Ông Phạm Nhật Vượng không nói đùa - Việt Nam đang sở hữu mật độ trạm sạc lớn hàng đầu thế giới: gấp 5 lần Mỹ, cao hơn cả Trung Quốc

Việt Nam đang vươn lên là một trong những nước sở hữu hạ tầng trạm sạc có mật độ lớn hàng đầu thế giới.

Cuộc đua trạm sạc xe điện

Ông Phạm Nhật Vượng không nói đùa - Việt Nam đang sở hữu mật độ trạm sạc lớn hàng đầu thế giới: gấp 5 lần Mỹ, cao hơn cả Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với doanh số xe điện toàn cầu được dự báo tăng tới 56 triệu chiếc vào năm 2040, nhu cầu cho số bộ sạc công cộng có thể tiếp cận được tăng lên đáng kể - không chỉ nhằm phục vụ cho số lượng xe đang nhân lên mà còn để thuyết phục các khách hàng tiềm năng rằng họ có thể chuyển sang sử dụng xe điện mà không phải sợ bị mắc kẹt trên cao tốc với cục pin cạn kiệt.

Theo báo cáo của Statista về số lượng cổng sạc công cộng năm 2022, Trung Quốc đang là quốc gia có nhiều cổng sạc nhất với gần 1,8 triệu cổng, trong đó hơn 760.000 cổng sạc nhanh, dành cho hơn 1,4 tỷ dân.

Hàng tỷ USD vốn chính phủ trước đây đầu tư vào việc hạ giá bán lẻ ô tô nay đang được tập trung, một phần, vào việc mở rộng số lượng các trạm sạc, giúp việc sạc điện dễ dàng như mua 1 chai nước.

Chương trình triển khai quốc gia của Trung Quốc khiến cho một vài tỉnh nước này có số lượng bộ sạc nhiều hơn cả các nước châu Âu. Các vùng phía tây của tỉnh Tân Cương có nhiều trạm sạc công cộng hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungary, trong khi Tây Tạng có nhiều hơn cả Belarus và Serbia.

Trong khi đó, trên khắp nước Mỹ có hơn 131.000 cổng sạc xe điện công cộng trong năm 2023, theo BI. Điều này tương đương việc chỉ có khoảng 3 cổng sạc cho mỗi 10.000 người ở Mỹ. Mật độ này thậm chí còn thấp hơn tại những khu vực xa trung tâm và có kinh tế khó khăn.

Ông Phạm Nhật Vượng không nói đùa - Việt Nam đang sở hữu mật độ trạm sạc lớn hàng đầu thế giới: gấp 5 lần Mỹ, cao hơn cả Trung Quốc - Ảnh 2.

Con số cổng sạc ở các quốc gia khác như Hàn Quốc là hơn 200.000, Hà Lan có hơn 120.000, Pháp có khoảng 84.000 hay tại Đức là 77.000 cổng sạc công cộng.

Ở thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan, tính đến tháng 9/2021, xứ Chùa vàng có khoảng 2.285 cổng sạc trên cả nước. Đến tháng 8/2022, Chính phủ nước này dự kiến tăng số lượng trạm sạc xe điện, từ 994 trạm lên 1.394 trạm trong 9 năm tới.

Singapore cũng là một trong những quốc gia chuyển dịch mạnh mẽ sang ô tô điện. Tính đến tháng 7/2022, có khoảng 2.500 cổng sạc xe điện được lắp đặt tại quốc gia này nhưng phần lớn trong số 5,4 triệu dân chủ yếu sống ở chung cư cao tầng. Bởi vậy, việc sạc ô tô điện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng trạm sạc công cộng. Chính phủ Singapore đặt mục tiêu phủ 40.000 cổng sạc công cộng đến năm 2023.

Trên toàn cầu, dự kiến sẽ có khoảng 20 triệu điểm sạc công cộng được lắp đặt vào năm 2030, Tổ chức Năng lượng Quốc tế dự báo.

Việt Nam tăng tốc

So với các quốc gia phát triển, Việt Nam xuất phát muộn hơn trong xu hướng chuyển dịch sang dùng ô tô điện. Những trạm sạc xe điện công cộng đầu tiên trong nước được thương hiệu VinFast triển khai vào tháng 12/2021, và đến nay, đây là hãng có độ phủ sóng trạm sạc lớn nhất Việt Nam.

Tính đến tháng 12/2023, VinFast đã phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, có mặt trên 106 tuyến quốc lộ, cao tốc, đạt mật độ cách nhau khoảng 3,5 km ở 80 thành phố trên cả nước. Các trạm thường gồm các cổng sạc có công suất khác nhau, từ loại thường cho đến siêu nhanh.

Như vậy, số lượng trạm và cổng sạc điện VinFast đang dẫn đầu Đông Nam Á, thậm chí vượt Mỹ, Trung Quốc nếu tính về mật độ cổng sạc theo quy mô diện tích và dân số. Với quy hoạch 150.000 cổng sạc tương ứng 100 triệu dân, trung bình mỗi 10.000 người Việt đang có 15 cổng sạc xe điện. Con số này cao gấp 5 lần Mỹ và cao hơn mức 12 cổng sạc/10.000 dân tại Trung Quốc.

Ông Phạm Nhật Vượng không nói đùa - Việt Nam đang sở hữu mật độ trạm sạc lớn hàng đầu thế giới: gấp 5 lần Mỹ, cao hơn cả Trung Quốc - Ảnh 3.

Hệ thống trạm sạc của VinFast phủ rộng 63 tỉnh thành (Ảnh: VinFast)

Không chỉ dừng ở trạm sạc cố định, từ tháng 2/2023, VinFast còn mở rộng triển khai dịch vụ sạc pin lưu động 24/7 (Mobile charging) và sửa chữa lưu động trên toàn quốc. Số lượng xe sạc pin lưu động đã đi vào hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam.

Có thể thấy, hệ thống trạm sạc công cộng số lượng lớn và độ phủ rộng khắp vẫn đang là một điểm mạnh mà thương hiệu xe Việt đem đến cho người dùng.

Mới đây, để gia tăng bệ phóng hỗ trợ tối đa cho VinFast vươn ra toàn cầu, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - đã công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN. Trong đó, một trong những mục tiêu của V-GREEN hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.

Giai đoạn đầu, V-GREEN sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.

Tại Việt Nam, V-GREEN sẽ chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast, đồng thời sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống.

Sau khoảng 5 năm vận hành, tùy theo từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế, V-GREEN có thể cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ô tô điện cho các hãng xe điện khác ngoài VinFast. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển hơn nữa hệ thống trạm sạc, góp phần thúc đẩy xanh hóa giao thông.