Buồn! Đó là tâm trạng chung của cộng đồng LMHT Việt Nam sau khi đón nhận thông tin về việc GAM Esports sẽ không thể đến Iceland tham dự MSI 2021. Đây đã là giải đấu quốc tế thứ 2 liên tiếp (và là thứ 3 nếu tính cả MSI 2020 đã bị hủy bỏ), Việt Nam không có cơ hội góp mặt.
Nhưng đó là về phía khán giả, còn đối với những tổ chức Esports, đằng sau một nỗi buồn là cả trăm nỗi lo lắng khác, bởi việc liên tiếp lỡ hẹn với các giải đấu lớn đã để lại những tổn thất không hề nhỏ đối với nền LMHT Việt Nam.
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng việc tuân thủ yêu cầu về an toàn y tế trước tình hình dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Và hầu hết tuyển thủ, người hâm mộ đều thấu hiểu điều này, chỉ trách là Covid-19 đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ.
Tiền thưởng giải đấu ư? - Không còn quan trọng nữa rồi
Tương tự MSI 2020 và CKTG 2020, đại diện Việt Nam sẽ nhận được đủ số tiền thưởng giải đấu dù không thể tham dự. Đây âu cũng là một sự an ủi dành cho những nỗ lực của các tuyển thủ sau một mùa giải cam go.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng trong LMHT chuyên nghiệp, tiền thưởng chỉ là nhân tố thứ yếu. Điều quan trọng hơn cả là viễn cảnh được "bơi ra biển lớn", nơi các tổ chức Esports được vinh danh trên sân khấu thế giới, và các tuyển thủ được phô diễn tài năng ở một giải đấu hàng đầu.
Thế hệ vàng của LMHT Việt Nam gắn liền với thành công tại MSI 2017 và CKTG 2017
Levi và Zeros đã được các đội tuyển nước ngoài chú ý tới sau những màn trình diễn tại MSI và CKTG. Họ trở thành những siêu sao hàng đầu của LMHT Việt Nam trong mắt người hâm mộ, chứng tỏ được thực lực bản thân và mang "bản sắc VCS" đến với bạn bè 5 châu. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây, cứ nhắc đến Nocturne Đi rừng là người ta nhớ ngay tới Levi. Ở bình diện thế giới, không có nhiều tuyển thủ bên ngoài khu vực LPL và LCK có thể in đậm dấu ấn với những màn trình diễn cá nhân như vậy.
Hay ví dụ xa xôi hơn nữa là SofM. "Người thay đổi bộ mặt LPL", "Bậc thầy đi rừng" thì có nghĩa lý gì, khi không có cơ hội đến với sân chơi quốc tế? Chỉ sau một kỳ CKTG 2020, tên tuổi của SofM đã vượt ra ngoài thế giới LMHT phương Đông, LCS tiếc hùi hụi vì đã vuột mất một tài năng, trong khi thế hệ thần rừng mới của LEC thì một mực tôn SofM làm thầy. Và từ đây, vị thế "người đi rừng hàng đầu thế giới" của tuyển thủ này mới được thừa nhận như một lẽ tất yếu.
Nói vậy để hiểu, việc góp mặt tại một sân chơi quốc tế có ý nghĩa nâng tầm như thế nào đối với từng cá nhân tuyển thủ.
Sẽ vô cùng đáng tiếc nếu Kati không thể xuất hiện tại một giải đấu quốc tế trong tương lai
Kati và Slayder - Những ngôi sao được coi là số 1 Việt Nam ở vị trí của họ, và vị thế đi đã được cụ thể hóa bằng các danh hiệu vô địch, đáng tiếc thay, lại không có cơ hội được thể hiện mình ở đấu trường thế giới. Đó không chỉ là sự tiếc nuối của hai tuyển thủ này, mà còn là sự tiếc nuối của rất nhiều người hâm mộ Việt Nam.
