Blade & Soul: Dấu chấm hết cho thời đại hoàng kim của game online MMORPG tại Việt Nam?

Nhìn về khía cạnh sản phẩm, Blade & Soul vẫn là một tựa game hàng đầu trên thị trường Việt Nam hiện tại, nhưng ở một vài góc nhìn khác từ phía cộng đồng, tựa game này cũng đã phần nào phản ánh được sự thay đổi về thị hiếu của game thủ Việt trong vài năm qua, khi mà MMORPG đã không còn sắm vai trò độc tôn trong xu hướng lựa chọn sản phẩm của người Việt…

MMORPG đã chết?

Điểm lại một số sản phẩm thuộc thể loại này hiện nay, chúng ta vẫn chỉ kể tên được những tựa game nổi tiếng như VLTK, Kiếm Thế,Cửu Âm Chân Kinh, Ngạo Kiếm Vô Song, Tân Thiên Long 3D… Đây đều là những trò chơi thuộc “thế hệ cũ”, trong khi đó, những cái tên mới ra mắt trong vòng 3 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất một Blade & Soul là duy trì được thành công nhờ tên tuổi quá lớn đã có trên thị trường quốc tế.

Dù có rất nhiều tựa game mới nhưng Tân Thiên Long 3D, Cửu Âm Chân Kinh hay VLTK vẫn là những cái tên nổi bật nhất của dòng game MMORPG
Dù có rất nhiều tựa game mới nhưng Tân Thiên Long 3D, Cửu Âm Chân Kinh hay VLTK vẫn là những cái tên nổi bật nhất của dòng game MMORPG

Vấn đề không chỉ nằm ở việc hầu hết các sản phẩm MMOPRG hiện nay đều không đạt đủ chất lượng (dĩ nhiên, ngoại trừ B&S), mà còn ở sự thay đổi về phong cách giải trí của game thủ Việt. Trong khi các sản phẩm MMORPG đều là những tựa game phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí là cả tiền bạc, thì những trò chơi eSports, FPS hay Casual lại hoàn toàn ngược lại, không có sự ép buộc về thời gian, hoàn toàn miễn phí và đề cao kỹ năng hơn là việc cày cuốc miệt mài và nhạt nhẽo.

Blade & Soul là tựa game MMORPG hiếm hoi tạo được ấn tượng trong vài năm gần đây
Blade & Soul là tựa game MMORPG hiếm hoi tạo được ấn tượng trong vài năm gần đây

Nếu cách đây 10 năm, những sản phẩm thuộc các thể loại trên chỉ được xếp vào diện game giải trí, giết thời gian, MMORPG mới là try-hard, thì giờ đây lại hoàn toàn ngược lại, người chơi thường ngần ngại tiêu tốn hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày cho một sản phẩm cày cuốc, mà thành quả nhiều khi vẫn chẳng được như mong đợi. Thay vào đó thì bỏ nửa giờ đồng hồ để chơi một trận đấu MOBA hay FPS, dù thắng dù thua vẫn mang lại tâm lý giải trí và thoải mái tốt hơn.

Thị hiếu của game thủ Việt đang dần thay đổi, và MMORPG đã không còn là lựa chọn hàng đầu
Thị hiếu của game thủ Việt đang dần thay đổi, và MMORPG đã không còn là lựa chọn hàng đầu

Đó có lẽ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc MMORPG đang mất dần vị thế trong cộng đồng game thủ trẻ, và chỉ còn được ưa chuộng ở một bộ phận game thủ lớn tuổi, có đủ nền tảng tài chính và thời gian để theo đuổi chúng.

Sẽ không còn tựa game bom tấn nào được đưa về Việt Nam?

Nhiều khả năng là như vậy. Blade & Soul thực sự là một canh bạc lớn, và cũng hơi đáng buồn khi thành tựu mà tựa game này mang lại vẫn chưa đủ lớn để tạo nên chất xúc tác thúc đẩy các NPH game khác đầu tư mạnh mẽ vào thể loại MMORPG.

Thêm vào đó là những bài học nhãn tiền của Võ Lâm Truyền Kỳ 3D, Cửu Long Tranh Bá, Cabal Online… đã cho thấy rằng những sản phẩm bom tấn quốc tế không phải lúc nào cũng…hợp phong thủy Việt Nam. Cộng thêm việc NPH Garena cũng đang phải “quay cuồng” với những yêu cầu khó tính từ phía cộng đồng, thì có lẽ các hãng game cũng sẽ nhìn vào bài học đó mà lựa chọn một hướng đi ít…đau đầu hơn.

Blade & Soul -
Blade & Soul – “võ sĩ đạo cuối cùng” của MMORPG tại Việt Nam?

Không có một tựa game thực sự chất lượng để trải nghiệm, người chơi lại tiếp tục buộc phải làm quen với những tựa game kiếm hiệp “3 xu” với đồ họa và lối chơi cũ mèm nhưng vẫn được cộp cái mác “tân thời”, và kết quả là, MMORPG trong con mắt của họ cũng trở nên méo mó và nhạt nhẽo dần theo thời gian.

Chơi game ở Việt Nam chẳng xong, nhưng bước ra biển lớn, game thủ Việt cũng chẳng mấy vui vẻ gì, Black Desert Online, Path of Exiles, Tree of Savior… đều sở hữu một lượng người chơi Việt Nam khá đông đảo, nhưng lại thiếu tính gắn kết, cộng thêm định kiến kỳ thị người chơi Việt, những cộng đồng game thủ này cũng chỉ có thể hoạt động nhỏ lẻ và không thật sự sôi động.

Cộng đồng game online Việt ở các server quốc tế cũng không thực sự vững mạnh
Cộng đồng game online Việt ở các server quốc tế cũng không thực sự vững mạnh

Trước viễn cảnh mờ mịt đó, hẳn nhiên sẽ khó có NPH nào dám bỏ ra số tiền hàng triệu USD, để đưa về một sản phẩm đi ngược xu hướng thị trường. Đây không còn là thời kỳ của một Vinagame đầy nhiệt huyết, đánh một ván bài dốc túi để đưa về Việt Nam một Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành huyền thoại, bởi đơn giản, trong thời đại này, game thủ hay Nhà phát hành, cũng đều phải kiếm sống.

Kết

Dĩ nhiên, đối với một số đông người chơi, việc MMORPG không còn được ưa chuộng tại Việt Nam có lẽ cũng không mấy quan trọng, bởi bằng nhiều phương thức, họ đã có thể tiếp cận với nhiều sản phẩm chất lượng hơn trên thế giới.

Những cuộc hội ngộ cộng đồng rồi cũng sẽ mai một theo sự biến mất của MMORPG...
Những cuộc hội ngộ cộng đồng rồi cũng sẽ mai một theo sự biến mất của MMORPG…

Tuy nhiên, thứ đáng để tiếc nuối nhất chính là yếu tố cộng đồng – một nét văn hóa đẹp trong cộng đồng game đang dần bị mai một (thật may là vẫn còn những cái tên MMORPG trên di động như VLTK Mobile làm cứu cánh), cũng như một chút hoài niệm cá nhân của người viết bài – một game thủ đầu 9x, về những giai đoạn đẹp nhất của thời kỳ hoàng kim MMORPG.