Theo một nguồn tin thân cận của T1, các đội LMHT ở khu vực LCK đang đấu tranh cho điều luật cân bằng tài chính của giải đấu này. Điều luật này yêu cầu các tổ chức giới hạn mức lương cho các tuyển thủ nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trong giải đấu, đồng thời giảm đi những chi phí không thiết yếu.
Trong các giải đấu chuyên nghiệp tại Mỹ, hầu hết đều có giới hạn quỹ lương theo nhiều hình thức. Mới đây, giải đấu LPL cũng đã áp dụng chính sách giới hạn mức lương này ở mùa giải 2021. Còn ở Hàn Quốc, hầu hết các đội đều đồng ý với điều luật cân bằng tài chính mới, riêng chỉ có T1 là đội có phản ứng gay gắt nhất với điều luật mới này.
Mức lương trung bình của các tuyển thủ LCK không được công khai, nhưng theo khảo sát của Inven Global vào năm 2019 dành cho 82 tuyển thủ đang thi đấu tại LCK, mức lương trung bình của các tuyển thủ rơi vào khoảng 146.000 USD (xấp xỉ 3,3 tỷ VND).
Tuy nhiên, hơn một nửa các tuyển thủ ở giải đấu này đều sở hữu mức lương dưới 86.000 USD. Cụ thể, 37,2% các tuyển thủ hưởng mức lương từ 17.000 - 43.000 USD, 26,5% các tuyển thủ nhận 43.000 - 86.000 USD hàng tháng.
Luật công bằng tài chính mới sẽ áp dụng mức lương cân bằng hơn cho các tuyển thủ, đồng thời ưu ái các game thủ có thành tích và kỹ năng nổi trội trong giải đấu. Các đội tham dự sẽ bị giới hạn mức lương, nếu vượt quá giới hạn sẽ bị trừng phạt bởi một mức thuế cực cao, đồng thời có thể bị mất quyền tham gia chuyển nhượng.
Một trong những lý do khiến T1 phản đối cơ chế giới hạn lương mới là vì họ đang sở hữu Faker trong đội hình. Nhiều nguồn tin cho biết Quỷ Vương đang là tuyển thủ có mức lương cao nhất tại LCK. Dù cho anh không còn là tuyển thủ xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm hiện tại, cái tên Faker vẫn có giá trị thương hiệu cực lớn so với các tuyển thủ LMHT khác.