Mỗi mùa Đấu Trường Chân Lý luôn mang lại cho người chơi những điều vô cùng đặc sắc, mới lạ

Mỗi mùa của Đấu Trường Chân Lý đều có những điểm đặc biệt, mới lạ để giữ người chơi ở lại với tựa game này.

Mùa 1: Khởi nguồn của Đấu Trường Chân Lý và được yêu thích bậc nhất

Mùa 1 là lần đầu tiên Đấu Trường Chân Lý chính thức trở thành một chế độ chơi của Liên Minh Huyền Thoại. Tất cả những vị tướng được xuất hiện trong mùa 1 này đều được phân Tộc/Hệ dựa trên chính những đặc điểm của chúng ở Đấu Trường Công Lý. Ví dụ như Yasuo Lưu Đày hay các tướng đến từ Noxus thì thuộc Đế Chế… 

Đây cũng được đánh giá là một trong những mùa ĐTCL hay nhất từng được Riot mang đến vì nhiều lý do. Đầu tiên, game thủ đã có cơ hội được làm quen với những vị tướng và trang bị vốn đã vô cùng quen thuộc nhưng nay lại cung cấp những công dụng, thi triển những chiêu thức khác. Còn nhớ, khi ĐTCL mới ra mắt mùa 1, vô số phản hồi đa chiều đã được gửi đến Riot và rất nhiều meta “độc – lạ” cùng những lối lên đồ tưởng như không bao giờ có thể xảy ra đều đã xuất hiện như Blender Nocturne (Nocturne lên Cuồng Đao và Đại Bác Liên Thanh) hay Kassadin Hư Vô (Cuồng Đao – Cuồng Cung Runaan).

Mùa 1 đã thực sự tạo được tiếng vang trong cộng đồng LMHT lẫn những người chưa từng trải nghiệm những trận đấu gay go, khốc liệt của Đấu Trường Công Lý. Với việc tung ra “cờ nhân phẩm”, Riot đã có nước đi vô cùng sáng suốt để thu hút thêm số lượng người chơi cho tựa game “quốc dân” của mình.

Mùa 2: Sự cải tiến đầu tiên với chủ đề Nguyên Tố 

Nếu ở mùa 1, các quân cờ được sử dụng trong ĐTCL đều mang y nguyên từ LMHT sang và kết hợp thêm các buff Tộc/Hệ thì ở mùa 2, một trận đấu còn được ảnh hưởng bởi các Nguyên Tố được quy định ở đầu mỗi vòng. Đây cũng là thay đổi lớn nhất của ĐTCL mùa 2 so với mùa 1 và lối chơi của ĐTCL mùa 2 được đánh giá phong phú hơn rất nhiều khi có rất nhiều cách phối hợp đội hình và không đội hình nào tỏ ra quá mạnh so với các đội hình khác.

Bên cạnh yếu tố Nguyên Tố được thêm vào, mùa 2 cũng đã có sự góp mặt của 15 Tộc, 5 Hệ cùng khoảng 17 tướng mới. Ở mùa này, người chơi đã có cơ hội làm quen với không chỉ những sự thay đổi về trang bị lẫn chiêu thức mà còn là sự ảnh hưởng của các Nguyên Tố lên cục diện trận đấu. Có thể nói, ở mùa 2, tựa game đã không chỉ đơn thuần là “cờ nhân phẩm” mà còn là sự tính toán cẩn thận của người chơi trong việc roll tướng, sắp xếp đội hình. Nói một cách khác, ở mùa 2, Riot đã buộc các game thủ của mình phải thi triển kỹ năng.

Cũng tại mùa 2 này, hiện tượng spam đội hình đã xảy ra, nhất là ở giai đoạn cuối mùa và nhất là meta hyper-roll đã được khai sinh và áp dụng kể từ thời điểm đó cho đến hiện tại. Cũng chính từ lối chơi “đốt tiền” này mà một bộ phận người chơi vô cùng lớn đã phàn nàn lên Riot mỗi khi các quân cờ mà họ cần đều đã bị đối thủ sử dụng lối chơi hyper-roll cướp sạch.

Mùa 3: Thuyết Đa Vũ Trụ và Master Yi Bluetooth

Nếu phải tìm một mùa nào mà số lượng tướng và khởi nguồn của những phong cách chơi “không giống ai” nhất thì phải kể đến mùa 3 khi Riot mang đến không chỉ những tướng mới, Tộc/Hệ mới mà sau đó người chơi còn phát hiện rất nhiều lối chơi vô cùng “độc dị” mà nếu sử dụng cho LMHT, chắc chắn bạn sẽ ăn 4 cái report từ các đồng đội.

