Hãy thử tưởng tượng, bạn trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, bật máy tính lên và tận hưởng những giờ phút thư giãn với những tựa game yêu thích. Nhưng thay vì cảm thấy thoải mái như mọi khi, lần này bạn gặp phải những đồng đội - những game thủ vô cùng toxic - những người mà sẵn sàng tung ra cả tràng những lời công kích mạnh mẽ, tục tĩu nhất nhằm vào đồng đội, cũng như sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để giải tỏa tâm trạng nóng nảy của mình. Nghe cũng chẳng thấy vui rồi phải không.
Thế nhưng, đó là một phần không thể thiếu trong mọi tựa game đâu. Chẳng ai vui khi phải chơi cùng những player toxic như vậy, và ngay cả bạn, có lẽ cũng nên tự nhìn lại bản thân để xem mình có phải là một người chơi toxic không đấy. Hãy dựa theo những dấu hiệu sau để nhận biết nhé.
"Đó không bao giờ là lỗi của tôi"
Vâng, có thể nói đây chính là câu nói cửa miệng của những người chơi toxic. Cứ mỗi trân thua, thay vì tự ngẫm lại xem bản thân mình đã phạm phải những sai lầm gì, đa phần những player thuộc tuýp này thường xuyên tìm mọi cách để đào bới, đổ lỗi cho đồng đội.
Thắng do bản thân chơi hay, thua do không gánh được đồng đội - có nhiều game thủ loại này lắm
Và đó có lẽ là lý do mà đa phần các game thủ toxic đều thường lựa chọn những tựa game yêu cầu tính đồng đội cao, thay cho các game solo 1vs1 thường thấy, vì đơn giản, nếu cứ chơi những game như Starcraft thì biết lấy ai để đổ lỗi bây giờ. Thôi thì vào làm vài trận DOTA 2 hay LMHT rồi blame đồng đội để giải tỏa tâm lý có phải dễ hơn không.
Thật ra, 99% những kẻ có câu cửa miệng kể trên chắc chắn cũng đóng góp phần nào công sức để làm nên một game đấu thất bại. Nhưng thay vì tự dằn vặt bản thân hay tôn vinh đối thủ, đổ lỗi cho đồng đội có vẻ là cách để giữ thể diện cũng như bao biện nhanh nhất thì phải.
Khiêu khích đối thủ
Trường hợp này cũng khá thường xuyên xảy ra. Không phải chỉ có người thua cuộc mới bộc lộ sự toxic của mình đâu. Ngay cả khi thắng cuộc, nếu là một player toxic, nhiều người vẫn thể hiện được phẩm chất riêng của mình.
Những cú khiêu khích, gáy trong game thường được các game thủ toxic thể hiện rõ nhất
Đó có thể là những câu nói, những đoạn chat chê bai, thể hiện sự thiếu tôn trọng, khiêu khích và kích bác đối thủ. Điều này có thể thấy rất nhiều trong những tựa game MOBA như DOTA 2 hay LMHT. Khi đang có lợi thế lớn và nhiều khả năng sẽ thắng game đấu thì chẳng player toxic nào không tranh thủ "gáy" nhẹ cái cả. Kết quả sau này thì chưa biết, nhưng gáy được thì cứ gáy đã. Nếu thắng thì tất nhiên là do mình chơi hay, còn nếu bị lật kèo, một số player thì sẽ rage quit trước khi game đấu kết thúc, một số thì tức giận và lặp lại điệp khúc như trên: "Đó không bao giờ là lỗi của tôi".
Không chắc chắn nhưng cứ report đối thủ cái "nhẹ"
Đổ lỗi cho đồng đội là một cách, những player toxic đôi khi còn có một biện pháp chống chế cũng vô cùng hữu hiệu cho thất bại của mình, đó là cáo buộc đối thủ sử dụng những phần mềm gian lận như hack, cheat để thắng cuộc. Điều này có thể đúng, có thể sai, nhưng tốt nhất bạn đừng bao giờ nên nói lý lẽ với những kẻ toxic.
Thua là do đối thủ dùng tool hoặc hack thôi, nên cứ report cái nhẹ, nhầm còn hơn bỏ sót mà
Đó cũng là lý do mà những tựa game như PUBG phải xử lý rất nhiều trường hợp report về hack một cách bừa bãi. Đôi khi, chỉ cần bị chết một cách ngớ ngẩn, những player toxic cũng sẽ report ngay lập tức mà không cần tới nửa giây suy nghĩ. Lý luận của họ cũng đơn giản, "Tôi vốn giỏi, mà bạn giết được tôi thì bạn chỉ có thể là hacker mà thôi".
Thắng, thắng, thắng bằng mọi giá
Chúng ta chơi game để vui, nhưng với những player toxic, chơi game là để thắng, và không thắng thì còn lâu mới vui và game đấu chẳng còn nhiều ý nghĩa. Đó chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đang chính thức bước trên con đường là một gamge thủ toxic đúng nghĩa rồi đấy.
Chơi game thì vui là đủ, thắng cũng vui đấy nhưng căng thẳng và toxic quá thì có nên không
Đúng là thắng thì vui thật đấy, nhưng ngay cả khi thua, ít ra chúng ta cũng có những phút giây thoải mái và thư giãn. Đó mới chính là ý nghĩa cũng như như mục đích mà những nhà phát hành game cũng như những người chơi chân chính hướng tới. Ờ thì thua nhiều cũng nản, nhưng liệu nếu cứ làm mọi cách để thắng như cheat, smurf, bắt nạt những đối thủ yếu khác, bạn có vui mãi được không. Thế nên, nếu xác định chơi game là để vui, đừng bao giờ tự biến bản thân thành con người toxic nhé.