Bên cạnh “Vương quốc Đại Việt”, giờ đây, fan của dòng game Đế Chế sẽ có cơ hội trải nghiệm thêm một nền văn minh mới liên quan đến lịch sử Việt Nam – Nền văn minh Lạc Việt.
Mới đây, Microsoft đã cho trình làng phiên bản update của tựa game Age of Empires II: Definitive Edition (AoE II: DE), mang tên “Return of Rome”. Đây là một phiên bản Update tương đối lớn, với nội dung khá thú vị, bao gồm việc đưa cả 16 nền văn minh cổ đại trong AoE: DE (Phiên bản nâng cấp đồ họa của tựa game Đế Chế huyền thoại) vào client của AoE II: DE.
Nói về nội dung cập nhật này, Microsoft cho biết, mục tiêu chủ yếu của họ khi đưa các nền văn minh của AoE: DE lên client AoE II: DE là để giúp người chơi có thể trải nghiệm dễ dàng hơn, hay nói nôm na là “có thể chơi cả Đế Chế 1 lẫn Đế Chế 2 trong cùng một lần truy cập”.
Microsoft cũng đưa vào game tính nay phân nhánh server, tức là những người chơi Return of Rome với các nền văn minh của AoE: DE sẽ có hệ thống tìm trận và tính điểm xếp hạng riêng biệt, không liên quan tới server AoE II: DE gốc. Tuy nhiên, nếu chơi chế độ Campain, người chơi AoE II: DE – Return of Rome sẽ không được trải nghiệm các màn chơi chiến dịch quen thuộc của AoE: DE, mà sẽ có một loạt màn chơi chiến dịch hoàn toàn mới xoay quanh nền văn minh Rome.
Ngoài ra, tính năng “Cây công nghệ” của dòng game AoE II cũng sẽ được áp dụng cho các nền văn minh cổ đại trong AoE II: DE – Return of Rome. Với tính năng này, người chơi sẽ dễ dàng nắm bắt được những điểm mạnh – yếu của từng nên văn minh nhằm lựa chọn lối chơi chính xác và linh hoạt nhất.
Một điểm rất đáng chú ý trong phiên bản cập nhật này, đó là bên cạnh 16 nền văn minh quen thuộc như Rome, Greece, Carthage, Shang, Yamato…, trong phiên bản lần này, Microsoft cũng sẽ trình làng một nền văn minh thứ 17, hoàn toàn mới mẻ: Nền văn minh Lạc Việt – Đại diện cho lịch sử cổ đại Việt Nam.
Lạc Việt trong AoE II: DE – Return of Rome được khai thác bối cảnh vào khoảng năm 600 – 300 Trước công nguyên, thời điểm phát triển cực thịnh của nền văn hóa Đông Sơn. Nền văn minh Lạc Việt được cấu thành từ các bộ tộc người Bách Việt sinh sống chủ yếu ở khu vực phía Đông Nam Trung Quốc và Đông Bắc Bộ Việt Nam ngày nay, nổi tiếng với nền nông nghiệp lúa nước và văn hóa làng xã – bộ lạc điển hình.
Lạc Việt trong Đế Chế sở hữu những điểm công nghệ đặc thù như:
- Hái quả nhanh hơn 20%
- Ở chế độ đấu team, xây nhà và ruộng nhanh hơn 50%
- Xin lính nhanh hơn 25%
- Cung thủ được +2 giáp
Nhìn chung, những đặc tính công nghệ này được đánh giá là sát với lịch sử phát triển của nền văn minh Lạc Việt trong thực tiễn, bởi người Việt cổ vốn phát triển dựa trên nền nông nghiệp lúa nước và trồng trọt từ sớm. Đồng thời, về đặc thù quân sự, các sử liệu đã chỉ ra rằng nền văn minh Lạc Việt vào thời kỳ nhà nước Văn Lang vẫn chưa có hệ thống quân đội chính quy, mà thay vào đó, mỗi khi cần tới lực lượng vũ trang nhằm phòng vệ hoặc chinh chiến, các tù trưởng sẽ tập hợp và tuyển chọn các thanh niên khỏe mạnh, đã được huấn luyện chiến đấu để lập ra các đội quân “nghĩa vụ”.
Điều này lý giải cho việc tốc độ xin lính của Lạc Việt nhanh hơn tới 25% các nền văn minh khác. Trong khi đó, Cung thủ được +2 giáp là một nâng cấp khá tương đồng với Vương quốc Đại Việt trong AoE II, điều này cho thấy lối chơi của Lạc Việt vẫn sẽ thiên về các đơn vị tầm xa theo phong cách chiến tranh du kích.
Lạc Việt được xếp vào danh mục các nền văn minh Đông Á, cùng Shang, Choson và Yamato. Thậm chí, nền văn minh của người Việt cổ còn là nền văn minh Đông Á duy nhất có thể sử dụng được voi chiến.
Với những thông số nêu trên, nhiều người hâm mộ “Đế Chế” tin rằng Lạc Việt sẽ là một nền văn minh cực kỳ mạnh mẽ khi ra mắt, bởi khả năng sản xuất lương thực nhanh chóng, dễ dàng xây dựng lực lượng quân đội và sở hữu những đạo cung thủ “vua lỳ đòn”. Đó là còn chưa kể Lạc Việt có thể kết hợp cung thủ và voi chiến – Một công thức từng được cộng đồng game thủ AoE II ưa chuộng vì độ toàn diện của nó.
Còn với các tín đồ Đế Chế Việt Nam, các bạn nghĩ sao về viễn cảnh nền văn minh Lạc Việt được so tài với những “siêu cường quốc cổ đại” như Rome, Persian, Shang hay Greece? Hãy trải nghiệm viễn cảnh này với AoE II: DE – Return of Rome đã đưa ra nhận xét về “sức mạnh” của Lạc Việt nhé!