Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports

Gần như trở thành luật bất thành văn, những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn tới làng thể thao điện tử đa phần là nam giới, phái yếu thường ít được xem trọng trong ngành này.

Việc trọng nam khinh nữ trong cộng đồng game thủ đã có từ lâu và diễn ra vô hình. Tuy nhiên, khi tư duy của con người ngày càng phát triển và văn minh, chủ nghĩa phân biệt cũng dần bị coi như một văn hóa xấu xí trong xã hội. Không chỉ trong giới streamer hay tuyển thủ chuyên nghiệp mà nó xuất hiện ngay trong chính những nhà phát triển game.

Mới đây, Riot Games đã bị một nhóm các nhà luật sư đưa ra yêu cầu phải bồi thường 400 triệu USD (hơn 9 nghìn tỷ VND) vì phân biệt giới tính trong chính công ty. Trước đó, nhóm cựu nhân viên nữ của Riot đã kiện công ty cũ vì phân biệt đối xử, không công bằng trong chế độ đãi ngộ, ngăn cản thăng tiến, kéo theo đó là hành động đình công hàng loạt. Số tiền 10 triệu USD mà Riot Games bồi thường bị các luật sư cho là cái giá quá nhỏ so với những gì họ đáng ra phải trả.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 1.

Hẳn nhiên, khi nhà phát hành vướng vào vụ việc liên quan tới phân biệt giới tính như một lẽ tất nhiên các đội tuyển/ giải đấu không ít thì nhiều cũng bị dính tới văn hóa không tốt này. Tại LCL mùa xuân 2019, sau trận đấu giữa RoX và Vaevictis gây tranh cãi, Riot đã phải đưa ra án phạt cho RoX vì đã có hành động phi thể thao. Tất nhiên, vẫn còn có những luồng ý kiến trái chiều liên quan tới án phạt này, thế nhưng, đây có lẽ như một hành động nhằm lấy lại thiện cảm sau bê bối trước đó của chính nhà phát hành.

Tuy vậy, công ty này lại một lần nữa tự dẫm vào chân mình khi ngay sau đó chính Riot đã đuổi thẳng team Vaevictis ra khỏi giải do có thành tích bết bát. Điều này lại dấy lên tranh cãi liệu đây có phải là sự phân biệt đối với một đội toàn nữ hay không? Hay Riot đang tôn trọng điều lệ giải đấu?

Trả lời về vấn đề này, người đi rừng của đội - HellMa đã có buổi phỏng vấn với Inven Global. Theo cô, rất khó để kiếm những cô gái giỏi thực sự trong LMHT, thậm chí có những người như cô phải chơi một vị trí hoàn toàn khác với vị trí sở trường và việc phối hợp nhuần nhuyễn trong giải rất khó. Hơn nữa dù hạng của cả 5 cô nàng đều ở mức Kim Cương nhưng đối thủ là những chàng trai có hạng Thách Đấu hoặc lớn hơn. Cô nàng cùng cho hay, nếu thời gian luyện tập được dài hơn một chút có lẽ đội sẽ phối hợp tốt hơn.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 2.

Vaevictis Esports, đội tuyển LMHT chuyên nghiệp 100% nữ tại máy chủ CIS.

"Vấn đề không phải bạn là game thủ nam hay game thủ nữ, mà là trình độ thực sự của bạn, Nếu ném 5 anh chàng kim cương vào thi đấu thì kết quả cũng giống chúng tôi thôi", HellMa trả lời Inven Global.

Không chỉ phân biệt khác giới, giới tính thứ 3 cũng thường không được xem trọng trong làng eSports, có thể kể đến trường hợp mới đây của cựu thành viên Super Massive (TCL) – Dumbledoge. Anh chàng đã quyết định dứt áo ra đi chỉ sau 2 tháng gia nhập đội tuyển. Lý do vì sao anh chàng cũng nói rất rõ ràng trong tâm thư của mình rằng anh bị chính người đồng đội của mình - Zeitnot đàm tiếu và làm tổn thương vì anh thuộc về giới tính thứ 3. Hiện tại phía Super Massive và Riot chưa đưa ra bất kỳ động thái nào.

