Những kẻ thất thế
Các bạn hẳn còn nhớ khoảnh khắc này chứ? Khi xPeke ghi tên mình vào lịch sử với màn backdoor đầy kịch tính, giúp Fnatic đánh bại SK Gaming tại giải đấu Intel Extreme Masters Katowice 2013.
Một câu chuyện đã trở thành thần thoại, nhưng đi kèm với đó là nỗi đau của những người thua cuộc. SK Gaming đã thất bại toàn diện tại giải đấu năm đó sau trận thua trước Fnatic, và trong số 5 tuyển thủ phải hứng chịu số phận "làm nền cho lịch sử" đó, xuất hiện một cái tên rất quen thuộc: Ocelote.
Gương mặt căng như dây đàn của Ocelote trong trận đấu với Fnatic. Có vẻ không được tếu táo như bây giờ nhỉ?
Vâng, chúng ta không nhầm đâu, Ocelote chính là ông chủ của G2 Esports - Đội tuyển hiện đang là một trong 2 cái tên vĩ đại nhất của LMHT phương Tây, bên cạnh Fnatic. Sự nghiệp tuyển thủ của Ocelote thẳng thắn mà nói thì vô cùng hẩm hiu, anh chưa từng được nếm mùi vị chiến thắng ở bất kỳ giải đấu lớn nhỏ nào, khi châu Âu khi đó vẫn còn một Fnatic hùng dũng ngự trị.
Sự ra đời của G2 Esports dù mang rất nhiều lý do, nhưng khát khao lớn nhất mà ông chủ của họ mang đến vẫn là hi vọng phục thù Fnatic, và trở thành kẻ thống trị của LMHT phương Tây.
Lấy ví dụ về Ocelote để nhấn mạnh rằng, G2 Esports từng là tập hợp của những kẻ thất thế, những cái tên bị khinh nhờn trong quá khứ. Mùa giải 2016, G2 Esports bị chỉ trích thậm tệ và trở thành "nỗi nhục của châu Âu", sau khi bị loại "thẳng cẳng" ở MSI 2016 với hiệu số 2-8, còn Perkz và các đồng đội khi đó bị chỉ trích thậm tệ vì mải mê ăn chơi nhảy múa mà chẳng thèm luyện tập, dẫn đến thất bại thảm thương kể trên.
Wunder và Jankos trước khi đến với G2, đều là những tuyển thủ tài năng nhưng lận đận, chỉ nổi danh ở các đội tuyển tầm trung, trong khi những Mikyx hay PromisQ thì thậm chí còn hoàn toàn vô danh. Trong đội hình G2 hiện tại, có lẽ chỉ có Caps là có sự nghiệp thăng tiến đáng kể nhất.
G2 Perkz bật khóc tại CKTG 2017, giải đấu này chứng kiến sự thất bại của G2, đồng thời sau giải đấu, họ cũng chia tay gần như toàn bộ dàn tuyển thủ. Thành viên kỳ cựu của hội nghệ sĩ hài này ngày xưa cũng mau nước mắt lắm, đừng đùa.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2017, G2 Esports dành tới 3 chức vô địch khu vực, cũng một lần vào tới Chung kết MSI, nhưng tựu chung thành tích quốc tế của họ là tương đối thất vọng, khi ở 3 giải đấu còn lại (MSI 2016, CKTG 2016, CKTG 2017), họ đều bị loại từ vòng bảng, đồng thời cũng được gắn luôn cái mác "khôn nhà dại chợ".
Một tập thể mang đầy những vết sẹo đau đớn của thất bại trong quá khứ, giờ đây đang bay cao trong chuỗi ngày vinh quang bất tận, câu chuyện về G2, bởi vậy chẳng khác nào một giai thoại cổ tích, nhưng cực kỳ thuyết phục.
"Hãy điên cùng nhau!"
G2 Esports của năm 2019 là tập hợp của mọi thứ điên rồ nhất trong thời đại này của LMHT chuyên nghiệp. Ngay từ câu chuyện chuyển nhượng, họ lôi kéo được siêu sao số 1 của kỳ phùng địch thủ Fnatic - Caps, bằng một cách cực kỳ quái dị: Perkz - Người chơi Đường giữa số 2 của phương Tây, một cá tính cao ngạo, chấp nhận nhường vị trí sở trường của mình cho Caps, xuống chơi ở vị trí Xạ thủ. Một quyết định táo bạo khiến cả giới truyền thông quốc tế... ngã ngửa.
Việc Caps trở thành tân binh của G2 trong kỳ chuyển nhượng tiền mùa giải 2019 để thay thế cho... Perkz ở Đường giữa là một thương vụ vô cùng khó tin, hết sức điên rồ và... không còn gì để nói.
Nói theo phong cách "sức mạnh tình bạn", Caps nhận lời về G2 Esports - Một tổ chức có quy mô nhỏ hơn Fnatic, chính nhờ vào sự chân thành của Perkz - Người sẵn sàng hi sinh cả vị trí vốn là niềm tự hào của mình, để được thi đấu cùng anh. Nhưng liệu còn lý do nào khác nữa không?
