Thậm chí, eSport còn đang nhận được sự chú ý từ khắp các tổ chức trên toàn thế giới, ví dụ như những thương vụ đầu tư của Schalke04 và PSG, hai đội bóng có tên tuổi của nền bóng đá châu Âu vào những đội tuyển LMHT và DOTA 2. Và đây cũng là lúc mà nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu eSport có nên được đưa vào như một bộ môn thi đấu trong các kỳ thế vận hội thể thao Olympics.
Có khá nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề này, từ ủng hộ cho tới phản bác. Chắc chắn rằng một trong những quốc gia đồng tình nhất với việc đưa eSport vào thi thố tại các kỳ Olympic là người Hàn Quốc, khi họ tính tới nay vẫn gần như bá đạo tại một số bộ môn như Starcraft, LMHT hay Warcraft 3. Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với các game thủ Hàn Quốc, khi việc có thành tích xuất sắc hoặc giành được huy chương tại các kỳ thi như thế vận hội Olympic sẽ khiến cho họ được miễn việc thi hành nghĩa vụ quân sự, điều bắt buộc đối với mọi nam giới tại xứ sở kim chi này.
Người Hàn ủng hộ hai tay trong việc đưa eSport vào các kỳ Olympic
Thêm vào đó, cũng có khá nhiều luận điểm hỗ trợ, khi mà Olympic đang phát triển, kéo theo nhiều bộ môn được cho thêm vào như bắn cung, cưỡi ngựa – những thứ có số lượng khán giả hạn chế và thua kém rất nhiều so với các bộ môn eSport. Vậy thì chắc chắn rằng việc có thêm eSport sẽ khiến cho các kỳ Olympic không những tăng thêm doanh thu mà còn tạo được tiếng vang cũng như gây thêm sự chú ý và hiệu ứng toàn cầu.
Thậm chí ở một số nước như Mỹ, Nga, các game thủ eSport còn được Bộ Thể Thao của các nước này công nhận tư cách vận động viên như các môn thể thao bình thường khác. Hay các trường học của Na Uy giờ đây còn đưa eSport vào giảng dạy như một phần của các tiết học thể dục. Sâu hơn nữa, các cuộc thi eSport giờ đây còn có cả quá trình kiểm tra doping – một trong những tiêu chuẩn bắt buộc của các kỳ Olympic.
Olympic chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý và doanh thu hơn nếu có eSport
Olympic không nhất thiết lúc nào cũng phải bao gồm các bộ môn vận động. Nên nhớ rằng cờ vua và một vài môn khác – những thứ chỉ yêu cầu trí tuệ và rất ít thể chất của người chơi còn được đưa vào Olympic thì tại sao các bộ môn eSport, với nhiều nét tương đồng và thậm chí còn hấp dẫn hơn trong mắt nhiều người lại không.
Để trở thành một game thủ eSport chuyên nghiệp, bạn cũng phải bỏ ra hàng tấn thời gian luyện tập, tư duy không khác gì so với các bộ môn thể thao truyền thống là mấy. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến phản đối, khi nhiều người vẫn quan niệm rằng có một sự khác nhau rõ rệt giữa các bộ môn thi đấu, so với một eSport – thứ vốn chỉ được coi là công cụ giải trí của trẻ nhỏ hay một số người trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng nói như thế liệu có công bằng, khi mà chính thứ trò chơi giải trí đó lại đang biến khá nhiều game thủ đổi đời và trở thành triệu phú đấy.
Nhiều người dự đoán eSport sẽ được đưa vào trong tương lai gần của các kỳ Olympic
Nhìn chung, theo góc độ của nhiều chuyên gia, một môn thể thao đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của IOC - ủy ban Olympic nên được chấp nhận và đưa vào trong kỳ thế vận hội này. Mọi thứ đều sẽ thay đổi theo thời gian, và khi mà thế giới còn sắp bước vào giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc eSport được đưa vào trong các kỳ Olympic cũng sẽ đến trong tương lai gần mà thôi, vì thật sự nếu nhìn theo một xu hướng cởi mở, chẳng có lý do gì để gạt nền công nghiệp tỷ đô này ra ngoài các kỳ thế vận hội cả.