Theo tin độc quyền từ trang Bizhankook, thì vào ngày 13/4 vừa qua, T1 đã chính thức nộp đơn đăng ký bản quyền thương hiệu Faker/페이커 cho tuyển thủ Lee "Faker" Sang-hyeok , thuộc đội tuyển LMHT T1 lên Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc.
Hồ sơ sẽ được xét duyệt trong vòng tối đa 3 tháng, và nếu bản quyền thương mại của thương hiệu Faker được đăng ký, thì đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm luật bản quyền có hiệu lực, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, tên tuổi của Faker vào mục đích thương mại mà không có sự cho phép của chính chủ đều sẽ bị quy vào hành vi vi phạm luật pháp Hàn Quốc.
Động thái này của T1 được thực hiện ngay sau khi vụ việc một nhãn hàng... bột giặt tại Hàn Quốc đã sử dụng hình ảnh Faker để quảng cáo mà chưa có sự đồng ý của Faker lẫn T1 vào giai đoạn cuối năm 2019. Hiện tại, Faker đang hợp tác quảng bá cho trên 340 thương hiệu lớn nhỏ tại Hàn Quốc thuộc nhiều lĩnh vực như Đồ chơi, quần áo, cà phê, nước giải khát...
Sau khi việc đăng ký bản quyền diễn ra thành công, tất cả các thương hiệu đang sử dụng hình ảnh của Faker mà không xin phép sẽ bị buộc phải gỡ bỏ các ấn phẩm quảng cáo liên quan, hoặc đền bù tiền sử dụng hình ảnh cho tuyển thủ này.
T1 cũng cho biết thêm, một khi thương hiệu độc quyền của Faker có hiệu lực, tuyển thủ này sẽ phối hợp của tổ chức của mình cũng như các hãng sản xuất khác để cho ra đời dòng sản phẩm Gaming Gear (chủ yếu là chuột và bàn phím) mang thương hiệu của riêng mình.
Động thái gắt gao từ phía T1 được các chuyên gia về sở hữu bản quyền của Hàn Quốc đánh giá là cần thiết. Cùng với sự phát triển của thể thao điện tử, giá trị hình ảnh và thương mại của Lee "Faker" Sang-hyeok đang ngày một tăng cao và trở thành một trong những cái tên đình đám nhất xứ sở kim chi.