Cách đây 6 năm, cộng đồng game thủ tại Mỹ đã rất bất ngờ khi “ông lớn” Madison Square Garden công bố sẽ đầu tư vào ngành Esports còn đang rất “mơ hồ” tại đây. Rất nhanh chóng, các nhà đầu tư tại New York đã chi hơn 10 triệu USD để mua cổ phần của CLG (Counter Logic Gaming), đồng thời họ cũng khẳng định Esports sẽ chuyển mình và phát triển mạnh mẽ ở khu vực này.
Nhưng thời gian gần đây, sự phát triển của Esports tại Mỹ ngày một đình trệ, doanh thu càng lúc càng giảm và các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về tiềm năng của Esports. Đến cả chủ sở hữu của Madison Square Garden đã nỗ lực rút lui khỏi ngành Esports bằng cách bán đội tuyển (CLG) của mình.
Điều này khiến cả cộng đồng game thủ và những nhà đầu tư vào Esports đã phải nhìn nhận lại thực tế của ngành này. Điển hình như việc tìm hiểu về những con số như lượng người xem LMHT của giải đấu LCS, giải đấu đã thu về 14,8 triệu giờ xem tại LCS Mùa Xuân 2023 – thứ đã giảm 13% so với 2022 và 32% so với 2021 (số liệu từ Esports Chart).
Theo Rod Breslau – một trong những chuyên gia tư vấn về Esports nổi tiếng phương Tây cho biết, thời điểm hiện tại đang có quá nhiều kẻ mộng mơ theo đuổi đam mê Esports mà quên đi việc nhìn vào thực tế.
Bởi như nhiều môn thể thao truyền thống khác, các tuyển thủ Esports tại Mỹ cũng nhận được những mức lương khủng cán mốc triệu USD, cùng với đó là các công việc như quảng cáo hoặc livestream,… giúp các tuyển thủ Esports có được mức thu nhập đáng mơ ước trong ngành game hiện nay.
Nhưng trái ngược với việc ấy, các giải đấu đã rất “vật vã” vì vấn đề tài chính, mối quan hệ đối tác với các nền tảng phát sóng như Twitch hay YouTube lần lượt “không cánh mà bay”, các nhà tài trợ cắt giảm ngân sách cho việc quảng bá thương hiệu, chủ sở hữu các đội tuyển cũng gặp thua lỗ khi trả mức lương khổng lồ cho tuyển thủ,…
Trở lại với LCS, các đội tuyển đã khiến giải đấu LMHT Bắc Mỹ chao đảo khi CLG rút lui khỏi ngành Esports, EG chia tay hàng loạt tuyển thủ “đắt tiền” của mình, 100T không ngừng cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên và cả giám đốc điều hành, TSM tuyên bố sẽ rút lui khỏi giải đấu này,…
Mặt khác, giá cổ phiếu của FaZe Clan – tập đoàn Esports đình đám mới ra mắt vào năm ngoái, đã gặp khó khăn khi giảm xuống còn 50 xu (khoảng 11.500 VNĐ). Đến tháng 3 vừa qua, FaZe nhận thông báo hủy niêm yết bởi Nasdaq, thậm chí tập đoàn này còn nhận cảnh báo có thể bị xóa khỏi sàn giao dịch chứng khoán nếu giá của nó không tăng trở lại 1 USD. Cách đây vài ngày, FaZe cũng cho biết họ đã sa thải 40% nhân viên của mình, tập đoàn rơi vào cảnh khó khăn nhất kể từ ngày thành lập.
Một tổ chức Esports đình đám khác – C9 cũng gặp phải khá nhiều khó khăn, giám đốc điều hành Jack Etienne cho biết ông đã cắt giảm chi phí bằng cách rút lui khỏi gần một nửa số giải đấu Esports (từ 15 xuống 8).
Tiếp đến là TSM, như đã nhắc đến ở trên thì tổ chức này tuyên bố sẽ rút lui khỏi LCS và đang tìm cách bán suất thi đấu của mình tại giải đấu hàng đầu LMHT Bắc Mỹ. Dĩ nhiên, TSM không rút lui hoàn toàn khỏi Esports LMHT mà cho biết sẽ đến một giải đấu “tier 1” khác như LCK, LPL hoặc LEC, nhưng điều này vẫn là một cú sốc lớn với cộng đồng game thủ phương Tây.
Với hình thức nhượng quyền thương mại, các đội tuyển LCS đã phải trả cho Riot Games ít nhất 10 triệu USD cho 1 suất thi đấu tại đây, Riot cũng đã hứa hẹn rằng các đội tuyển sớm muộn cũng sẽ kiếm được lợi nhuận từ giải đấu. Tuy nhiên, lời hứa của Riot Games đã không được thực hiện một cách chính xác và kịp thời.
“Phần lớn những gì chúng tôi đang bán là giấc mơ, nó là tương lai lâu dài của Esports, khi chúng tôi đánh mất một đội và họ không thể tạo ra khoản đầu tư từ giấc mơ ấy, chúng tôi coi nó là một thất bại” – Riot Games nói về áp lực mà mình phải gánh chịu.
Cách đây vài tuần, Riot Games bỏ luật bắt buộc phải sở hữu một đội trẻ cho các đội tuyển LCS, điều này có lẽ sẽ giúp các đội tuyển tiết kiệm được chi phí để hoạt động trong giải đấu lớn nhất của LMHT Bắc Mỹ.
Mặt khác, Riot Games cũng đang hứa hẹn với các tổ chức rằng họ sẽ bán vật phẩm trong game với chủ đề Esports để chia lợi nhuận cho các đội tuyển. Trong năm 2022, Riot Games đã bán vật phẩm như vậy trong VALORANT và thu về 42 triệu USD, một nửa số doanh thu này đã được chia cho các đội tuyển VALORANT.
Vì kế hoạch ấy, có lẽ các đội tuyển LCS vẫn đang nỗ lực để theo đuổi giấc mơ Esports tại khu vực này. Nhưng việc những cái tên lớn rời đi hoặc chật vật vì tài chính tại khu vực này đã phản ánh tình trạng bấp bênh của Esports LMHT Bắc Mỹ trong thời gian này, bất kể đây có là cơ hội để những cái tên mới xuất hiện đi chăng nữa.