Việt Nam góp mặt 2 cái tên trong đội hình ấn tượng nhất tại giai đoạn 1 vòng Khỏi Động CKTG 2017

Chưa cần tới GAM, Young Generation đã khiến cho cả thế giới phải chú ý tới Việt Nam tại giải CKTG 2017 này.

Những thay đổi về thể thức thi đấu của CKTG năm nay thực sự vô cùng thú vị và đồng thời cũng giúp những đội tuyển Wildcard có dịp cạnh tranh trực tiếp với những tên tuổi đến từ những khu vực phát triển hơn. Đây cũng là cơ hội hiếm có để các tuyển thủ gần như vô danh được bước ra ánh sáng và thể hiện tài năng trước hàng triệu khán giả theo dõi trên toàn thế giới. Và không để các bạn chờ lâu hơn nữa, hãy lướt qua đội hình phía dưới để biết được những cái tên nào đang có màn khởi đầu ấn tượng nhất.

Đường trên: NhocTy – Young Generation

Không còn xa lạ gì với khán giả Việt Nam, NhocTy chính là cái tên được người hâm mộ quan tâm nhất không chỉ tại vòng Khởi Động CKTG 2017 mà thậm chí từ trước đó, tuyển thủ này cũng đã ghi dấu ấn đậm nét trong chiến thắng của YG trước ASC, qua đó giúp Việt Nam có đại diện thứ hai xuất hiện tại sân khấu Thế Giới.

Dù không phải cái tên chiếm được niềm tin của ban huấn luyện ngay từ đầu nhưng mỗi lần có mặt, NhocTy đều phát huy vai trò của mình và đóng góp rất nhiều cho YG. Thêm một lần anh lại giúp YG lách qua khe cửa hẹp, khi người chơi đường trên chính thức của YG là Ren đã có một phong độ không hề tốt một chút nào trong ngày thi đấu đầu tiên và khiến YG rơi vào thế khó. Và chính vì lẽ đó, sự xuất hiện của NhocTy càng thêm phần quan trọng ở ngày thi đấu cuối cùng.

NhocTy đã có một ván đấu ấn tượng trước KLG.

Và phép màu lại một lần nữa xuất hiện khi YG lột xác hoàn toàn để giành chiến thắng thuyết phục trước cả Fnatic và KLG, qua đó có luôn tấm vé trực tiếp vào vòng sau mà không cần đến loạt tie-break. Trình độ của NhocTy được bộc lộ rõ ràng qua cả hai trận đấu khi lấn lướt hoàn toàn trước MANTARRAYA của KLG và quan trọng nhất chính là trong chiến thắng cân não trước đội đầu bảng Fnatic, đường trên của YG thi đấu cực kỳ tự tin khi không hề thua kém ngôi sao dày dặn kinh nghiệm như Soaz, đồng thời vẫn có những tình huống hỗ trợ đồng đội chuẩn xác. Với những chiến công mang lại, NhocTy hoàn toàn xứng đáng có tên trong đội hình này.

Đi rừng: Crash – 1907 Fenerbahce

Mặc dù thiếu thời gian tập cùng đội nhưng Crash vẫn thể hiện được kĩ năng cá nhân hàng đầu của mình.

Chỉ là lựa chọn phụ sau rắc rối về visa của người đi rừng Kang “Move” Min-su nhưng Crash đã chứng minh: lựa chọn sau không phải là lựa chọn kém hơn. Phần nào giống với trường hợp của NhocTy khi Crash chỉ có mặt trong đội hình ở những thời điểm tương đối nhạy cảm, màn thể hiện của Crash thực sự đã khiến tất cả quên đi sự vắng mặt của Move khi chính anh là người đem về vị trí đầu bảng D cho đội tuyển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Pha cướp Baron của Crash trong trận FB vs HKA.

Dù chưa hẳn là hoàn hảo khi FB để thua một ván tương đối đáng tiếc trước HKA nhưng cũng chính Crash đã lập công chuộc tội trong loạt tie-break căng thẳng, cướp đi bùa lợi Baron quan trọng trong một thế trận giằng co giữa cả hai đội, qua đó giúp FB giữ vững ngôi đầu để thoải mái bước tiếp tại vòng sau. Có thể nói ngoài lỗi cá nhân dẫn đến trận thua duy nhất của Fenerbahce ra, Crash gần như thi đấu hoàn hảo. Khả năng kiểm soát mục tiêu cũng như sử dụng trừng phạt chuẩn xác, cùng với đó là lối di chuyển khôn ngoan hỗ trợ cho đồng đội trong khoảng thời gian đầu, Crash chính là chìa khóa vận hành lối chơi cho FB. Vởi bản lĩnh và trình độ của một tuyển thủ từng thi đấu ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, chắc chắn Crash sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng giúp đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ tiến xa hơn nữa.

Đường giữa: Naul – Young Generation

Naul có những pha solo kill vô cùng đẹp mắt tại CKTG lần này

Khó mà tìm thấy cái tên nào có thể nổi bật hơn đại diện của khu vực GPL tại khu vực đường giữa, thậm chí là so với cái tên đến từ đại diện WE của nước chủ nhà, Xiye hay ngôi sao của 1907 Fenerbahce – Frozen. Cả Cloud9 và Team WE đều có lối chơi tương đối chú trọng đường giữa thời gian đầu nhưng ở bảng đấu của họ, dù tỏa sáng nhưng để tỏ ra thực sự nổi bật thì tương đối khó khăn.

Naul solo kill FNC Caps.

Young Generation thì khác. Hai đối thủ là KLG và Fnatic đều là những cái tên đáng gờm cũng như được đánh giá cao hơn chúng ta. Tuy nhiên, Naul lại không hề nghĩ vậy. Đâu phải tự nhiên mà những nhà phân tích đánh giá rất cao màn trình diễn của ngôi sao bên phía YG và gọi anh là người chơi đường giữa hàng đầu tại Vòng Khởi Động này. Đè đường lấy lợi thế hay thậm chí là tay đôi 1v1, cho tới những đóng góp trong giao tranh,… tất cả chỉ có thể gói gọn trong hai chữ: hoàn hảo

Đường dưới: Mystic và Zero – Team WE

Mystic có khả năng bắn trong giao tranh khá tốt, dù khi đi đường vẫn mắc nhiều sai sót.

Cặp đôi đường dưới của Team WE chưa bao giờ khiến người hâm mộ phải thất vọng kể từ đầu mùa giải đến giờ. Trong một meta mà xạ thủ dường như hiếm khi có cơ hội lên tiếng, Mystic cùng sự hỗ trợ của Zero đã trở thành một nguồn sức mạnh đáng sợ cho hạt giống số 3 của Trung Quốc.

Đâu phải dễ dàng khi bạn đứng đầu tại bảng tử thần với sự góp mặt của những cái tên đáng chú ý như Gambit và Lyon. Dù chưa thực sự đóng góp quá nhiều trong những chiến thắng của WE nhưng chính khả năng đi đường không thua của Mystic và Zero giúp ích cho những đường khác của WE rất nhiều. Đặc biệt khi những đối thủ của WE đều sở hữu những đường dưới hàng đầu tại vòng Khởi Động năm nay. Đó là WhiteLotus và Genthix của Lyon hay Blasting cùng EDward của Gambit. Trong một mùa giải mà đường dưới có phần ảm đạm như 2017, có lẽ không cái tên nào phù hợp hơn bộ đôi đường dưới của đội chủ nhà Trung Quốc.