Các kênh YouTube có nội dung xấu vẫn kiếm tiền đều đều trăm triệu, Google ngó lơ?

Khâu kiểm duyệt sơ sài của YouTube khiến nhiều nhãn hàng đang vô tình nuôi sống các kênh có nội dung giật tittle, câu view thậm chí chứa các nội dung phản cảm và phi pháp.

Khi dạo qua 1 vòng YouTube, người xem có thể dễ dàng tiếp cận với các video giang hồ, nội dung xấu trên nền tảng này. Đáng buồn hơn, các kênh chứa nội dung như vậy vẫn kiếm tiền đều đều, được chi trả thông qua chính sách của Google, cụ thể là Google Adsense.

Qua đó, chỉ cần các video hiển thị quảng cáo cho người xem là nghiễm nhiên các chủ kênh sẽ kiếm tiền được. Dù ở Việt Nam, mức chi trả cho mỗi lượt hiển thị không cao, nhưng bằng các cách giật tittle, câu view... bất chấp, các video hàng trăm nghìn và triệu view vẫn mang về số tiền không hề nhỏ. Chỉ mới đây thôi, khi "giang hồ mạng" như Khá Bảnh khai mỗi tháng kiếm hơn 400 triệu từ YouTube khiến nhiều người phải choáng váng. Bởi nội dung làm xấu đi hình ảnh giới trẻ, thậm chí phá hoại tài sản... nhưng vẫn được đội kiểm duyệt của YouTube cho qua và hút tiền về túi Khá Bảnh vô cùng dễ dàng.

Tìm hiểu sâu, nguồn tiền để Google trả cho các kênh có nội dung phản cảm kể trên lại đến từ chính các doanh nghiệp Việt. Hay nói một cách khác, rất nhiều nhãn hàng vô tình 'nuôi' các kênh này mà không hề hay biết, chỉ vì Google ngó lơ.

Các kênh YouTube có nội dung xấu vẫn kiếm tiền đều đều trăm triệu, Google ngó lơ? - Ảnh 1.

Nhiều quảng cáo hiển thị trên kênh Khá Bảnh mà chính chủ doanh nghiệp cũng không hay biết.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về mô hình Google Adsense, hãy xét ví dụ như sau. Sau khi khách hàng vào trang web của một hãng di động A, trình duyệt ghi nhận người này có thể quan tâm đến các sản phẩm của hãng A đó.

Sau đó họ truy cập YouTube, những kênh đủ điều kiện kiếm tiền sẽ được Google cho hiển thị quảng cáo của hãng A. Những mẩu quảng cáo này sẽ chủ động "bám" theo người dùng khi xem các video tiếp theo.

Về lý thuyết, nhãn hàng không chủ đích đưa quảng cáo lên các kênh YouTube có nội dung bẩn. Trách nhiệm phân phối quảng cáo thuộc về Google. Tuy vậy, YouTube không thực hiện nghiêm túc việc lọc nội dung khiến các quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các kênh có nội dung phản cảm.

Trong đó, trường hợp hàng loạt kênh có nội dung giang hồ, bạo lực như Khá Bảnh vẫn đang tiếp tục nhận tiền từ YouTube là ví dụ.

Các kênh YouTube có nội dung xấu vẫn kiếm tiền đều đều trăm triệu, Google ngó lơ? - Ảnh 2.

Số tiền chi cho quảng cáo google Adsense đang nuôi sống những kênh YouTube bẩn mà nhiều khi nhãn hàng không biết.

Dù các video Khá Bảnh vi phạm hầu hết quy định riêng của YouTube nhưng mạng xã hội này vẫn bật kiếm tiền cho kênh trong suốt 2 năm. Đây được xem là việc làm qua mặt nhãn hàng, sử dụng tiền của họ để duy trì hoạt động cho Khá Bảnh.

Mỗi tháng, Khá Bảnh nhận được hơn 450 triệu đồng từ việc hiển thị quảng cáo Google Adsense. Bên cạnh đó, YouTube trao nút bạc, nút vàng khi kênh của Khá Bảnh đạt 100.000 và 1.000.000 lượt đăng ký như một sự khuyến khích. Trong một video, Khá Bảnh tuyên bố sẽ cố gắng trở thành người Việt Nam đầu tiên có nút kim cương.

Ngoài Khá Bảnh, hàng loạt các kênh với nội dung như tin giả, nói xấu, xuyên tạc... và các kênh giang hồ vẫn được YouTube "đục lỗ" để hiển thị quảng cáo, kiếm tiền.

Việc làm này vừa vi phạm chính sách của YouTube, vừa gây ảnh hưởng đến các nhà sáng tạo nội dung chân chính bởi họ không thể cạnh tranh về độ thu hút người dùng với các kênh bẩn. Tuy vậy, nó giúp việc phân phối quảng cáo dễ dàng hơn bởi có nhiều người quan tâm hơn.

Các kênh YouTube có nội dung xấu vẫn kiếm tiền đều đều trăm triệu, Google ngó lơ? - Ảnh 3.

Nút vàng, nút bạc vẫn được YouTube trao đều đặn cho các nội dung xấu?

Trách nhiệm chính thuộc về YouTube

Có thể thấy, khi doanh nghiệp bỏ tiền ra quảng cáo hiển thị video, YouTube phải chịu trách nhiệm để phân phối các mẩu quảng cáo này trên các kênh sạch, tất nhiên là đúng đối tượng mà doanh nghiệp yêu cầu.

Bên cạnh đó, người dùng và cả các doanh nghiệp phải sử dụng triệt để công cụ report nếu thấy mình đang bị lợi dụng để "nuôi" các kênh có nội dung phản cảm.

Như vậy giải pháp toàn diện phải đến từ nỗ lực cả hai phía, trong đó YouTube ở thế chủ động đương nhiên phải có trách nhiệm lớn hơn. 


Các kênh YouTube có nội dung xấu vẫn kiếm tiền đều đều trăm triệu, Google ngó lơ? - Ảnh 4.

Những video vi phạm chính sách YouTube vẫn vô tư hiển thị quảng cáo.

Nhiều ông lớn từng tẩy chay YouTube

Tại nhiều nước trên thế giới, các nhãn hàng rất nghiêm túc trong việc hình ảnh thương hiệu mình sẽ xuất hiện cạnh những nội dung nào. Năm 2017, hàng loạt nhãn hàng lên tiếng cảnh báo hay thậm chí cắt quảng cáo với YouTube vì để hình ảnh thương hiệu họ xuất hiện trong các video không phù hợp.

"Việc hình ảnh thương hiệu xuất hiện bên cạnh những video phản cảm, vi phạm là chuyện mà các nhãn hàng không nên xem là bình thường. Quảng cáo trong môi trường mạng xã hội, toàn bộ rủi ro nếu có đều thuộc về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách mua quảng cáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội", thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.

Theo Bloomberg và Reuters, Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG và nhiều công ty khác cũng từng đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video không phù hợp.

"Chúng tôi dừng quảng cáo trên YouTube và Google ngay khi biết tin. Chúng tôi rất sốc và không ngờ rằng quảng cáo lại được phát trên những nội dung nhạy cảm như thế", đại diện Deutsche Bank nói với Bloomberg.

Đầu năm 2017, YouTube cũng đối mặt với làn sóng rút quảng cáo từ hàng chục công ty lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, Sainsbury's, Toyota, Volkswagen, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal...

Hy vọng rằng YouTube sẽ kiểm duyệt gắt gao hơn và loại bỏ những kênh phản cảm khỏi nền tảng của mình.