?
TIN LIÊN QUAN
Trước thời đại của SKT T1, nền Esport Hàn Quốc không thực sự quá nổi bật, họ thống trị Starcraft II nhưng lại không có thành công ở những tựa game Esport top đầu khác như Dota, CS 1.6,… Đến năm 2012, khi Chung Kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại đã mở rộng ra cho khu vực Hàn Quốc, những đội tuyển từ xứ sở Kim Chi đã được đánh giá rất cao. Niềm tin người Hàn dành cho những NaJin Sword hay Azubu Frost đã không được đền đáp. Tuy nhiên vào năm 2013, SKT T1 xuất hiện như một ánh sáng cuối đường hầm, đem lại chiếc Summoner’s Cup đầu tiên cho Hàn Quốc và mở ra một thời kỳ mới cho nền Liên Minh Huyền Thoại cho quốc gia này. Những di sản mà SKT T1 để lại gần như đã biến Hàn Quốc thành một cường quốc LMHT đứng đầu thế giới.
Thành tích đồ sộ:
Với 10 lần vô địch LCK, 2 lần vô địch MSI và đặc biệt là 3 lần vô địch CKTG, T1 hay SKT T1 chắc chắn là đội tuyển thành công nhất lịch sử Liên Minh Huyền Thoại nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Có những thời điểm họ tưởng chừng như đã bị gục ngã, nhưng Faker cùng những người đồng đội luôn biết cách trở lại đúng lúc. SKT cũng là cái tên ươm mầm cho những thế hệ tài năng của giới Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc, đó là đội hình huyền thoại năm 2015 cho đến những lứa trẻ xuất sắc gần đây như Zeus, Gumayusi, Oner,… Rõ ràng vị thế của T1 là không thể bàn cãi. Với xu hướng của chúng ta luôn nhìn vào những thứ to lớn nhất, hào nhoáng nhất, những thành công của đế chế T1 làm lu mờ hoàn toàn những đội tuyển khác. Đây cũng là một phần lý do khiến T1 luôn thu hút truyền thông, những drama xoay quay đội tuyển này cũng luôn bị “chuyện bé xé ra to” .
Chiến tích VĐTG năm 2013 của T1 mở ra thời kỳ vàng son cho LMHT Hàn Quốc
“Quỷ Vương” Faker:
Nhắc đến T1 cũng là nhắc đến Lee “Faker” Sang-hyeok – một tuyển thủ vĩ đại về cả mặt thành tích và nhân cách. Anh là người bắt đầu đế chế SKT T1, là người chứng kiến từng bước ngoặt của đội và hiện tại vẫn đang thi đấu ở đẳng cấp cao nhất, là một G.O.A.T (Greatest of All Time – Vĩ đại nhất mọi thời đại) đích thực của LMHT. Faker luôn được ca ngợi bởi tính cách khiêm tốn của mình, anh chưa bao giờ tự cao hay có những hành động khinh thường đối thủ, Quỷ Vương luôn được các đồng nghiệp nể trọng. Số lượt xem lớn của LCK có lẽ phần nhiều cũng đến từ việc người ta muốn xem Faker thi đấu và cống hiến cho màu áo đỏ, điều mà CEO Gen G đã từng thừa nhận “Tôi nghĩ tất cả các đội (dĩ nhiên bao gồm cả chính chúng ta nữa), tuyển thủ và giải đấu nên làm tốt hơn trong việc truyền tải thông tin giới thiệu về các tuyển thủ trẻ, tân binh mới trên các nền tảng truyền thông như mạng xã hội một cách toàn diện. Nếu không, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn khi Faker quyết định giải nghệ và rời khỏi cuộc chơi đấy!”
Vì quá thành công, lượng CĐV của T1 là vô cùng đông đảo, họ rất tự hào về thành công của đội tuyển thân yêu, nhưng cũng rất “máu chiến”. Không thể phủ nhận rằng các fan của T1 có một tình yêu mãnh liệt với đội bóng của mình nhưng đôi khi tình yêu ấy hóa thành sự quá khích gây phương hại đến thương hiệu T1 trong mắt dư luận. Họ không ngại buông lời sỉ nhục hoặc hạ thấp danh tiếng của các đội tuyển khác, cộng đồng fan LCK cũng dường như bị tách ra hai nửa: Fan và Anti T1. Rõ ràng đây không phải lỗi của T1 nhưng chính họ lại bị đem ra làm miếng mồi câu để tạo nên những drama mà lỗi vốn dĩ không xuất phát từ T1. Có thể kể đến như sự việc các Netizen Hàn tố cáo T1 đã scrim (tập kín) với EDG trước thềm trận chung kết của CKTG 2021 dẫn đến trận thua 3-2 cho DWG – niềm hy vọng mới của Hàn Quốc và khiến cho T1 bị cô lập không thể scrim với các đội tuyển hàng đầu LCK trong suốt kỳ MSI 2022. Hay drama trong trận đấu giữa T1 và HLE mới đây, khi cái tên T1 lần nữa bị đem ra làm lá chắn cho hàng loạt sự yếu kém của trọng tài dẫn đến những tranh cãi nảy lửa của cộng đồng mạng.
Kết:
T1 hiện tại đang sở hữu đội hình giàu sức trẻ dần đi vào độ chín, kết hợp cùng kinh nghiệm của “Quỷ Vương” Faker – Tham vọng của cả đội chắc chắn không chỉ dừng lại ở LCK, hay Á Quân MSI mà chắc chắn là chiếc cup vô địch thế giới lần thứ 4 để huyền thoại về họ sẽ mãi lưu truyền!