Kể từ màn công bố tại buổi lễ kỷ niệm 10 của LMHT đến nay, Project A (Valorant) vẫn luôn là dự án thu hút nhiều sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, Riot Games quyết định là sẽ không đưa ra thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến dự án cho đến khi gần tới ngày phát hành.
Valorant sẽ được ra mắt vào mùa hè năm nay. Ảnh: Riot Games.
Mãi cho đến ngày 2/3, nhà sản xuất bất ngờ tung ra đoạn gameplay của Valorant trên kênh YouTube của mình. Tuy nhiên, sau đoạn demo, trò chơi này đã nhận được "vô số gạch đá" từ các game thủ trên thế giới. Họ cho rằng Valorant chỉ là tựa game được "lai tạp" giữa CS:GO và Overwatch.
Đồ hoạ hơi hướm Overwatch
Phần đồ họa trong Valorant không chú trọng vào tính thực tế giống CS:GO mà nó mang phong cách của Overwatch với nét vẽ hoạt hình dễ nhìn và vui nhộn. Cũng bởi vậy mà cả 2 tựa game này đều yêu cầu cấu hình thiết bị khá nhẹ so với mặt bằng chung của thị trường nhằm thu hút nhiều đối tượng nhất có thể.
Tuy nhiên, nếu xét về mức độ chi tiết và hiệu ứng ánh sáng thì Valorant dù là tựa game mới nhưng lại có vẻ thua kém hơn đàn anh Overwatch đã ra mắt từ năm 2015. Ta có thể thấy từ đoạn demo, bề mặt môi trường trong Valorant khá phẳng, mặc dù Riot Games đã cố gắng thêm thắt vài chi tiết như vết lồi lõm của gỗ, cột gỗ trên tường …
Không những thế, hiệu ứng ánh sáng của tựa game này cũng rất thô, không có những vệt sáng hay bóng mờ. Tuy nhiên, giảm bớt hiệu ứng cũng là điểm cộng của game bởi tầm nhìn người chơi sẽ rõ ràng hơn, không bị những hiệu ứng mờ ảo, lòe loẹt làm chói mắt.
Dù là những chi tiết lồi lõm nhưng chúng vẫn không khác gì các tấm hình được dán vào tường.
Âm thanh "học hỏi" từ CS:GO
Đối với những tựa game bắn súng mang tính thực tế cao như CS:GO hay Rainbow Six, âm thanh là một trong những phần quan trọng. Nó ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người chơi. Tiếng bước chân hoặc súng bắn cũng có thể thay đổi cả ván đấu quan trọng.
May mắn thay, đội ngũ thiết kế của Valorant đã học hỏi kinh nghiệm từ CS:GO và làm tốt điều này. Trong đoạn demo, bạn nghe được tiếng khẩu Vandal (súng trường có uy lực mạnh trong game) rất trầm và nặng, tạo được cảm giác tốt cho người chơi.
Đặc biệt, mỗi khi chuyển vũ khí, ta có thể nghe rõ được âm thanh những khung sắt cọ xát vào nhau, tiếng đạn lên nòng... Hơn nữa, tiếng bước chân trong game được thiết kế khá tốt. Tiếng động khi bước trên đất khác với bê tông hoặc sàn gỗ.
Âm thanh của súng rất chi tiết và đã tai như trong CS:GO.
Không những thế, lồng tiếng nhân vật trong game cũng rất tốt. Lời thoại của nhân vật thường xuất hiện khi giết được mạng đầu, sử dụng chiêu... tất cả chúng đều tạo cảm giác âm thanh rất "đầy", không bị yên tĩnh, căng thẳng quá mức như CS:GO.
Cảm giác súng bắn không đủ sức nặng
Theo những gì diễn ra trong đoạn demo, bạn thấy được súng của Valorant có xuất hiện recoil (độ giật). Không rõ hiện tượng này là ngẫu nhiên hay tuân theo một đường đạn có sẵn như trong CS:GO, nhưng chắc chắn độ giật của chúng sẽ rất đáng kể.
Tuy nhiên, theo những gì quan sát được, khi nhân vật bắn, dường như khẩu súng không có nhiều chuyển động tương ứng với mức recoil, làm thiếu đi sức nặng của mỗi vũ khí, gây ra cảm giác "vô vị".
Đây có thể là một chi tiết nhỏ nhặt, nhưng về lâu dài, người chơi chắc chắn sẽ nhận ra sự quan trọng của nó.
Khẩu rifle mạnh trong game mà cảm giác như đang bắn SMG vậy.
Lấy ví dụ trong CS:GO, độ giật của khẩu MP5 với AK-47 là hoàn toàn khác nhau bởi mức sát thương của 2 vũ khí này quá chênh lệch. Độ giật cao sẽ mang tới cảm giác mạnh mẽ hơn, tương ứng với mức sát thương của chúng và ngược lại.
