quá cần có một sự làm mới bản thân để chiêm nghiệm cuộc sống theo cách khác.
Dù với bất cứ lý do gì một khi sử dụng hack/cheat, không thể phủ nhận chỉ với thứ đơn giản nhất mà chỉ có bọn nhóc con mới dùng như wallhack thôi là đã chiếm tiên cơ kinh khủng rồi chớ chưa nói tới việc dùng aimbot thì đúng là gần như Thanos vậy. Kể từ khi ra mắt tới giờ, các trò chơi, đặc biệt là game bắn súng luôn luôn phải tìm cách vật lộn chống chọi với nạn hack, khi đã có tới hàng trăm ngàn account bị khóa nhưng mọi việc vẫn chưa bao giờ có thể thực sự triệt để. Ngay cả như tựa game battle royale mới nhất là Call of Duty: Warzone cũng phải đau đầu vì hack, họ đã ban hơn 70 ngàn tài khoản và quyết tâm tuyên chiến đến cùng với hack/cheat. Không một tựa game nào có thể tồn tại nếu dung túng cho cheater hoạt động, vì rõ ràng là chẳng ai thích thú gì với việc vừa ló đầu ra là bị bắn chết cả.
Như đã nói ở trên, hack/cheat khiến cho người ta đạt lợi thế cực lớn khi bước vào những game đòi hỏi sự thông minh, khéo léo cùng phản xạ nhanh nhạy – thứ không phải ai cũng có, thế nên chơi hack/cheat cứ như chơi ma túy vậy. Thử lần đầu không dính liền nhưng kiểu gì cũng ngứa ngáy làm thêm phát nữa và nghiện cmn lúc nào không hay. Không như game offline nơi người ta dễ thấy chán khi mình quá mạnh, thì trong các game bắn súng free for all cảm giác tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên, ho một phát cũng khiến quần hùng run rẩy luôn là thứ vô cùng hưng phấn, đặc biệt là với trẻ trâu vừa gà lại cứ thích hành gà. Khoe khoang một pha ăn gà (nhờ hack) hoặc phá hoại sự trải nghiệm của game thủ khác luôn thứ mà phần đông game thủ thiếu ý thức cảm thấy sung sướng, vì dù sao được “hành gà” trong bất kì trường hợp nào cũng là điều tuyệt vời.
Hack/cheat không tha game đang thử nghiệm
Người ta có thể rất không hài lòng với Vanguard bởi nó có hiềm nghi rất lớn trong việc làm cho các ứng dụng khác trên máy tính bị vô hiệu hóa hoặc kéo tốc độ vận hành của chúng xuống với tốc độ như rùa bò. Nhưng không thể phủ nhận một điều: hiệu quả của chương trình anti cheat là có, thực tế nó vừa giúp Riot tóm cổ hơn 8000 tài khoản sử dụng hack/cheat trong thời gian qua. Theo những số liệu do Phillip Koskinas – một trong những người phụ trách phần mềm chống hack của VALORANT, chia sẻ trên Twitter thì sau một tháng thử nghiệm họ đã nhận diện và cấm vĩnh viễn chính xác là 8873 tài khoản game bởi hành vi sử dụng phần mềm thứ 3 để gian lận trong game. Đó chắc chắn không phải là con số cuối cùng bởi theo Matt Paoletti, một chuyên viên phân tích cấp cao của Riot cho biết đây chỉ là một vụ “bắt bớ” sơ sơ và ngoài kia chắc chắn vẫn còn nhiều chương trình giúp gian lận chưa bị phát hiện.
Tất nhiên đó là một thông tin không lấy gì làm thú vị nên Matt nhấn mạnh rằng đội ngũ chống hack/cheat của Riot Games chắc chắn sẽ còn thực hiện nhiều chiến dịch mạnh tay hơn trong tương lai để tránh đi vào vết xe đổ của PUBG hay CS:GO. Về phần 8873 người chơi đã trót nhúng chàm vì tham một phút giây tiện lợi, họ sẽ bị cách ly hoàn toàn khỏi những trò chơi của hãng mà không có bất cứ sự khoan hồng nào. Đó là điều sẽ khiến những tên dùng hack phải khóc tiếng Mán vì ở thời điểm hiện tại, người chơi VALORANT chỉ có thể trải nghiệm bản Beta của tựa game bắn súng này bằng cách nhận Key Beta. Chính vì lẽ đó nên hình thức xử phạt này có lẽ sẽ là động thái đánh thẳng vào địa chỉ IP của những người chơi gian lận để “khóa mõm” vĩnh viễn những thành phần ăn hại và phá hoại bất chấp mọi thời gian lẫn không gian.
Tất nhiên dù Riot mạnh tay đến mức nào thì hack/cheat vẫn là món gia vị đi kèm đáng ghét mà bất cứ trò chơi nào cũng khó có thể tránh được. Từ trước đến nay công cuộc chống gian lận trong game, đặc biệt là thể loại FPS chưa bao giờ là phạm trù đơn giản. Không chỉ không thể ngăn chặn hiệu quả, nhiều trò chơi như PUBG còn phải chơi trò đánh cả cụm, tức là cấm tham gia theo từng khu vực nhất định nhưng không mấy hiệu quả. Đến hôm nay, việc khóa vĩnh viễn 8873 tài khoản chỉ trong giai đoạn thử nghiệm đã chứng minh một điều là game có lúc hay dở khác nhau nhưng hack/cheat trong game thì thời nào cũng có.