Vì sao game thủ Esports phải giải nghệ sớm?

Hầu hết các VĐV sẽ kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi 30-40, nhưng đối với các game thủ Esports, họ luôn phải đối mặt với nguy cơ giải nghệ khi bước qua tuổi 20.

Đến thời điểm hiện tại, Esports đã được công nhận như một môn thể thao thực sự ở nhiều quốc gia, thúc đẩy những người đam mê game theo đuổi sự nghiệp của một VĐV Esports chuyên nghiệp. Thế nhưng, đằng sau vinh quang và thành công đến từ sớm, những game thủ chuyên nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ giải nghệ ngay khi vươn lên đỉnh cao.

Khởi đầu sớm, nhanh chóng tàn lụi

Một game thủ có thể bắt đầu sự nghiệp của mình ngay khi chập chững làm quen với những tựa game trên điện thoại và máy tính cá nhân. Trường hợp tiêu biểu nhất chính là Victor “Lil Poison” De Leon, người đang nắm giữ kỷ lục là VĐV Esports trẻ tuổi nhất mọi thời đại: Tham dự một giải đấu Halo khi mới 4 tuổi và 2 năm sau đã có hợp đồng chuyên nghiệp ở giải đấu Major League Gaming.

Lil Poison được ký hợp đồng chuyên nghiệp khi mới 6 tuổi

Thế nhưng, một VĐV Esports thường sẽ giải nghệ sớm hơn rất nhiều so với các môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, võ thuật... Hầu hết các game thủ sẽ đạt đỉnh cao trong sự nghiệp ở đầu độ tuổi 20, và sẽ giải nghệ chỉ vài năm sau đó. Trung bình, một VĐV Esports sẽ giải nghệ ở tuổi 25 và có thể sớm hơn.

Shroud giải nghệ và trở thành streamer

Michael “Shroud” Grzesiek đã từ giã sự nghiệp Counter-Strike: Global Offensive vào tháng 4/2018, chỉ 2 tháng trước khi bước sang tuổi 24. Biểu tượng của LMHT Trung Quốc, siêu xạ thủ Uzi thậm chí còn phải giải nghệ sớm hơn, khi mới 23 tuổi vì bị chấn thương hành hạ.

Ở bộ môn Dota 2, Danil "Dendi" Ishutin vẫn đang thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 31. Tuy nhiên, VĐV người Ukraine không còn giữ được thi đấu ở phong độ đỉnh cao và đang thi đấu cho B8, team Dota 2 đang xếp hạng 184 thế giới.

Dendi vẫn thi đấu bền bỉ kể từ thời điểm bắt đầu Dota 2 cho đến hiện tại

Esports là bộ môn chỉ dành cho những người trẻ?

Cũng như các bộ môn khác, các VĐV Esports sẽ lựa chọn giải nghệ khi họ không còn giữ được phong độ đỉnh cao và tình trạng cơ thể tốt nhất. Một nghiên cứu về sức khỏe của các VĐV Esports cho biết những yếu tố quan trọng nhất đối với một game thủ chuyên nghiệp chính là phản xạ, khả năng phối hợp giữa tay - mắt và một đôi tay nhanh nhẹn, linh hoạt. 

Trong buổi phỏng vấn trên tờ The Washington Post, tiến sĩ Todd Sontag chia sẻ về ảnh hưởng của tuổi thọ tới những VĐV Esports:

"Một game thủ 18 tuổi sẽ nhanh nhạy hơn rất nhiều so với những người già hơn. Khả năng phối hợp giữa tay và mắt sẽ bắt đầu suy giảm rõ rệt ở tuổi 25. Khi một VĐV đã bước qua những năm đầu của tuổi 20, họ khó lòng có thể tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp..."

Một VĐV Esports sẽ sớm bước qua thời kỳ đỉnh cao ở độ tuổi 2x

Các bộ môn Esports đòi hỏi sự quyết đoán và chính xác chỉ trong khoảnh khắc nhiều hơn bất cứ môn thể thao nào khác. Chính vì thế, tốc độ và sự nhạy bén là điều tiên quyết đối với thành công của các game thủ chuyên nghiệp. Khi mà phản xạ cùng khả năng thao tác của những VĐV Esports không thể theo kịp những người trẻ hơn, đó chính là thời điểm mà họ phải giải nghệ.

