Trung Quốc dự luật "dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 tiếng mỗi tuần", cộng đồng LMHT lo ngại LPL "chết yểu"

LPL đang đứng trước thử thách lớn về viễn cảnh hao hụt tài năng trẻ trong tương lai.

Vừa qua, truyền thông Trung Quốc đã rầm rộ đưa tin về việc Chính phủ nước này chính thức ban hành đạo luật kiểm soát nghiêm ngặt việc quản lý quỹ thời gian chơi game của trẻ vị thành niên, nhằm khắc phục vấn nạn nghiện game đang ngày càng nghiêm trọng ở lứa tuổi này.

Cụ thể, đạo luật này bắt buộc người dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi game tối đa 1 giờ vào các ngày Thứ 6, Thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, hoặc các ngày lễ, Tết. Và cấm tuyệt đối việc chơi game vào các "ngày hành chính".

Trung Quốc dự luật dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 tiếng mỗi tuần, cộng đồng LMHT lo ngại LPL chết yểu - Ảnh 1.

Sau khi đạo luật ban hành, Tencent Games - Công ty mẹ của 2 tựa game MOBA đình đám Vương Giả Vinh Diệu và Liên Minh Huyền Thoại, là doanh nghiệp đầu tiên đưa thông cáo báo chí về việc sẽ chấp hành nghiêm chỉnh đạo luật này, đồng thời đề xuất việc đưa ra các biện pháp kiểm soát người dùng.

Năm 2017, Tencent cũng là doanh nghiệp đi đầu tại Trung Quốc trong việc phát triển các ứng dụng quản lý và kiểm soát thông tin khách hàng nhằm phân loại lứa tuổi vị thành niên, và đưa ra các biện pháp kiểm soát giờ chơi đối với lứa tuổi này.

Mặc dù đạo luật này được cho là hợp lý trong bối cảnh vấn nạn nghiện game đang gây nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Nhưng một hệ lụy đang hiện hữu, đó là đạo luật giới hạn giờ chơi được dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền công nghiệp thể thao điện tử tại Trung Quốc, đặc biệt là LMHT.

Trung Quốc dự luật dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 tiếng mỗi tuần, cộng đồng LMHT lo ngại LPL chết yểu - Ảnh 2.

Thông cáo báo chí của Tencent về việc sẽ áp dụng nghiêm chỉnh đạo luật giới hạn giờ chơi trên tất cả các sản phẩm game của hãng

Tại Trung Quốc, hệ thống giải đấu LPL hiện đang vận hành theo mô thức chuyên nghiệp hóa, với việc phân loại thành các giải đấu chuyên nghiệp, giải trẻ và giải học viện. Tương tự như LCK, các tổ chức LPL cũng sở hữu các đội tuyển trẻ và học viện đào tạo, nhằm chiêu mộ các tài năng trẻ trong nước để bồi dưỡng cho tương lai.

Vấn đề ở đây là dù có học viện đào tạo, nhưng hầu hết các ngôi sao trẻ nổi danh của LMHT Trung Quốc hiện tại vẫn có xuất phát điểm từ xếp hạng đơn. Những Tian, Knight hay Wei đều là sản phẩm do đội ngũ tuyển trạch tìm thấy ở các trận đấu xếp hạng, rồi mới chiêu mộ và bồi dưỡng ở các lò đào tạo.

Cộng đồng LMHT lo ngại rằng việc giới hạn chơi game đối với lứa tuổi dưới 18 sẽ khiến các tài năng trẻ theo dạng tự phát này ngày một ít đi. Dù có thể bù đặp bằng việc tuyển dụng thực tập sinh cho các học viện, nhưng việc không thể đánh giá mặt bằng kỹ năng của những ứng viên trước khi vào học viện cũng sẽ khiến chất lượng đào tạo giảm sút.

Trung Quốc dự luật dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 tiếng mỗi tuần, cộng đồng LMHT lo ngại LPL chết yểu - Ảnh 3.

Một nguồn cung cấp nhân tài cho các đội tuyển ở LPL nữa, đó là các khóa học Esports tại các trường học chính quy. Một số trường học của Trung Quốc đã đưa LMHT vào làm bộ môn giảng dạy chính thức, và có lẽ điều đó sẽ giúp học sinh có thể thời gian làm quen với tựa game này. Tuy vậy, viễn cảnh về việc khan hiếm tài năng trẻ trong tương lai và buộc phải tìm kiếm ngôi sao ở... khu vực hàng xóm LCK vẫn là điều khiến giới chức LPL phải đau đầu tìm cách giải quyết.