Có thể nói rằng, Riot Games có thể không phải kẻ tiên phong trong làng game, nhưng những gì mà hãng tạo ra luôn có chất lượng tốt và cuốn hút người chơi. Từ Liên Minh Huyền Thoại cho đến Đấu Trường Chân Lý, chúng đều là những món ăn tinh thần chẳng thể thiếu đối với game thủ. Trong tương lai không xa, khi mà các tựa game đang trong thời gian thai nghén của hãng được tung ra, đó chắc chắn sẽ là một cú đánh khá đau vào các ông lớn khác.
Vào ngày 10/4, Riot Games đã mở Closed Beta game bắn súng Valorant cho số ít đối tác, game thủ và streamer trải nghiệm. Khá may mắn, tôi đã có cơ hội được chạm tay vào tựa game này.
Cấu hình yêu cầu đầy nhẹ nhàng, tình cảm
Đầu tiên, tôi khá bất ngờ khi một tựa game eSports năm 2020 lại nặng khoảng 8 GB. Quả thật, đây là con số rất thấp trong thời đại game nặng trăm GB. Hay so sánh cụ thể, tựa game của Riot Games có dung lượng rất khiêm tốn so với đối thủ như CS:GO (hơn 20 GB) và Overwatch (khoảng 30 GB) sau khi cài đặt.
Theo đó, Valorant cũng không yêu cầu quá nặng về phần cứng. Hãng đưa ra cấu hình tối thiểu gồm vi xử lý Intel Core 2 Duo E8400, GPU Intel HD 3000, RAM 4 GB.
Dung lượng tương đối "nhẹ nhàng tình cảm".
Có thể thấy đó là cấu hình "cổ đại" từ 10 năm trước. Với việc game nhẹ như thế này, các game thủ không có điều kiện kinh tế quá dư dả sẽ rất dễ dàng để trải nghiệm.
Bản thân tôi cũng đã thử cài đặt Valorant trên chiếc máy tính cũ kĩ có cấu hình khá hơn chút với yêu cầu tối thiểu nhưng không thể nào khởi động được trò chơi. Có lẽ là do nhiều lỗi còn tồn đọng.
Tương xứng với dung lượng nhẹ nhàng, đồ họa của Valorant cũng thân thiện với phần cứng. Chỉ cần sử dụng chiếc laptop với vi xử lý AMD Ryzen 5 2500U, 8 GB RAM DDR4 cùng với card đồ họa GTX 1050 4 GB là bạn dễ dàng đạt được mức 55-100 fps.
Tuy trải nghiệm khá mượt mà nhưng game cũng gặp một hiện tượng khá khó chịu là lúc sử dụng tổ hợp phím "Alt + Tab" ra ngoài thì ngay lập tức đơ và mất 2-3 phút sau mới có thể quay lại trận đấu bình thường. Những khuyết điểm nhỏ nhặt này có thể thông cảm được bởi game chưa ra mắt nên Riot Games hoàn toàn có thể sửa.
Thiết lập đồ họa ở mục General với các giới hạn fps.
Ngoài ra thì game còn tồn đọng một số lỗi vặt, khá là khó hiểu tư thế cầm súng này.
Game mượt mà nhưng đánh đổi bằng chất lượng đồ họa
Valorant đi theo hướng giả tưởng nên đồ họa mang phong cách lai giữa Overwatch và CS:GO. Nhiều màu sắc, thiên hướng "hoạt hình" nhưng lại có phần ngả về tông xám và hơi tối một chút. Model của các nhân vật hay hiệu ứng mang phong cách rất Riot, đẹp theo cách riêng.
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng chính phong cách này khó có thể đem lại cho người chơi cảm giác thỏa mãn về mặt thị giác. Phần texture làm không được đẹp khi so sánh với các game ra mắt cùng thời điểm. Chi tiết súng ống, môi trường và cỏ cây không quá bắt mắt, có phần hơi "nhựa" và khá thô.
Cảm quan cá nhân của tôi cho rằng nếu là 4-5 năm trước thì đồ họa của Valorant có lẽ sẽ được coi là đẹp. Hiện tại nó xứng với hạng trung bình thấp. Các chuyển động của nhân vật tuy chưa mượt mà nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được.
