Nếu một đội tuyển sở hữu nhiều tài năng trẻ bên cạnh các ngôi sao sáng giá trong đội hình, nghiễm nhiên đội tuyển đó sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, số lượng thường hiếm khi đi đôi với chất lượng, và không phải đội tuyển nào sở hữu lực lượng đông đảo, hùng hậu cũng gặt hái được thành công.
Mà thậm chí, trong LMHT chuyên nghiệp, đội hình nhiều thành viên thậm chí còn bị coi là điều tối kỵ. Bởi thành công đâu chưa thấy, mà việc nhồi nhét quá nhiều tuyển thủ vào trong một hệ thống vận hành đã cho thấy rất nhiều hệ lụy.
DAMWON Gaming gặt hái được vô vàn danh hiệu dù không sở hữu quá nhiều thành viên trong đội hình đăng ký thi đấu
Trong các giải đấu quốc tế, Riot Games thường chỉ cho phép mỗi đội tuyển đăng ký tối đa 6 tuyển thủ tham dự, bao gồm 5 người đánh chính và 1 dự bị. Có nghĩa là dù ở giải đấu khu vực, đội tuyển đó có đông thành viên như thế nào thì nếu đi MSI hay CKTG, họ cũng phải loại sạch sành sanh những tuyển thủ dự bị, chỉ giữ lại duy nhất một người.
Cứ cho là mối quan hệ giữa những tuyển thủ thường rất thân thiết, nên họ sẽ cạnh tranh một cách sòng phẳng và không tị nạnh hay hiềm khích nhau vì slot đi CKTG, nhưng bản thân những tuyển thủ bị bỏ lại chắc chắn sẽ trải qua một gánh nặng tâm lý cực lớn. "Tại sao mình lại bị loại khỏi danh sách?", "Mình còn kém chỗ nào?", "Mình không xứng đáng ư?"...
Hầu hết tuyển thủ sẽ tự đặt câu hỏi như vậy, và thậm chí đau đớn hơn, hãy thử tưởng tượng họ phải ngồi nhà xem TV và chứng kiến các đồng đội lên ngôi vô địch, một chức vô địch mà họ không được góp mặt.
Trên đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề của các đội tuyển có nhiều hơn 6 thành viên. Cứ nhìn cái cách mà Untara sa sút, mất đi sự tự tin sau khi bị loại khỏi đội hình tham dự CKTG 2017 của SKT là rõ.
Chưa hết, CKTG hay MSI dẫu sao vẫn còn là mục tiêu dài hơi, nhưng áp lực của các tuyển thủ thi đấu trong các đội tuyển quá đông thành viên còn đến qua từng trận đấu. Ngoài việc hướng tới mục tiêu chiến thắng, họ còn phải chịu sức ép về việc không được mắc bất kỳ sai lầm nào, bởi họ luôn trong tâm thế có thể bị "đá" lên ghế dự bị bất kỳ lúc nào.
Không mắc sai lầm là yêu cầu nghiễm nhiên, nhưng khi bị áp đặt một cách khiên cưỡng, khiến những sợi dây thần kinh của tuyển thủ lúc nào cũng căng như dây đàn, thì đó lại là tổn hại lớn về mặt tinh thần. Thực tế đã chứng minh, những đội tuyển sở hữu đội hình quá đông đảo (tối đa 10 người), chưa bao giờ có được kết quả tốt, và sau đây là một vài ví dụ cụ thể:
Hanwha Life Esports (LCK Mùa Hè 2018) - Lindarang, Brook, SeongHwan, Mightybear, Lava, Kuzan, Sangyoon, Clever, Key, Asper
Minh chứng điển hình của câu nói "thừa lượng thiếu chất", HLE về cơ bản sở hữu một lực lượng tương đối hùng hậu, nhưng phần lớn thành viên trong đội hình của họ đều là những cái tên vô danh, hoặc trình độ tầm tầm bậc trung.