Hai meta được áp dụng nhiều nhất trong mùa 3 chính là Shaco Vô Cực Kiếm và Master Yi Bluetooth. Nếu Shaco Vô Cực Kiếm đã được áp dụng rất nhiều trong cả LMHT thì Master Yi lên Cuồng Đao và Cuồng Cung Runaan chính là sự sáng tạo “bá đạo” bậc nhất. Đặc biệt, vị tướng này khi đó chỉ có mức giá 3 vàng – không quá khó để có thể lên 3 sao và phát huy tối đa sức mạnh của mình. Trang bị chuẩn cho Master Yi mùa này chính là Cuồng Đao – Cuồng Cung – 1 món đồ phòng thủ (thường là Áo Choàng Thủy Ngân).

Sự bá đạo của Master Yi ở mùa 3 còn khiến Riot phải ngay lập tức tung ra những bản chỉnh sửa những chỉ đến khi vị tướng này thực sự bị nerf quá nặng thì khi đó, Master Yi Bluetooth mới biến mất. Chỉ có điều, sau đó, người ta nhận ra là những vị tướng tay ngắn khi được lên đồ tăng tầm đánh sẽ biến thành những con “quái vật” thực sự.

Mùa 4: Sai lầm của Riot mang tên tướng Tinh Anh

Nhắc đến một trong những mùa ĐTCL bị cộng đồng người chơi lên án nhiều nhất phải kể đến mùa 4 với cơ chế Tinh Anh khiến tựa game không còn mang tính nhân phẩm như bản chất của nó nữa mà đã hoàn toàn biến thành tựa game tính toán, chiến thuật và áp dụng triệt để meta, từ đó cũng “thủ tiêu” luôn tính sáng tạo trong mỗi ván đấu vì người chơi chỉ chăm chăm tìm những quân cờ Tinh Anh theo đúng meta, lên đồ đúng công thức và chờ chúng quét sạch đối thủ.

Tuy nhiên cơ chế Tinh Anh cũng là một công thức giúp người chơi test nhiều meta hơn và đặc biệt, đây là mùa thứ 2 mà Riot có thêm một phiên bản 4.5 cung cấp tướng mới, chỉnh sửa những cái tên cũ và qua đó cũng làm biến mất rất nhiều meta lúc bấy giờ như Warwick Đấu Sĩ Thần Thánh hay Aurelion Sol quét sạch cả đội hình.

Tuy nhiên, một ưu điểm của mùa 4 chính là việc các game thủ có thể theo dõi người chơi khác hoặc sau khi bị hạ vẫn có thể làm khán giả giúp game thủ có cơ hội học hỏi nhiều hơn các cách chơi khác nhau và qua đó cải thiện kỹ năng của bản thân.

Mùa 5: Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối

Chủ đề của mùa 5 đã vô cùng rõ ràng khi các tướng đều như có sự đối lập nhau, cả về Tộc/Hệ lẫn chiêu thức mà điển hình là sự đối đầu giữa Darius và Garen – 2 vị tướng cùng là Thần Vương nhưng chiêu thức sẽ tăng thêm 30% sát thương nếu lên các Tộc/Hệ đối địch với cả hai. 

Có thể bạn muốn xem thêm : Đấu Trường Chân Lý: Tưởng rằng 3 cô tiên bị nerf, các đội hình xoay quanh vẫn dễ dàng vào top như thường

Ngoài ra, lần đầu tiên trong cả 5 mùa ĐTCL, cơ chế trang bị được nâng cấp hắc ám cũng sẽ được góp mặt giúp game thủ nâng cấp sức mạnh của các quân cờ nhưng loại trang bị này cũng sẽ yêu cầu người chơi có sự đánh đổi như Huyết Kiếm Hắc Ám sẽ phải mất 33% máu khi trận đấu bắt đầu.

Ngoài ra, mùa 5 cũng ghi nhận là lần đầu tiên một vị tướng được mua bằng máu xuất hiện trong ĐTCL – Teemo Ác Quỷ. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra cho đến hiện tại, Teemo đã chứng tỏ là mình xứng đáng đến từng giọt máu game thủ bỏ ra.