Vẫn có thể thấy rõ những đường răng cưa trong game dù đã thiết lập khử răng cưa.
Trải nghiệm về đồ họa trong Valorant thực sự không để lại ấn tượng, nhiều màu sắc nhưng lại thiên về tông lạnh, tối.
Về mặt âm thanh, game làm ổn những yếu tố cơ bản như nghe tiếng bước chân, tiếng súng, tiếng kích hoạt kỹ năng. Không có nhiều điều để phân tích trong tựa game bắn súng nhiều người chơi như Valorant.
Hệ thống chiến đấu dễ làm quen
Valorant hiện tại có 10 nhân vật (agent) chia ra làm 4 lớp bao gồm Initiator, Controller, Duelist, Sentinel. Mỗi lớp nhân vật và các tướng trong đó đều sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu riêng, một đội hình nên có đủ cả 4 lớp mới phát huy được hết khả năng.
Sau 5 trận trải nghiệm, tôi hầu như chỉ chơi như nhân vật Brimstone bởi gần như không ai chọn và ping rất cao (
Tuy kỹ năng cơ bản của Brimstone không có sát thương là bao nhưng khả năng kiểm soát và hỗ trợ đồng đội tốt với Nhả khói, Đặt đồ hỗ trợ đồng đội. Nhưng sau khi đã có kỹ năng Ultimate (chiêu cuối) gọi không kích toàn bản đồ thì chỉ với một nút bấm cộng với khả năng phán đoán chính xác, Brimstone có thể thổi bay cả đội hình địch mà không mất một viên đạn. Khá bá đạo!
Thổi bay cả đội hình đối thủ chỉ với một nút bấm.
Hay thậm chí có nhân vật có thể quét tầm nhiệt đối thủ, tạo tường lửa, rào chắn bằng băng, bắn cung xuyên tường gây cả tấn sát thương…
Nhìn chung, các kỹ năng của các nhân vật trong Valorant đang có phần hơi "quá lố" khi cung cấp hơi nhiều công cụ thu thập thông tin, che khuất, gây sát thương lớn, đa mục tiêu từ khoảng cách an toàn. Có lẽ định hướng của Riot Games là đẩy nhanh nhịp độ trận đấu và đề cao kỹ năng cá nhân hơn chăng?
Bạn nghĩ với những điều kể trên thì Valorant khó làm quen ư? Đừng lo, không hề khó khi tiếp cận với Valorant bởi hệ thống súng ống tuy hơi hướng tương lai nhưng vẫn mang dáng dấp của các vũ khí hiện thực. Có 7 loại vũ khí bao gồm lục, Shotgun, SMG, Rifles, Sniper, Heavies. Chỉ cần nhìn thoáng qua cũng nhận ra một số vũ khí mang âm hưởng của các "quốc súng" như UMP, AK, AWP...
Nếu bạn đã chơi quen với CS:GO thì chẳng khó để bắt nhịp với Valorant. Rất nhiều súng trong đây có độ giật rất nhỏ nên việc ngắm bắn cũng đơn giản hơn nhiều so với tựa FPS hàng đầu từ Valve. Trong suốt những trận đấu trải nghiệm, tôi chỉ tin dùng 2 dòng là Shotgun và Heavies vì tính "dễ chơi dễ trúng thưởng" quen tay và cũng là vì... ping cao.
Nhưng có một thứ mà Valorant không có trong cửa hàng, đó chính là các loại vũ khí ném được như lựu đạn, bom khói. Nhưng thay vào chỗ trống đó là một dàn nhân vật có kỹ năng như đã nói ở trên và chúng đều phải bỏ tiền ra để mua. Đúng, bạn không nghe nhầm đâu, thay vì mở chúng từ đầu và chỉ tính thời gian hồi chiêu thì Riot Games đã thêm cơ chế mua điểm kỹ năng. Giờ đây bạn phải cân đo đong đếm tài chính xem nên ưu tiên vào súng ống hay kỹ năng trước.
