Tại sao khu vực VCS mãi không thể vươn lên ngang bằng so với các khu vực lớn?

Đã gần 6 năm kể từ thời điểm GAM tạo nên cơn địa chấn tại CKTG 2017 nhưng tại sao khu vực VCS mãi không thể vươn lên so với các khu vực lớn?

Vừa qua, ĐT LMHT Việt Nam đã kết thúc ASIAD 19 với hạng 4 chung cuộc. Thứ hạng này phần nào đó đã được dự đoán từ đầu nhưng hơi đáng tiếc một chút vì chúng ta chỉ còn cách tấm HCĐ một chút nữa mà thôi. Mặc dù vậy trong thời khắc quyết định, bản lĩnh và sự bình tĩnh của các thành viên của ĐT LMHT Trung Quốc đã trở lại đúng lúc giúp họ lội ngược dòng thành công với tỉ số 2-1.

Trở lại với sự thật, chúng ta đã thất bại và thất bại rất nhiều trên đấu trường quốc tế trong những năm trở lại đây. Kể từ thời điểm sau thành tích của GAM năm 2017, người hâm mộ đã kỳ vọng một ngày nào đó khu vực VCS của chúng ta có thể bắt kịp với PCS hay một khu vực lớn được đánh giá là không còn lớp trẻ kế cận là LCS.

Tuy nhiên điều này vẫn chưa thể thành hiện thực mà thậm chí mới đây tại MSI 2023, GAM còn để thua trước một đại diện đến từ Wildcard là R7 khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng. Vậy tại sao lại như vậy, sao chúng ta vẫn chưa thể bắt kịp dù đã gần 6 năm trôi qua kể từ thời điểm GAM tạo nên bất ngờ?

Tư duy về game, cần nhiều “SofM” hơn tại VCS

Lí do đầu tiên và có lẽ cũng là vấn đề lớn nhất khiến các tuyển thủ Việt Nam hay khu vực VCS không thể so sánh với các khu vực lớn khác có lẽ đến từ tư duy. Tư duy trong LMHT hiểu đơn giản là sự hiểu biết một người chơi, tuyển thủ, HLV… về những thứ từ cơ bản đến nâng cao trong LMHT, là yếu tố cần thiết để họ phát huy tối đa năng lực và biết mình cần làm gì trong giai đoạn nào của trò chơi, đó cũng là một loại tư duy cần có.

Ví dụ như các HLV, thành viên trong BHL thường sẽ là người có kiến thức về game sâu rộng, làm những công việc dẫn dắt, ban/pick và phản hồi lại mọi thứ trong game với các tuyển thủ. Từ vấn đề đi đường, các wave lính, tình huống này làm gì, tình huống kia làm gì, thậm chí là “cần làm gì khi không biết phải làm gì” đến những sai lầm và xử lý tình huống. Xây dựng chiến thuật chung và nhắc nhở, động viên các tuyển thủ trước khi trận đấu bắt đầu cũng là một công việc quan trọng của các HLV.

Còn đối với các tuyển thủ, việc họ sẽ là thực hiện những chiến thuật đề ra. Và tư duy sẽ đóng vai trò cốt lõi trong mọi thời điểm. Wave này xử lý như thế nào, kèo đấu ra sao, rừng cần làm gì trong giai đoạn này của ván đấu, tổ chức ăn mục tiêu, gank, băng trụ… Bỏ qua việc xử lý kỹ năng, tư duy sẽ giúp các tuyển thủ không bị lạc lối, hiểu mình cần phải làm gì, đội hình mình mạnh ở điểm nào, điều kiện thắng là gì… từ đó cả đội có thể chiến thắng.

Tuy nhiên, các tuyển thủ Việt Nam chưa thực sự làm tốt điều này khi thi đấu với các đội tuyển lớn khác trên thế giới. Chúng ta thường xuyên rơi vào trạng thái lạc lối, không biết phải làm gì, quên mất sức mạnh và điều kiện thắng của mình và mắc những sai lầm tương đối ngớ ngẩn. Thiếu đi phần nào đó sự bản lĩnh và quyết đoán trong những thời khắc nhất định.