Nguy cơ chấn thương tiềm ẩn

Chấn thương luôn là mối hiểm họa với các VĐV, và ở Esports cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Thậm chí, các VĐV Esports phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe khi luôn phải sinh hoạt vô cùng thất thường.

Chấn thương thường gặp nhất là cổ tay. Năm 2015, tuyển thủ LMHT Hai “Hai” Du đã thông báo giải nghệ ngay trên stream của mình vì những vấn đề về cổ tay. Chấn thương này khiến anh không thể luyện tập trong nhiều giờ và phải chấm dứt sự nghiệp.

Xác định đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, nhiều game thủ đánh đổi sức khỏe vì phải đối mặt với lịch trình sinh hoạt thất thường, chưa kể đến áp lực tâm lí nặng nề. Chính điều này đã dẫn tới quyết định giải nghệ của xạ thủ Uzi:

"Thức khuya trong nhiều năm, những bữa ăn thiếu dinh dưỡng và stress liên miên đã khiến tôi bị tiểu đường loại 2. Bác sĩ nói với tôi rằng, nếu tôi tiếp tục thì sẽ còn nhiều triệu chứng nguy hiểm hơn."

Uzi - Xạ thủ số 1 của LMHT phải giải nghệ vì chấn thương lưng và stress

Vài năm gần đây, các tổ chức Esports mới bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào chế độ dinh dưỡng cũng như sức khỏe của các tuyển thủ. Ngoài các chuyên gia trị liệu và thể chất, một số tổ chức còn thuê các bác sĩ tâm lý và đã gặt hái những thành quả nhất định.

Mia Stellberg, cựu bác sĩ tâm lý của Astralis, người đã góp công không nhỏ trong chuỗi ngày thống trị của đội tuyển CS:GO năm 2016/17) đã gia nhập OG trước thềm The International 2019 và đóng một phần không thể thiếu trong chức vô địch TI thứ 2 liên tiếp của họ.

Mia Stellberg - Bác sĩ tâm lý từng làm việc cho các đội Esports lớn như Astralis (CS:GO), OG (Dota 2)

Giải nghệ khi không thể tìm đến đỉnh cao

Esports đã trở thành ngành công nghiệp tỷ đô, có thể biến những game thủ thành triệu phú chỉ sau 1 đêm. Tuy nhiên, không phải game thủ nào cũng được nếm trải mùi vị thành công và vinh quang. Đã có rất nhiều game thủ không thể tìm được thành công tại Esports và phải chuyến hướng sang một lối đi khác.

Để có thể tồn tại trong thế giới Esports, các tổ chức Esports phụ thuộc rất nhiều vào tiền thưởng và các giải đấu, bởi không phải tổ chức nào cũng nhận được tài trợ hay những khoản tiền lương hàng tháng. Nếu như không thể vô địch và đem về những khoản tiền thưởng, các tổ chức Esports có nguy cơ phải giải thể và các tuyển thủ sẽ buộc phải từ bỏ sự nghiệp của mình để trang trải cuộc sống.

Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn tới các tổ chức Esports và các tuyển thủ khi các giải đấu bị hoãn lại. Ngay tại Việt Nam, các tổ chức LMHT cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì kinh phí trong bối cảnh giải đấu VCS bị hoãn lại, còn các đội lại không thể tham dự các giải đấu quốc tế như CKTG 2021.

Giải đấu VCS bị hủy khiến các tổ chức Esports gặp rất nhiều khó khăn để duy trì đội

Tuy phải kết thúc sự nghiệp sớm, nhưng các game thủ vẫn sẽ có nhiều cơ hội để gắn bó với tựa game mình mong muốn. Các công việc trong lĩnh vực cũng có sự tương quan mật thiết nên khả năng xoay chuyển công việc trong ngành eSport cũng là một lợi thế. Điển hình, các tuyển thủ eSport sau khi giải nghệ sẽ có thể tận dụng kỹ năng chuyên môn và trở thành huấn luyện viên, hay thậm chí là streamer, bình luận viên...