"Tôi nghe thấy Zeitnot và Pades đang nói chuyện ngoài ban công nên tôi quyết định đối mặt với hắn. Tôi tiến đến trước mặt hắn và nói rằng 'Muốn nói gì thì nói trước mặt ấy chứ đừng có xì xào sau lưng tôi'. Trong cuộc đối thoại đó, hắn lăng mạ và xúc phạm tôi. Hắn nói rằng tôi chơi tệ hại, rằng đã chịu đựng tôi quá đủ từ năm 2017 rồi và không muốn làm đồng đội của tôi chút nào nữa. Tôi hỏi lại rằng ý hắn là sao, vì tôi chẳng hiểu hắn đang nói về cái quái gì cả. Thế là, hắn hùng hổ tiến về phía tôi trước khi Pades kịp xen vào và ngăn anh ta lại", Dumbledoge viết trong tâm thư.

Ngoài vụ việc của Dumbledoge, cộng đồng Dota 2 cũng đã có một phen xôn xao khi n0tail, đội trưởng team OG Dota2, bị Twitch khóa kênh vì do có hành vi kỳ thị người đồng tính trên stream vào năm ngoái. Các tựa game khác như CS:GO, PUBG, Overwatch... không ít thì nhiều có những trường hợp streamer/tuyển thủ bị khóa kênh, phạt tiền hoặc tệ hơn là cấm thi đấu do có hành động phân biệt đối xử.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 3.

Tài khoản Twitch của n0tail bị ban vì kì thị người đồng tính trên stream.

Ngoài những tuyển thủ, giới streamer cũng bị đánh giá có sự phân biệt giới tính rất nặng nề. Theo khảo sát của trang Casino.org, có đến 57% game thủ nữ thú nhận bị các game thủ nam quấy rối tình dục. Thường sự quấy rối đến từ các cuộc gọi hoặc tin nhắn, rất ít người chịu được áp lực đó.

Ngoài những lời trăng hoa, đa phần nội dung của cuộc gọi hay tin nhắn đều có nội dung như dọa hiếp, giết, yêu cầu quan hệ tình dục... Hơn 70% game thủ nữ khi được khảo sát đều đồng ý với việc nhà phát triển game và các nền tảng stream phải có trách nhiệm với những người dùng của mình.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 4.

Pokimane - streamer nữ hiếm hoi có được sự đồng cảm của cả nam giới và nữ giới.

Có thể thấy, kỳ thị giới tính đang là tảng băng lớn đe dọa tới sự mở rộng và phát triển nền thể thao điện tử thế giới. Hiểu được điều này, các nhà phát hành, nền tảng livestream đã và đang làm mọi cách để làm trong sạch bằng các biện pháp cả nhẹ lẫn mạnh tay nhằm nâng cao tư duy của cộng đồng game thủ nam. Kèm với đó là sự hỗ trợ phát triển, đào tạo các đội tuyển eSports, game thủ, streamer nữ. Những hành động như mở các giải chỉ dành cho các tuyển thủ nữ, tạo thêm nhiều đội để các game thủ nữ có cơ hội được thi đấu, đồng thời cũng bổ nhiệm vào các công ty game những vị trí quan trọng là nữ giới. Cũng có những nhà phát triển tạo ra các nhân vật nữ rất ngầu và hành động mạnh mẽ không kém gì cánh mày râu, chính là những điểm sáng nhe nhói trong cuộc chiến chống lại kỳ thị và phân biệt phụ nữ.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 5.

Lá cờ đầu trong việc phát triển các đội eSports nữ tại Việt Nam - The Queen Team.

Trận chiến với nạn phân biệt, kỳ thị giới tính là cuộc chiến khó khăn và dai dẳng. Do đó cần sự chung tay đồng lòng của cả những con người ở thượng tầng lẫn các game thủ. Nếu thất bại, làng game sẽ mãi mãi chỉ có cánh mày râu tự chơi với nhau mà thôi.

Ai cũng biết thay đổi tư duy của số đông là rất khó, thế nhưng, khó không phải là bất khả thi. Làng game cần phải có trách nhiệm lớn hơn, học cách biết chấp nhận và chào đón phái yếu. Vì sau cùng các tựa game là dành cho tất cả mọi người và tất cả mọi người đều bình đẳng.

Kỳ thị và phân biệt giới tính: Tảng băng lớn cản trở sự phát triển của nền công nghiệp eSports - Ảnh 6.