Có thể khi xem lại, vấn đề đó có lẽ cũng sẽ được phát hiện tuy nhiên cách ghi nhớ và sửa là không hề dễ dàng. Thậm chí đến những tuyển thủ dày dặn kinh nghiệm nhất như Levi hay Kiaya, tất cả đều có những thời điểm mắc sai lầm và lạc lối khi thi đấu như vậy. Đương nhiên không phải là các đội tuyển lớn họ không mắc sai lầm hay đây là một điều đáng trách nhưng chúng ta đang thực sự bị bỏ lại.

Giải đấu VCS vẫn được mọi người bàn luận là chuyên môn đang đi lên, tư duy các tuyển thủ đã tốt hơn nhưng chúng ta đang đi từ 5 lên 7 trong khi các khu vực lớn họ đã đi từ 8 lên 9 và thậm chí là 10 đối với những đội tuyển mạnh nhất như JDG hay GEN. Mặc dù thời gian gắn kết của họ không hề lâu và bao gồm cả những tuyển thủ trẻ.

Đương nhiên chúng ta cũng cần những HLV có tầm có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao để truyền dạy những kiến thức tốt nhất giống như SofM vậy. Chỉ cần theo dõi stream của SofM, có lẽ các game thủ LMHT Việt Nam đã học hỏi được không ít điều thú vị và điểm tối trong kiến thức game được khai sáng. Vậy nên chúng ta cần nhiều những người như SofM hơn tại VCS dù đó chỉ là giấc mơ.

Tài năng, kỹ năng và tinh thần cầu tiến

Chúng ta luôn tự hào rằng “Người Việt Nam mình không có dở” và thường tự hào về kỹ năng cá nhân của mình xuất sắc. Tuy nhiên khi ra thế giới, đến những tuyển thủ có kỹ năng tốt nhất, đi đường tốt nhất như Kiaya, Artemis vẫn rất ngợp trong giai đoạn đi đường và cả giao tranh tổng. 

Có nhiều lí do như việc bị hạn chế leo rank Hàn khiến các tuyển thủ Việt phần nào đó sa sút về kỹ năng. Rank Việt hiện tại thì tương đối hỗn loạn và khó có thể nói rằng đây là một địa điểm luyện tập lí tưởng. SofM đã không ít lần nói về các kiến thức về đi đường và rừng của mình đến từ rank Hàn là chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng của máy chủ Hàn Quốc đối với các tuyển thủ chuyên nghiệp.

Một lí do phụ trợ khác đã được nhiều người trong ngành như Ngài Ren và cựu tuyển thủ Optimus nêu ra. Các tuyển thủ quá thiếu tinh thần cầu tiến và nhiệt huyết với đam mê và công việc của mình. Thi đấu và luyện tập chỉ cho có hay thậm chí còn chỉ đích danh một số tuyển thủ lười biếng và nếu luyện tập bằng 1/2  Kiaya thì có lẽ kết quả đã khác. “Đã kém hơn, đi sau người ta còn lười biếng và thiếu quyết tâm thì đến bao giờ mới đuổi kịp được?” là câu nói đã ghim sâu trong lòng người hâm mộ LMHT sau dòng trạng thái đó.  

Xem thêm: Xếp hạng 16 mùa giải của ĐTCL, mùa giải các bạn yêu thích nằm ở đâu? (Phần 1)

Các yếu tố quan trọng khác

Ngoài ra còn những yếu tố khác như cơ sở vật chất, sự đầu tư cho esports không bằng các khu vực khác… nhưng suy cho cùng đó không phải lí do chính đáng cho sự phát triển của VCS so với các khu vực lớn khác. Có lẽ chúng ta sẽ cần không chỉ là thời gian mà nhiều các yếu tố khác hoặc sẽ không bao giờ có thể đuổi kịp họ…