Những thuật ngữ mà có lẽ chỉ có thế hệ game thủ 8-9x mới dịch được, nhắc là nhớ cả bầu trời kỷ niệm

Thời ấy thuật ngữ của làng game có mà cả đống luôn.

Có thể nói rằng mặc dù công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển, Internet ngày càng thịnh hành thế nhưng, những hiện đại ấy có đôi khi cũng làm chúng ta hoài niệm về một tuổi thơ thiếu thốn. Đặc biệt là với các game thủ 8-9x, thế hệ đã đi từ những ngày đầu, thưở sơ khai của làng game Việt Nam. Chắc chắn, vào cái thời ấy, có những thuật ngữ, những câu nói đã trở thành bất hủ, mang tính biểu tượng mà cho tới thời điểm hiện tại, những game thủ thời nay có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn nhắc lại.

Cắm chuột

Nếu lớn lên và chơi game trong giai đoạn đầu những năm 2000, chắc chắn "cắm chuột" là thuật ngữ mà ai cũng phải biết tới. Thời nay, cụm từ này vẫn dùng nhiều, nhưng thường được hiểu theo nghĩa là cắm auto train. Nhưng chẳng ai biết được, gần 20 năm về trước, cắm chuột, đúng là vẫn được hiểu theo nghĩa auto cày cấp, nhưng nguồn gốc xuất xứ của cụm từ này lại đúng theo nghĩa đen.

Những thuật ngữ mà có lẽ chỉ có thế hệ game thủ 8-9x mới dịch được, nhắc là nhớ cả bầu trời kỷ niệm - Ảnh 1.

Chính xác thì đây là cách cắm chuột chuẩn chỉ nhé.

Vì cái thời ấy thì làm gì có game cày cuốc nào có auto đâu cơ chứ. Để rồi với óc sáng tạo của mình, các game thủ Việt vẫn biết cách tự tạo ra auto theo phong cách rất đơn giản. Đó chính là cắm một que tăm vào giữa khe của chuột máy tính. Nổi tiếng nhất thì có lẽ là ở tựa game MU, khi mà cách làm này có thể khiến Wizard quẩy Evil cả ngày, DK xoay kiếm xuyên đêm và Elf thì bắn tên mãi không thấy mệt. Đấy là cách cày cấp cổ xưa, rất đơn giản nhưng lại đầy hiệu quả trong bối cảnh mà auto là thứ gì đó chẳng ai biết tên.

Ngay cả các tựa game offline, điển hình là Warcraft 3 với custom map DDAY, các game thủ cũng thường xuyên sử dụng diêm, tăm hay bất cứ thứ gì có thể để kẹp vào giữa hai phím [ ] nhằm bật hiện HP của quân địch hay phe ta. Ngày nay thì cái gì cũng sẵn, nên gần như chẳng còn ai cắm chuột nữa rồi.

Cứu net

Đây có lẽ là câu nói cửa miệng của rất nhiều thanh niên thế hệ 8-9x cái thời mà những khu phố thánh địa của net cỏ như Lê Thanh Nghị, Đặng Văn Ngữ ở Hà Nội vẫn còn phổ biến.

Việc ra quán mà không đủ tiền là câu chuyện hết sức bình thường, và thuật ngữ "cứu net" cũng từ đó mà ra đời. Hiểu theo cách đơn giản, đó là khi bạn kêu gọi sự trợ giúp từ người lạ, người thân để xoay đủ tiền mà trả giờ máy. Và ở cái thế hệ ấy, cũng có biết bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh các pha cứu net hài hước.

Những thuật ngữ mà có lẽ chỉ có thế hệ game thủ 8-9x mới dịch được, nhắc là nhớ cả bầu trời kỷ niệm - Ảnh 2.

Cứu net - thuật ngữ mà bây giờ chắc không còn nữa rồi.

Thế hệ ngày nay thì làm gì còn cứu net, khi mà các cyber tiền tỷ mọc lên như nấm, và bạn phải nạp tài khoản trước khi chơi, tức là thanh toán trước. Mà một khi như thế thì cứu net không dùng được nữa rồi.

Cho con chơi 3.000 đồng tiền net

Thời đầu những năm 2000, giá chơi ở quán net rẻ lắm. Xịn sò lắm thì chắc khoảng 3.000 đồng/h, còn lại, rất nhiều hàng chỉ áp dụng mức giá 2.000 - 2.500 đồng cho mỗi giờ chơi. Thế nên, cảnh tượng mà hàng dài trẻ em xếp hàng, đưa cho bác chủ quán từng đồng, 1.000 đồng có, 2.000 đồng cũng có và bảo "cho con chơi một nghìn" đã trở thành thứ gì đó quá quen thuộc. Theo đúng kịch bản, bác chủ sẽ ghi sổ rồi ra nhắc các "thanh niên" lúc hết tiền giờ. Tuy nhiên thực tế thì gần như chẳng ai đứng dậy ngay tắp lự, mà thường sẽ xin xỏ thêm ít phút, hoặc nốt ván, nốt mạng.