Dựa vào độ giật mà ta có thể đoán được sức sát thương của súng.
Lối chơi "lắp ghép"?
Theo những gì được phô diễn trong đoạn demo, bạn có thể thấy lối chơi của Valorant có những nét rất giống với cả 2 huyền thoại CS:GO lẫn Overwatch.
Trong Overwatch, mỗi nhân vật đều có những kỹ năng riêng biệt. Tuy nhiên, nhằm hạn chế nạn spam chiêu thức để win game cũng như đơn giản hoá việc cân bằng mức sát thương của chúng, Blizzard đã tăng TTK (Time to kill - thời gian hạ gục) lên, tuỳ thuộc vào từng nhân vật sẽ có số lượng máu nhiều ít khác nhau. Từ đó, người chơi phải có kỹ năng nhắm bắn chuẩn để tối ưu hóa lượng sát thương gây ra.
Mỗi nhân vật trong Overwatch đều có lượng máu khác nhau. Ảnh: Game Informer.
Trong CS:GO, mọi nhân vật của người chơi đều giống như nhau, không chiêu thức và có lượng máu tương xứng. Sự khác biệt duy nhất là kỹ năng của từng người chơi cao thấp thế nào thôi.
Tuy nhiên, vì muốn đẩy nhanh nhịp độ trận đấu, Valve đã phải giảm TTK xuống, để nhanh chóng hạ gục đối thủ hơn do tất cả nhân vật đều như nhau. Điểm mấu chốt quyết định thắng thua là kỹ năng người chơi nên phải xử lý càng nhanh càng tốt.
Mỗi nhân vật trong CS:GO đều giống nhau. Ảnh: Valve.
Còn đối với Valorant thì sao? Theo như phân tích ở trên, mỗi yếu tố đều phải có sự tuỳ chỉnh phù hợp về nhân vật để cân bằng game. Ví dụ, điểm hạn chế của nhân vật Widowmaker trong Overwatch là dù cho có bật kỹ năng nhìn xuyên tường lên, đối thủ vẫn cần 2-3 viên đạn mới kết liễu được. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng nếu như trong CS:GO, bạn có thể nhìn được xuyên tường, đây chắc chắn sẽ là thảm hoạ.
Valorant giống như bạn chơi CS:GO mà được bật Wallhack vậy.
Trong một buổi stream gần đây của Shroud, streamer hàng đầu thế giới hiện nay, anh đã nói rằngtựa game này rất có tương lai trước CS:GO. Nhưng điều khiến anh cho rằng rào cản lớn nhất của việc này chính là cách người chơi tiếp cận và theo dõi chúng.
Cụ thể, trong CS:GO, dù là người không biết gì về tựa game này, khi xem các trận đấu, họ vẫn có thể hiểu và bắt kịp được diễn biến do cách chơi rất đơn giản nhưng vào thẳng vấn đề. Còn đối với Valorant, thậm chí Shroud còn không hiểu hết những gì đang diễn ra trên màn hình nữa. "Bức tường xanh xanh kia là gì, cục tròn tròn mà nhân vật ném ra là thế nào", anh thắc mắc.
Thậm chí cả Shroud cũng không hiểu hết những gì đang diễn ra.
Ngoài ra, một số nhân vật mà những kỹ năng của họ có vẻ như được lấy ý tưởng từ trò chơi khác. Ví dụ như anh chàng Cypher bao gồm những kỹ năng thả kẽm gai để làm chậm, ném bom kích nổ từ xa, đặt camera quan sát và chiêu cuối là lấy thông tin từ xác chết để làm lộ diện kẻ địch. Đọc đến đây hẳn các fan hâm mộ tựa game Rainbow Six: Siege sẽ thấy rất quen thuộc.
Anh chàng Cypher giống như cả tựa game Rainbow Six: Siege "thu nhỏ".
Tóm lại, dù Valorant có giống với CS:GO hoặc Overwatch hay có lấy ý tưởng từ tựa game nào đi chăng nữa, nó vẫn có một nét gì đó rất riêng, khác biệt với những trò chơi còn lại. Bạn có thể chê trách, phán xét quyết định kết hợp này như sự thất bại về mặt lý thuyết. Nhưng ai biết được, với bàn tay tài năng của Riot Games, họ sẽ mở ra cả một thế hệ gaming mới, giống như cách mà những bậc thầy ấy đã làm cả thế giới sửng sốt với Liên Minh Huyền Thoại.
Tất nhiên, phải đợi đến khi game ra mắt thì chúng ta mới có cái nhìn chi tiết và toàn vẹn hơn. Qua đó, mọi thắc cũng cũng sẽ được giải đáp. Dự kiến Riot Games sẽ trình làng Valorant vào mùa hè năm nay.