Trong trận đấu giữa Nongshim RedForce và T1, tuyển thủ đường giữa Gori của NS đã có hành động nháy biểu cảm logo SKT sau khi thực hiện một pha solo-kill với Faker ở đường giữa. Khoảnh khắc này ngay lập tức đã trở thành câu chuyện gây xôn xao trong cộng đồng fan LMHT.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì khán giả được chứng kiến về màn "cà khịa" của Gori nhắm vào T1, mà cụ thể là người tiền bối Faker.
Ống kính máy quay đã bắt được khoảnh khắc Gori giơ ngón tay "dislike" nhắm về phía khu vực thi đấu của T1 sau trận đấu, và hình ảnh này ngay lập tức làm dấy lên những tranh cãi mới về thái độ của tuyển thủ này.
Thậm chí nhiều người hâm mộ còn khẳng định rằng cú "dislike" này là nhắm thẳng vào cá nhân Faker, và thông điệp của Gori thì rất rõ ràng: Anh ta đã "out trình" Faker ít nhất là trong trận đấu vừa qua.
Trả lời phỏng vấn sau trận đấu với Korizon, Gori đã lên tiếng giải thích rằng hành động nháy logo của anh mang một ý nghĩa đặc biệt, do tuyển thủ này muốn khẳng định bản thân. Khi còn khoác áo SKT (T1), Gori đóng vai trò dự bị cho Faker, nhưng thực tế anh không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Trước khi HLV Daeny gia nhập T1 thì vị trí của Faker gần như không thể bị đụng đến (trừ trường hợp cá biệt như Pirean - Tuyển thủ sở hữu cơ hội hiếm có khi được thi đấu thường xuyên trong giai đoạn 2018 - Thời điểm SKT và Faker chạm đáy phong độ).
Gori chia sẻ rằng anh muốn tuyên bố mình giờ đây đã không còn là người chơi dự bị của Faker nữa, mà là một người chơi đường giữa thực thụ tại LCK. Tuy nhiên nếu chỉ nháy logo thôi thì có lẽ Gori đã không gặp nhiều vấn đề tới vậy. Hành động sau trận đấu của anh vấp phải khá nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ cộng đồng fan Faker tại Trung Quốc.
Nhiều fan Trung Quốc thể hiện sự bất mãn với màn khiêu khích của Gori
Đối với văn hóa Esports Trung Quốc, dấu "dislike" bị xem như một biểu tượng của sự xúc phạm đối thủ. ON của Suning từng bị phạt nội bộ và hứng chịu vô vàn chỉ trích của các fan IG khi bật biểu cảm dislike trước đội tuyển này, vì thế, Gori cũng hứng chịu những điều tương tự từ người hâm mộ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Hàn Quốc, dù không quá cay nghiệt như các fan Trung, nhưng rõ ràng khán giả cũng không mấy hài lòng với màn ăn mừng mang đậm tính chất khiêu khích, và có phần hơi quá lố của Gori. Đúng là "thắng làm vua, thua thì nghe gáy", nhưng việc Gori nhắm sự chế giễu vào đội tuyển cũ của mình, và cả một tuyển thủ đàn anh như Faker, cũng không phải là hành động đẹp đẽ gì cho cam.