Trước việc Faker cũng như những tuyển thủ T1 chịu nhiều bình luận tiêu cực sau thất bại tại MSI 2022, nhà ĐKVĐ LCK đã phối hợp cùng văn phòng luật APEX Law LLC để điều tra và khởi kiện đối với những tài khoản có bài đăng, bình luận mang tính xúc phạm trên mạng xã hội.
Theo Điều 311 của Đạo luật Hình sự Hàn Quốc, những đối tượng có hành vi trên có thể sẽ bị phạt tù hoặc giam giữ không quá 1 năm, hoặc bị phạt hành chính với số tiền lên đến 2 triệu won (khoảng 35 triệu đồng).
Do tính chất của hành động là quấy rối liên tục trong thời gian dài, T1 và các luật sư hy vọng rằng tòa án Hàn Quốc sẽ đưa ra hình phạt nặng hơn mang tính răn đe thay vì chỉ đơn giản là phạt tiền.
Cư dân mạng Hàn Quốc được đánh giá là cộng đồng có tính “toxic” nhất, không chỉ trong LMHT hay eSports nói chung mà còn cả những lĩnh vực khác, từ đó dễ dàng dẫn đến hành động bạo lực mạng.
Có thể bạn muốn xem thêm: HLV MAD Lions: “Thể thức cấm chọn mới sẽ khiến hệ thống giải LMHT thay đổi đến không tưởng”
Bạo lực mạng/bắt nạt mạng (cyber bullying) hay quấy rối mạng (cyber harassment) là một hình thức bắt nạt, quấy rối thông qua phương tiện điện tử. Hành vi bắt nạt này bao gồm đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân và cả dùng từ ngữ thù ghét dán nhãn cho đối tượng.
Những hành vi bắt nạt này được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an và có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.
Đây không phải là lần đầu tiên Faker và T1 lên tiếng về vấn đề này. Hồi năm 2020 khi T1 đang có thành tích không tốt, “Quỷ vương” thậm chí đã chịu những lời bình luận khiếm nhã về gia đình ngay trong phần donate trên stream. Không lâu sau đó, đoàn luật sư của T1 cũng đã vào việc và muốn giải quyết triệt để vấn đề này.