Dĩ nhiên không phải là tiền. Nếu đến đây vì tiền, thà nhảy sang Bắc Mỹ còn hơn. Nhưng có lẽ một sự khác biệt nhỏ giữa Fnatic và G2 Esports là nguyên nhân khiến Caps lựa chọn đến với "gánh xiếc".
Trong trận đấu giữa Fnatic và Misfits Gaming tại Bán kết LCS châu Âu (tên gọi cũ của LEC) mùa hè 2018, Caps đề ra ý tưởng về Vayne đi mid ở ván đấu thứ 3, các thành viên FNC kể cả HLV Dylan Falco đều lập tức phản đối, chỉ có Đội trưởng Rekkles là đồng tình với ý kiến này: "Hãy làm những gì em muốn. Thích Vayne thì cứ việc chọn Vayne."
They Did Not Trust CAPS Pick, Then He Did This!
Và ở một tình huống khác, trong màu áo G2 Esports, hai "ông thần" Caps và Wunder tấu hài trên sân khấu bằng cách oẳn tù tì để xem ai sẽ là người sử dụng Kha'Zix cho một trong hai vị trí Đường đơn.
LULW Caps and wunder play rock paper scissors for khazix
Lối chơi của Caps luôn mang một nét phiêu lưu, táo bạo và đôi chút... điên khùng. Sẽ chẳng có lý do gì để trách Fnatic khi họ bác bỏ một vài ý kiến của Caps, bởi lý do phải đề cao tính kỷ luật và an toàn. Nhưng ở G2, có vẻ những "xiềng xích" về việc duy trì một lối chơi khuôn phép của Caps đã hoàn toàn được phá bỏ.
Hiểu đơn giản thế này nhé, ở Fnatic, chỉ duy nhất Rekkles là người hoàn toàn tin tưởng những lựa chọn của Caps (và phó mặc cho hên xui), nhưng ngay cả vậy, anh chàng cũng chỉ đưa ra một thông điệp rõ ràng: "Cứ làm những gì em muốn."
Còn với G2, có lẽ khi tiếp cận để ký hợp đồng với Caps, cả Ocelote lẫn Perkz đều có một lời nhắn nhủ hấp dẫn còn hơn cả một bản giao kèo triệu đô: "Ở đây, cậu có thể làm mọi thứ điên rồ nhất. Cùng với tớ, cùng với Jankos, chúng ta sẽ nổi điên, cùng nhau!"
Caps chắc chắn là mảnh ghép hoàn hảo của G2, tính phiêu lưu của anh chàng này luôn được hỗ trợ tối đa bởi phong cách kiểm soát, hỗ trợ của người Đi rừng Giang Văn... à không, Jankos, cùng lối chơi chấp nhận hi sinh của tuyển thủ Đường trên Wunder, cùng với đó là người bạn đáng tin cậy ở Đường dưới - Perkz.
Và đó là khoảnh khắc chúng ta nhận ra, tập hợp gồm 5 tên nhóc điên lại có thể mang lại nguồn năng lượng tươi mới và mạnh mẽ đến vậy. G2 Esports rốt cuộc đã định nghĩa lại cho thế giới thấy được bí quyết thành công của một đội tuyển thể thao điện tử: Muốn chiến thắng một trò chơi, chúng ta phải biết tận hưởng chúng trước đã.
Rõ ràng là thế mà, bởi trước khi CKTG 2011 diễn ra, chẳng phải bản chất Liên Minh Huyền Thoại vẫn là một tựa game đầy hấp dẫn và thú vị hay sao?
Lời kết (cho đủ dàn bài)
G2 Esports sẽ chính thức bước vào cuộc chiến quan trọng nhất trong sự nghiệp của phần lớn các thành viên: Trận Chung kết thế giới đầu tiên của họ, và đối thủ là Fun Plus Phoenix - Đại diện hùng mạnh của Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà G2 Esports giờ đây lại là cái tên được đông đảo cộng đồng LMHT Việt Nam yêu mến đến vậy. Có một ý kiến rất hay của độc giả từng chia sẻ rằng: "Nhìn G2 thi đấu CKTG mà cứ ngỡ 5 thằng bạn rủ nhau ra net đánh kèo với bọn lớp bên. Try-hard háo thắng kém gì đánh giải triệu đô đâu, nhưng bên cạnh đó còn là niềm vui, còn là những kỷ niệm khó quên khi cùng những thằng bạn chiến hữu tận hưởng phút giây hết mình của tuổi thơ đó nữa. Mình thích G2, đơn giản chỉ vì họ là bóng hình phảng phất của bản thân mình cùng lũ bạn thân trốn học chơi net năm nào."
Vậy đấy, ngay cả khi G2 Esports bại trận trước FPX tại trận đấu cuối cùng của CKTG 2019, có lẽ họ cũng chẳng mấy thất vọng bởi hành trình vẫn còn ở phía trước. Đó là đặc quyền của những kẻ từng đắm chìm trong thất bại triền miên: Không bị bó buộc bởi áp lực đè nén, thỏa sức chiến đấu quên mình và tận hưởng mọi phút giây chiến thắng.
À còn nếu thua cuộc rồi bị cà khịa ngược thì sao? Cứ việc mang chiếc cup MSI 2019 ra mà khè: "Mấy cái đội phương Tây kia, làm được như bọn tôi chưa mà ý kiến?"