Tương tự như Levi, giờ đây khi nhắc đến VCS, người ta sẽ nhớ ngay đến GAM Esports, và G2 thì sẽ đặc biệt "ghim" cái tên Phong Vũ Buffalo. Tên tuổi được lan tỏa, đồng nghĩa với việc cơ hội nhận được tài trợ cũng cao hơn. Đơn cử như GAM, việc giành được slot đi CKTG 2019 đã giúp đội tuyển này thu hút được không ít nhà tài trợ khủng. Không một nhãn hàng nào lại từ bỏ cơ hội xuất hiện tại một sự kiện có tới hàng chục triệu người theo dõi trên toàn cầu, như CKTG hay MSI.
GAM từng nhận được rất nhiều hợp đồng tài trợ béo bở nhờ việc giành được slot đi CKTG
Không được đến MSI hay CKTG, đồng nghĩa với việc không tìm kiếm thêm được nguồn lực tài trợ. Việc dàn sao của Team Flash tan rã vào đầu mùa giải 2021, dù không được tiết lộ nguyên nhân, nhưng đã có những nguồn tin hành lang tiết lộ về lý do "tài chính eo hẹp". Nếu chính xác, thì đó là minh chứng cho viễn cảnh khó khăn mà các đội tuyển sẽ phải đối mặt, khi dồn tài nguyên để vô địch nhưng lại không được tham dự cup thế giới.
Vị thế bị đe dọa
Dù muốn thừa nhận hay không, thì có một thực tế là Brazil (CBLOL) và Nga (LCL), thậm chí là cả vùng PCS, đều sẽ mong đợi một sự điều chỉnh có lợi cho họ từ phía Riot Games, xoay quanh việc phân bổ lại slot tham dự các giải quốc tế, đặc biệt là CKTG, trong trường hợp VCS tiếp tục vắng mặt.
Riot Games đã buộc phải xáo trộn cấu trúc của 2 giải đấu quốc tế gần nhất, vì lý do VCS không thể góp mặt. Thật khó để đòi hỏi cha đẻ của LMHT tiếp tục làm điều này ở kỳ CKTG 2021 sắp tới. Bên cạnh đó, trong trường hợp VCS không thể tham dự CKTG năm nay (mà theo Giám đốc vận hành của GAM - "Izumin" Khánh Hiệp chia sẻ, thì chưa có gì đảm bảo cả), việc bỏ ngỏ 2 slot (1 vòng bảng, 1 Play-in) sẽ khiến không ít khu vực khác bất mãn.
Vị thế của VCS liệu có bị ảnh hưởng nếu tiếp tục vắng mặt tại các giải đấu lớn?
Phương án được một bộ phận đông đảo fan hâm mộ quốc tế đưa ra, đó là trám 2 vị trí bỏ trống trong trường hợp VCS không tham dự, bằng 2 slot dành cho các khu vực khác. CBLOL và LCL đều là 2 khu vực Wild-card có thành tích tốt nhất trong nhiều năm qua, bên cạnh đó, dựa trên thành tích của MSI, các khu vực lớn đều sẽ có cơ hội nhận được slot thứ 4.
Trường hợp xấu nhất xảy ra có thể là VCS sẽ bị tước mất 1 suất Play-in, bởi việc vắng mặt quá lâu cũng đồng nghĩa là khu vực LMHT Việt Nam không để lại dấu ấn gì trên đấu trường quốc tế trong những năm qua.
Chỉ biết ước...
Nói tóm lại, tình cảnh của VCS hiện tại đã lâm vào thế bất khả kháng, và điều duy nhất mà người hâm mộ có thể làm lúc này, là chung tay phòng chống dịch bệnh trong nước, đồng thời... cầu nguyện để công tác chống Covid-19 diễn ra thuận lợi trên phạm vi thế giới.
Chỉ khi dịch bệnh được đẩy lùi, thì môi trường Esports mới có hy vọng trở lại bình thường, và LMHT Việt Nam mới có cơ hội quay trở lại đấu trường quốc tế một cách thuận lợi.