Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào mùa Trung Thu - mùa mà cả nước hướng về thủ đô kháng chiến Tuyên Quang bởi nơi đây sẽ có lễ hội với hàng trăm chiếc đèn lồng cỡ lớn diễu hành khắp thôn xóm, đường phố. Trung thu Tuyên Quang là nét văn hoá đặc sắc độc đáo mà bất cứ ai cũng không thể cưỡng lại khung cảnh đẹp mê hồn của hàng trăm chiếc đèn lồng liên tục xuất hiện.
Tuy nhiên, đối lập với những ánh đèn lồng sáng rực, những dòng người đổ xô về Tuyên Quang mỗi đêm trong suốt mùa lễ hội thì tại những vùng 135 như thôn Phan - Hùng Lợi - Yên Sơn - Tuyên Quang, người dân ở đây còn quá khó khăn để mơ về những điều đó. Kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng rất lớn, địa bàn phân bố dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, giao thông đi lại quá khó khăn cùng với dân trí thấp làm cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi các thế hệ đồng bào nơi này.
Đường vào thôn Phan - Xã Hùng Lợi - Yên Sơn - Tuyên Quang. Không biết nên gọi là đường hay là đầm lầy nữa?
Thế nhưng, cùng với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, sự vận động tích cực của các cán bộ địa phương, việc người dân cho con em trèo đèo lội suối, đi bộ hàng chục cây số đến trường để kiếm con chữ, góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương quả là điều đáng để khâm phục và hưởng ứng.
Thấu hiểu cho những nghị lực ấy, ban điều hành Liên Minh Đột Kích Tuyên Quang quyết định tổ chức hoạt động thiện nguyện thường niên mùa Trung thu nhằm mang đến cho trẻ mầm non thôn Phan xã Hùng Lợi một lễ hội Trăng rằm ấm áp hơn, tươm tất hơn. Dù đã nhiều năm đưa tin về hoạt động Trung thu thiện nguyện của LMĐK Tuyên Quang, thế nhưng mỗi mùa, đoàn công tác đến những vùng mới, gửi về những hình ảnh mới để vận động Mạnh Thường Quân, chúng tôi lại không khỏi xót xa cho những phận người nơi rừng thiêng nước độc, những mong có thể góp công góp của để một phần nào đó mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn.
Địa bàn xã Hùng Lợi chỉ toàn đồi núi, dân cư rất thưa thớt. Ảnh chụp từ vệ tinh của Google Maps.
Chính vì vậy, khi bài viết này đăng tải, không chỉ mong muốn BTC nhận được nhiều vật chất quyên góp từ quý độc giả, chúng tôi còn mong muốn hoạt động này được nhân rộng mô hình trên khắp cả nước với tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Ngay sau đây là những hình ảnh thực tế về cuộc sống của nhân dân và hành trình đi tìm con chữ vất vả của trẻ em thôn Phan xã Hùng Lợi.
Đường độc đạo vào thôn Phan, người dân muốn qua sông phải đi bằng bè mảng tự chế từ những thân tre kết hợp, hết sức nguy hiểm.
Trẻ em thôn Phan đi học. Bám lên những thanh giằng của bè mảng, dù nguy hiểm nhưng làm gì còn cách nào khác.
Trường mầm non thôn Phan. Đơn sơ với chiếc cổng tre ọp ẹp, tường rào ngoài cổng "lịch sự" được xây nên bằng gạch xỉ còn những góc khác chủ yếu là hàng rào phên.
Sáng sớm, các bé được phụ huynh gói ghém cơm nắm muối vừng vào những đồ đựng đơn sơ. Đến trưa mang ra ăn thì cơm đã nguội ngắt, ở đây các em ăn "sang chảnh" lắm, làm gì có bát, tất cả là mảnh lá chuối để đựng rồi dùng thìa xúc. Thức ăn "VIP" ở đây là mì tôm gói, bẻ vụn ra làm canh rồi ăn với cơm, ấy thế mà bọn trẻ vẫn cười tươi rói, kiên trì bám trường, bám lớp.
Cuộc sống của đồng bào, hành trình tìm con chữ khó khăn là thế nhưng trẻ em vẫn được phụ huynh tin tưởng đưa đến trường. Vì vậy, những đóng góp tích cực của các Mạnh Thường Quân gần xa là động lực rất lớn, để các bé có một mùa Trung thu ý nghĩa, một năm học mới vơi bớt khó khăn. Thay cho lời kết, chúng tôi xin chụp lại màn hình thông báo thời gian tổ chức lễ Trung thu cho các bé, đồng thời bao gồm danh sách những nhu yếu phẩm mà đoàn công tác sẽ mua tặng từ tiền ủng hộ cũng như số điện thoại liên hệ nhận quyên góp vật chất. Xin cảm ơn hoạt động rất ý nghĩa của LMĐK Tuyên Quang!