Bản thân tôi khi chơi các tựa game bắn súng cũng thường chơi ở vị trí... làm nền cho đồng đội nên vì kỹ năng không tốt lắm, ở đây cũng chả khác gì mấy. Tôi chẳng ngại ngùng đóng full khói, lửa ở mọi round để mau chóng giúp đồng đội có ưu thế trong di chuyển và combat. Không còn phải canh thời gian và học ném smoke mà chỉ bằng 4 cú click chuột, những chỗ đồng đội tôi sắp di chuyển hay các vị trí trọng điểm đều đã được phủ khói. Triển khai chiến thuật cũng vì thế mà khá đơn giản. Nhưng hiệu quả thì là chuyện khác, vì "spam smoke" ở 3 vị trí liên tiếp vài round đấu thì tôi và những người đồng đội đã bị bắt bài và khắc chế đơn giản bằng kỹ năng quét tầm nhiệt và tạo tường bịt lối đi.
Đặt bom khói bằng cách chỉ thẳng trên map - một kỹ năng mang tính chiến thuật rất cao của nhân vật Brimstone.
Ngoài súng ra thì mua giáp, khiên và kỹ năng cũng nên được chú ý.
Ngoại trừ chiêu cuối là phải tích điểm bằng cách bị hạ gục hoặc chiếm những viên ngọc như thế này.
Các khẩu súng trường đều rất hay sử dụng kiểu ống ngắm này.
Chán súng ống thì có thể làm "anh bạn chơi dao tài ba" như thế này cũng thú vị.
Đặt bom và ngăn kẻ địch đến gỡ, một nhiệm vụ vô cùng quen thuộc.
Đậm chất riêng hay chỉ là Overwatch phiên bản lỗi?
Trải nghiệm thú vị là vậy nhưng có một thứ tôi chưa ưng ý. Đó chính là vấn đề cân bằng trong game.
Valorant sở hữu những tuyến nhân vật và kỹ năng khác biệt về chất cũng như kỹ năng nhưng sao thanh máu ai cũng như nhau? Hai trang bị giúp sống lâu hơn (giáp) thì chẳng mấy hiệu quả. Nó giống như việc dùng tờ giấy để chặn viên đạn vậy.
Thật khó hiểu khi nhân vật có khả năng bay nhảy tốt như Jett lại chung lượng máu với một Brimstone không có khả năng chạy trốn. Điều này có thể khá là mất cân bằng vì Jett có thể bấm một nút duy nhất là có thể né được khá nhiều loạt đạn rồi. Sau đó việc cần làm chỉ là trả sát thương chính xác. Nhân vật này cũng có khả năng "quăng smoke" nên việc chạy trốn thì dễ dàng hơn bao giờ hết.
Điều tương tự khi Sage chỉ có kỹ năng làm chậm, đặt tường, hồi sinh đồng đội (mất thời gian niệm) nhưng Sova lại có khả năng tìm mục tiêu từ phía xa cộng thêm chiêu cuối bắn xuyên tường gây cả tấn sát thương đa mục tiêu. Thậm chí, một vài khả năng của lớp Controller như ném smoke, quăng lửa, tạo vùng làm chậm, tạo một bức tường gây sát thương thì các lớp khác đều có. Vậy thì các Controller đâu có chỗ đứng? Chắc may mắn nhất thì có Sage là hay được tin dùng vì khả năng tạo vị trí cover và hồi sinh. Chính Shroud - streamer, game thủ chuyên nghiệp hàng đầu cũng nhận đình các kỹ năng có phần hơi quá trớn.
Nhìn sang Overwatch, Blizzard có lẽ đã nhìn thấu vấn đề nên họ thiết lập các nhân vật đều sở hữu thanh máu riêng nhằm tránh việc quá imba từ bộ kỹ năng.
Thời gian sẽ cho câu trả lời
Tóm lại, Valorant của Riot Games vẫn là tựa game đầy tiềm năng. Với mức cấu hình yêu cầu của game không cao, dễ tiếp cận với đại đa số người chơi. Hệ thống gameplay học hỏi nhiều từ các đàn anh nhưng vẫn có bản sắc riêng đi kèm với phong cách thiết kế nhân vật thú vị.
Hãy cùng đợi xem Riot Games liệu có khiến Valorant thành công được như người anh Liên Minh Huyền Thoại của mình hay không. Hay nó sẽ "chết yểu" sau thời gian xuất hiện trên thị trường trước sức cạnh tranh rất lớn từ CS:GO, Rainbow Six Siege, Overwatch hay Call of Duty.