Kể từ khi phá vỡ kỷ lục về số lượng người chơi cùng lúc nhiều nhất trên Steam của Dota 2, PlayerUnknown’s Battlegrounds vẫn đang hoàn toàn vô đối ở thời điểm hiện tại. Vào ngày hôm qua, tựa game con cưng của Bluehole cũng đã chính thức phá vỡ cột mốc 1,5 triệu người chơi cùng lúc trên Steam nhưng quan trọng nhất là việc PlayerUnknown’s Battlegrounds vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ từng ngày và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Từ trước đến nay chưa bao giờ có một tựa game vẫn ở trong giai đoạn Early Access lại thành công vang dội và ghi dấu ấn mạnh trong cộng đồng game thủ như PlayerUnknown’s Battlegrounds.
Vào hồi cuối tháng 8 vừa qua, Gamescom’s PUBG Invitational – giải đấu eSports lớn đầu tiên của tựa game PlayerUnknown’s Battlegrounds đã chính thức diễn ra tại ESL Arena Gamescom Hall 9, thành phố Cologne, Đức và ngay lập tức thu hút được một số lượng người xem khổng lồ. Hơn 400000 là con số về lượt xem trên kênh stream chính thức của giải đấu và có những lúc đã có tới 170000 xem cùng lúc. Sức hút là khỏi phải bàn cãi nhưng giải đấu đầu tiên này cũng chỉ ra những khá nhiều điểm yếu của PlayerUnknown’s Battlegrounds so với các bộ môn eSports nổi tiếng khác.
Chính Brendan Greene – cha đẻ của PlayerUnknown’s Battlegrounds cũng phải thừa nhận rằng quy mô của một trận đấu PUBG là quá lớn so với một tựa game eSports. Một trong những điều làm nên sức hút một bộ môn eSports là việc khán giả có thể theo dõi và hòa mình với không khí của trận đấu. Với LMHT, Dota 2, CS:GO những bộ môn chỉ gồm 10 người tranh tài trên một bản đồ giới hạn thì việc quay camera để khán giản theo dõi là tương đối đơn giản. Nói là vậy nhưng việc quay thiếu những tình huống combat hay những pha gank lẻ không phải là chuyện hiếm trong các giải đấu của Dota 2 hay LMHT. Còn với PUBG trên một bản đồ siêu rộng với … 100 người chơi cùng lúc thì việc quay Camera là một công việc bất khả thi. Ngay tại Gamescom’s PUBG Invitational rất nhiều tình huống đáng chú ý với những pha xử lý hoàn hảo của game thủ đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc khi mà người đảm nhận vị trí camera đã hoàn toàn bó tay trong việc lựa chọn vị trí 100 người chơi cùng lúc.
Cùng với đó cũng phải thừa nhận một điều rằng, PlayerUnknown’s Battlegrounds vẫn có một ‘tỷ lệ đỏ đen’ nhất định. Một game thủ có kỹ năng đến như thế nào đi nữa mà chưa kịp có trang bị thì khó lòng có thể đối đầu với những game thủ may mắn có cả núi vũ khí trong tay ngay ở giai đoạn đầu trận đấu. Bên cạnh đó khá nhiều game thủ sử dụng những chiêu trò không được đẹp mắt cho lắm để có thể sống sót càng lâu càng tốt và người đứng vị trí cao lại chưa hẳn là những game thủ có trình độ tốt.
Một giải đấu eSports lớn luôn khép lại bằng một vòng chung kết Onlan với khán đài đầy ắp khán giả tới cổ vũ. Một sân khấu với 100 phòng khép kín vừa cách âm lại vừa không thế đá hình dành cho 100 game thủ khác nhau là cả một vấn đề với nhà tổ chức giải đấu PlayerUnknown’s Battlegrounds. Nếu như thu hẹp quy mô trận đấu hay bản đồ thì lại đánh mất đi hoàn toàn bản chất của tựa game này. Có quá nhiều thứ để Bluehole phải giải quyết để tựa game PlayerUnknown’s Battlegrounds có thể trở thành một tựa game eSports phổ biến trong thời gian tới