Như đã đưa tin nhiều ngày qua, ở thời điểm hiện tại, VCS đang vướng vào nghi án tiêu cực có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều nghi vấn đã nở rộ xung quanh vụ việc kéo theo nhiều đội tuyển, tuyển thủ bị nhắc tên. Tuy nhiên, giữa những tranh luận có lẽ sẽ chỉ có đoạn kết một khi BTC VCS và Riot công bố kết quả điều tra, người ta buộc phải đặt một câu hỏi: Tại sao các tuyển thủ lại quyết định “nhúng chàm” dù đang sở hữu tương lai rộng mở, thu nhập tốt và danh tiếng trong làng LMHT Việt?
Thiếu sự định hướng của gia đình, đội tuyển
Trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp từ độ tuổi còn rất trẻ, có thể nói đa số tuyển thủ đều gần như sẽ thiếu những kỹ năng mềm quan trọng cũng như sự giáo dục, đồng hành từ phía gia đình trong những giai đoạn quan trọng. Trong khi đó, những người bên cạnh chỉ dạy, hướng dẫn các tuyển thủ là những người xa lạ, và có thể chỉ lớn hơn họ vài tuổi. Những nhân vật này có thể chinh chiến dày dạn trong làng LMHT Việt, nhưng trên về vốn sống xã hội và cái “uy” để có thể dìu dắt các tuyển thủ thì có thể chưa được đảm bảo.
Chưa kể, một số trường hợp HLV thậm chí còn bị tình nghi là người có liên quan trực tiếp đến các nghi án tiêu cực. Và thực tế đã chứng minh, khi vị HLV bị nhắc tên, hầu như cộng đồng LMHT Việt đều tin rằng các tuyển thủ của đội đó cũng đều có liên quan dù chưa hề có kết quả điều tra cuối cùng. Chính điều này cũng cho thấy: tầm quan trọng của một Ban huấn luyện chuyên nghiệp có thể định hướng các tuyển thủ như thế nào. Bởi, khi trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp, thì BHL và các đồng đội chính là những người mà các tuyển thủ tiếp xúc và học hỏi nhiều nhất.
Những món lợi quá lớn
Khi được cầm trong tay những số tiền lớn, tâm lý chung của nhiều người, nhất là những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống cũng như trải nghiệm, thì cảm giác phấn khích là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chính vì cảm giác này và vì nhận thức được nhiều tiền có thể giải quyết được rất nhiều việc, là tác nhân quan trọng đẩy các tuyển thủ vào con đường sai trái. Tất nhiên, ngay cả người bình thường cũng khó lòng cưỡng lại cám dỗ, chưa nói đến các tuyển thủ tuổi đời còn rất trẻ.
Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến cho rằng thu nhập các tuyển thủ không hề nhỏ. Thế nhưng, nếu trong trường hợp các tuyển thủ được đặt vấn đề với những món lợi còn lớn hơn đồng lương thì mọi chuyện sẽ như thế nào không ai trả lời được. Đơn cử như cách đây vài năm, chính Levi cũng thừa nhận anh bị dụ "bán" bùa lợi Rồng với giá hàng trăm triệu. Con số đó không hề nhỏ và nếu không có tinh thần chuyên nghiệp, kiên định như Levi thì có lẽ không mấy tuyển thủ trẻ có thể cưỡng lại được.
Thà một phút huy hoàng rồi chợp tắt
Ai cũng biết, nghề tuyển thủ LMHT ở Việt Nam nói riêng và tuyển thủ Esports nói chung đều có thể có mức thu nhập cao hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, tuổi nghề cũng vô cùng ngắn ngủi. Thậm chí, nếu lấy trung bình từ 17 đến 26, thì có nhiều tuyển thủ thậm chí còn không chạm nổi mốc này. Và khi họ phải chia tay sự nghiệp vì những lý do khác nhau, nhiều tuyển thủ sẽ rơi vào tình trạng mông lung, không biết phải làm gì vì thời thanh xuân đã dành cho Esports. Chưa kể, cảm giác đang có tất cả đều rồi sau đó không còn gì cả là một cảm giác không mấy ai có thể chịu được.
Hơn nữa, trong VCS, không phải đội nào cũng có nguồn lực dồi dào hay có những tập đoàn đã quá quen thuộc với đầu tư Esports chuyên nghiệp làm chủ. Do đó, quyền lợi của các tuyển thủ đôi khi có thể không sánh bằng các đồng nghiệp ở những đội tuyển danh tiếng. Và khi nắm quyền tự quyết cho một khoản tiền khổng lồ, có thể các tuyển thủ (mà nhất là những người trẻ), không còn giữ được cái đầu lạnh cần thiết để còn cân nhắc về những hậu quả có thể phải gánh chịu.
http://kenhtingame.com/so-huu-thu-nhap-van-nguoi-mo-ly-do-mot-bo-phan-tuyen-thu-vcs-van-co-the-nhung-cham-17824032323430081.chn