Việc nói đùa rằng Riot Games nên đổi tên thành Riot Studio với việc họ làm MV hay hơn làm game không phải là không có cơ sở. Nếu nhìn vào các sản phẩm âm nhạc hay điện ảnh của họ, người hâm mộ có thể thấy được sự kĩ lưỡng, công phu và đặc biệt là vô cùng ấn tượng.
Ngược lại, vấn đề cân bằng game LMHT lại liên tục bị người chơi phàn nàn về sự vô lí trong các đợt chỉnh sửa sức mạnh, không chỉ gần đây mà từ rất lâu rồi, chưa kể quá nhiều lỗi trong game liên tục xuất hiện. Nguyên nhân là do các sản phẩm mới như tướng, vật phẩm, trang bị chưa được kiểm tra kĩ càng, ra mắt quá vội vàng ngay cả khi có máy chủ thử nghiệm PBE.
Ấy vậy mà khi Riot Games nhận được phản hồi từ game thủ, cụ thể là một người chơi Wukong, nhà thiết kế tướng Riot Lutz đã tự tin nói rằng "việc chơi giỏi một nhân vật nào đó trong game là cực kì giá trị, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ lấy hơn 200 năm kinh nghiệm thiết kế trò chơi chuyên nghiệp."
Cụm từ "200 năm kinh nghiệm thiết kế game chuyên nghiệp" ngay lập tức trở thành meme trong Liên Minh Huyền Thoại quốc tế. Không ai có thể tin được với 200 năm kinh nghiệm, Riot vẫn cho ra đời những sản phẩm "ung thư" như Zoe, Qiyana hay Akali đời đầu, gần đây nhất là Aphelios với đỉnh cao "xạ thủ 200 năm".
Cân bằng game chưa bao giờ là thế mạnh của Riot, họ tạo ra đủ loại tướng từ quá mạnh tới quá yếu không ai muốn chơi. Vào mùa 3, game thủ có một Kassadin hầu như luôn được chọn và thắng trận trong đấu trường chuyên nghiệp, hay tỉ lệ cấm/chọn Zed tại CKTG 2013 lên tới 100%?
Riot Games làm rất tốt những vấn đề ngoài game như chăm sóc cộng đồng, từ thiện, giải đấu, phim hoạt hình hay MV ca nhạc khi biết người chơi muốn gì và đáp ứng điều đó. Nhưng cốt lõi của LMHT là sự cân bằng trong game. Có lẽ, họ nên nghe người chơi nhiều hơn thay vì tự xưng là "200 năm kinh nghiệm".