Cách đây không lâu, trong một buổi livestream, Thầy Ba đã bất ngờ có những tiết lộ "giải ngố" cho khán giá về mức lương hậu hĩnh mà SofM nhận được khi thi đấu cho LNG Esports. Theo ông thầy này thì trong mùa giải vừa qua, SofM đang hưởng mức lương 2 tỷ/1 tháng (khoảng 100 nghìn USD).
Đáng chú ý hơn, Fanpage SofM cũng không hề có động thái phủ nhận luồng thông tin này. Và xét đến việc LPL đang là khu vực có mức lương trung bình của tuyển thủ cao nhất thế giới, thì việc SofM bỏ túi hàng tỷ đồng mỗi tháng là điều hoàn toàn khả thi, nhất là khi anh chàng luôn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của LNG suốt nhiều mùa giải qua.
Một thông tin đáng chú ý nữa được người trong cuộc hé lộ, đó là việc LNG đã rất nỗ lực trong việc giữ chân SofM, ở thời điểm hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 11 này. Những điều khoản được đưa ra nhằm thuyết phục SofM ký vào bản hợp đồng mới dĩ nhiên bao gồm cả việc tăng lương và bổ sung những đãi ngộ hậu hĩnh cho anh chàng. Dẫu vậy, mối lương duyên giữa SofM và LNG đã đi đến hồi kết, và cả hai cũng nói lời chia tay một cách đầy tiếc nuối.
Nhưng từ đó chúng ta cũng có thể đi đến một kết luận rằng, dù SofM lựa chọn bến đỗ nào tiếp theo, Royal Never Give Up, Suning Gaming, Edward Gaming hay JD Gaming, thì chắc chắn một điều rằng mức lương mà tuyển thủ này có thể nhận chỉ cao hơn chứ thậm chí không thể ngang bằng con số 2 tỷ kia.
Đối với một hợp đồng lao động chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ vẫn là điều tối quan trọng nhất. Và con số đủ sức thuyết phục SofM nói lời chia tay LNG, chắc chắn phải rất khủng khiếp. Nhiều thông tin còn cho rằng, để có thể giành được chữ ký của SofM, đội tuyển "bí ẩn" đã chen ngang cuộc tình LNG - SofM thậm chí sẵn sàng chi trả số tiền lương gấp đôi con số mà anh nhận được tại LNG. Tức rơi vào khoảng hơn 200.00 USD/tháng (tương đương hơn 4 tỷ VND), và rơi vào khoảng 2,4 - 2,5 triệu USD/năm.
Ở thời điểm hiện tại, việc các tuyển thủ Esports sở hữu mức lương lên tới con số hàng triệu đô mỗi năm cũng chẳng phải hiếm. Huni mới đây cũng đã ký một bản hợp đồng trị giá lên tới 2,3 triệu USD cho 2 năm thi đấu tại Dignitas, nhưng thậm chí bản hợp đồng này cũng chưa giúp anh chàng trở thành tuyển thủ hưởng thù lao cao nhất Bắc Mĩ, khi một số nguồn tin hành lang còn khẳng định rằng Impact mới là tuyển thủ đắt giá nhất khu vực này với một bản giao kèo lên tới 3 triệu USD với Team Liquid.
Chia tay LNG hẳn không phải một quyết định dễ dàng đối với SofM
Nếu nói rằng nguyện vọng tham dự CKTG là điều quan trọng nhất, tiền bạc không phải thứ đáng lưu tâm với SofM, chắc hẳn đó sẽ là một câu chuyện cười. Thể thao điện tử đã phát triển hơn một thập kỷ, và cũng đến lúc khán giả có một cái nhìn công tâm, sáng suốt hơn dành cho các tuyển thủ.
Sự nghiệp của một vận động viên Esports thường vô cùng ngắn ngủi, đa phần chỉ kéo dài khoảng 5 năm đỉnh cao. Trong khi đó, rất nhiều tuyển thủ khi bước chân vào đấu trường chuyên nghiệp đều lựa chọn bỏ dở con đường học hành, và vì vậy vấn đề thu nhập từ công việc hiện tại của họ cũng là điều vô cùng quan trọng. Phải tính toán sao cho khi "rửa tay gác kiếm", bản thân có đủ nguồn vốn tích lũy để trang trải cho cuộc sống sau này.
Khát khao lớn nhất của SofM vẫn là tham dự CKTG, nhưng đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm chinh chiến LMHT chuyên nghiệp, đã đến lúc anh phải tính tới câu chuyện lâu dài cho tương lai
Khan đã từ chối SKT để tìm kiếm một bản hợp đồng "khủng" hơn, bởi chỉ 2 năm nữa thôi là tuyển thủ này sẽ giải nghệ để nhập ngũ. Rất nhiều tuyển thủ Hàn sau khi đạt đủ vinh quang và danh vọng cũng đi theo tiếng gọi của LPL để tìm kiếm những cơ hội sáng sủa hơn về tài chính.
Chắc chắn rằng, việc rời bỏ LNG Esports là một lựa chọn vô cùng khó khăn đối với SofM, y như thời điểm anh chia tay Full Louis để ra nước ngoài thi đấu vậy. Tuy nhiên thì quyết định cuối cùng cũng đã được đưa ra, sau một thời gian dài cân nhắc kỹ lưỡng. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy SofM đang thực sự nghiêm túc khi tính toán tới vấn đề tương lai của mình.
Tất cả những gì người hâm mộ Việt Nam nên làm hiện tại, có lẽ là tiếp tục theo dõi và ủng hộ SofM khi anh gia nhập đội tuyển mới.