Ở mùa giải năm đó, HLE kết thúc hành trình của mình tại vị trí thứ 6, một đích đến quen thuộc với "truyền nhân" ROX Tigers, và điều mà khán giả có thể chứng kiến rõ ràng nhất chính là sự thiếu ổn định trong lối chơi của đội tuyển này. Sở hữu quá nhiều tuyển thủ nhưng lại chẳng có mấy cái tên đáng tin cậy, rất nhiều thành viên HLE góp mặt trong danh sách đăng ký... cho vui, chứ thực ra chỉ đóng vai trò "quân xanh" trong các trận đấu tập.
Thực tế, đây cũng là mục đích chính của Ban lãnh đạo đội tuyển khi tung ra bản danh sách 10 người, đó là để các tuyển thủ tự đấu tập với nhau cho khỏi... lộ bài. Nhưng chỉ vì không để lộ bài mà hạn chế thử lửa với các đối thủ đẳng cấp hơn, để rồi kinh nghiệm thực chiến không có một chút xíu nào, thì đúng là thất sách.
Afreeca Freecs (LCK Mùa Xuân 2019) - Kiin, Dread, Spirit, Ucal, SSUN, Brook, SSol, Aiming, Jelly, Proud, Senan
Đội hình của AF đăng ký tham dự LCK Mùa Xuân 2019 thậm chí còn "dị" hơn cả HLE, với 3 Đường giữa và 3 Hỗ trợ. Nếu kể cả Spirit vốn Đi rừng cũng bị xoay tua xuống Đường dưới, thì tổng cộng AF có 4 tuyển thủ Hỗ trợ trên lý thuyết. (Trước đó, ở giải mùa xuân 2018, AF cũng đăng ký đội hình 10 người nhưng sau chỉ rút gọn còn 7 người).
Và dĩ nhiên, khi nhìn vào danh sách này, thì sẽ có rất nhiều cái tên mà người hâm mộ có lẽ... chưa nghe bao giờ, vì cơ hội ra sân của họ còn chẳng có. Nếu đội hình 10 người của HLE dàn đều cả 5 vị trí và nhằm mục đích đấu tập, thì lý do mà AF gọi tới 10 tuyển thủ lên LCK rồi chẳng thèm sử dụng quả thực là một hành động khó hiểu.
Chỉ biết rằng, ở mùa giải năm đó, đội hình "hùng hậu" này kết thúc ở vị trí thứ 8/10, một trong những thành tích tệ nhất lịch sử của họ.
T1 (LCK Mùa Xuân 2021) - Canna, Zeus, Ellim, Oner, Cuzz, Clozer, Faker, Gumayusi, Teddy, Keria
Theo chỉ số thống kê, T1 đã tung ra tổng cộng 7 đội hình khác nhau tại LCK Mùa Xuân 2021, dù giải đấu mới chỉ đi được nửa chặng đường. HLV trưởng Daeny còn khẳng định sẽ áp dụng hình thức xoay tua này cho tới... giải mùa hè. Và điều này có nghĩa giải mùa xuân chỉ là giai đoạn thử nghiệm đối với T1.
Như vậy, có lẽ người hâm mộ đội tuyển này nên ngầm hiểu rằng họ sẽ phải nói lời tạm biệt với chức vô địch LCK Mùa Xuân, bởi ngay đến HLV trưởng còn tuyên bố dùng cả mùa giải để thử nghiệm đội hình, thì "còn gì nữa đâu mà khóc với sầu".
Chưa biết rằng liệu quá trình thử nghiệm dài hạn này có giúp T1 thành công trong tương lai hay không, chỉ có sự thực phũ phàng hiện ra trước mắt: Lần lượt Faker, Keria và Teddy bày tỏ sự bất mãn với chiến lược xoay tua này, và theo dự đoán, Quỷ Vương cùng những cựu binh của T1 cũng sắp sửa khăn gói ra đi vì mối xích mích khó lòng giải quyết với Ban huấn luyện.
Còn về kết quả của T1 hiện tại thì có lẽ cũng không cần nói thêm gì nữa, trên lý thuyết và trong trí tưởng tượng của một vài fan hâm mộ lạc quan, họ vẫn còn cơ hội vô địch. Nhưng viễn cảnh này sẽ thật khó để trở thành hiện thực, mà thậm chí, kết thúc ở vị trí top 4 với T1 lúc này cũng có thể được xem là một kỳ tích rồi.