Dù mới xuất hiện thời gian gần đây, PUBG - Playerunknown’s Battlegrounds đã trở thành tựa game siêu HOT, liên tục xô đổ mọi kỷ lục, cả về số lượng người chơi cùng lúc lẫn doanh số bán hàng trên kênh phân phối Steam. Với gameplay độc đáo, PUBG cho phép người chơi solo hoặc lập team 4 người với hàng loạt chiến thuật được đề ra, nhằm mục đích cuối cùng là sống sót và "TOP 1".
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn tìm thông tin của PUBG trên Steam, kênh phân phối này vẫn không xếp PUBG vào danh mục eSport (Thể Thao Điện Tử). Vậy tại sao một game được hàng triệu người chơi trên khắp thế giới, đề cao tính chiến thuật, kỹ năng cá nhân, phối hợp đồng đội... lại không phải là eSport? Tìm hiểu sâu hơn, có thể kể ra hàng... tá lý do để giải thích cho điều này.
PUBG đã được ESL tổ chức một giải đấu quy mô, nhưng tựa game này vẫn chưa được công nhận là eSport.
Trước tiên, chúng ta phải nắm được: eSport - Thể thao điện tử là gì? Hiểu một cách đơn giản, eSport là thuật ngữ để chỉ những trò chơi mang tính chất đối kháng mà tại đó xuất phát điểm của các người chơi là như nhau. Dựa vào quá trình rèn luyện, các gamer sẽ đạt tới trình độ cao, hiểu sâu sắc tựa game mình chơi và bắt đầu ganh đua với người khác để vươn tới đỉnh cao nhất.
Song, đó chỉ là điều kiện cần. Một điều kiện đủ mà một tựa game buộc phải có nếu muốn trở thành eSport: đó là tính ổn định và cân bằng. Bạn thử tưởng tượng, khi người chơi đang bắt đầu tập làm quen với trò chơi thì lại có hàng tá sự thay đổi, thậm chí khác biệt hẳn trong gameplay thì làm sao có thể tập trung rèn luyện kỹ năng và thi đấu? Chưa kể PUBG còn gặp tình trạng hack - cheat tràn lan, đó là lúc sự cân bằng trong game như một trò đùa không hơn không kém: Chỉ cần bạn thò ra khỏi tảng đá hoặc thậm chí đang trốn trong nhà cũng bị đối phương Head-shot từ một vị trí cách xa hàng cây số. Không may mắn PUBG lại "dính" cả 2 điều này.
Hack trong PUBG không chỉ đơn thuần là aim bot, script... nó đã đạt tới mức độ "thần thánh" siêu vô lý thế này rồi!
Có lẽ bởi PUBG chỉ là một game trong giai đoạn Early Access, nhà phát triển dù tung nhiều bản update nhưng vẫn chưa thể khắc phục hết tình trạng tụt FPS "thảm hại", connection timeout (mất kết nối với máy chủ). Hoặc tệ hơn nữa, máy bạn dù siêu khỏe, được trang bị cả Chip i7 đời mới, GTX 1080 song cũng có thể gặp tình trạng crash game - bắn thẳng ra ngoài desktop mà không một lý do. Có lẽ chẳng có một game eSport nào lại gặp phải những hiện tượng "củ chuối" như thế.
Giải đấu cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để tựa game có thể đạt tới tầm eSport. Tuy nhiên, cứ thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời, khi đã tập hợp đủ hàng trăm con người, khu vực thi đấu đã được trang bị máy khủng nhất, đường truyền "max ping" nhưng vẫn dính lỗi... crash. Việc phải remake khi đó vừa ảnh hưởng đến các bên tổ chức, vừa gây sự ức chế cho người chơi. Rất khó để có một giải đấu thành công tốt đẹp.
Đang thi đấu gặp lỗi này chỉ có... "khóc". Rất tiếc trong 100 con người thế nào cũng có người bị!
Nói ở tầm vi mô hơn, PUBG chưa thực sự tối ưu, khiến cho những game thủ gặp khó trong việc build cấu hình chiến nuột nà tựa game này. Chưa kể giá game vẫn còn khá đắt đỏ (gần 30$), cản trở việc tiếp cận cũng như phổ biến PUBG ra toàn thể hàng triệu gamer trên thế giới.
Để đưa PUBG thành một game eSport thực thụ, bluehole sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Với hàng tá lý do trên, đơn vị phát triển PUBG sẽ còn phải làm rất nhiều việc để đưa PUBG thực sự trở thành eSport. Một khi đã giải quyết được các vấn nạn như lỗi game, hack cheat tràn lan và tạo ra một phiên bản thực sự ổn định... chắc chắn không ai có thể phủ nhận Playerunknown’s Battlegrounds là một tựa game thành công, một bộ môn eSport chính hiệu như Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2 hay Overwatch đã và đang được thi đấu trên toàn thế giới.