Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc

DeathAdder V2 HyperSpeed là sản phẩm tiếp theo trong dòng DeathAdder huyền thoại của Razer và ngay lập tức khẳng định được giá trị của mình.

DeathAdder vốn là cái tên thuộc hàng kinh điển trong làng chuột gaming và có lẽ là Razer đang muốn mở rộng đối tượng người dùng hơn nữa. Mới đây họ đã ra mắt phiên bản DeathAdder V2 HyperSpeed phải nói là siêu tiện dụng cho cả nhu cầu gaming lẫn sử dụng văn phòng bình thường, thậm chí dành cho cả những người thường xuyên phải đi công tác xa.

Cũng như những sản phẩm gần đây, Razer có một phong cách đóng hộp mới rất đơn giản và thân thiện với môi trường khi sử dụng giấy bìa tái chế, in hình sản phẩm rõ ràng cùng với các tính năng nổi bật. Bộ phụ kiện cũng vô cùng giản đơn với một cục pin AA, bộ sách hướng dẫn và sticker "rắn xanh" quen thuộc.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 1.

Form cầm của Razer DeathAdder V2 HyperSpeed theo dạng công thái học dành cho người thuận tay phải với phần lưng chuột gồ lên để ôm vào lòng bàn tay game thủ. Đây là thiết kế kinh điển đã làm nên tên tuổi của dòng chuột DeathAdder và dĩ nhiên là phiên bản này vẫn giữ nguyên truyền thống này.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 2.

Vỏ chuột được làm hoàn toàn bằng nhựa nhám cao cấp, sờ vào có cảm giác rất thích tay mà không bị trượt ngay cả khi đổ mồ hôi, cũng không để lại dấu vân tay gây mất mỹ quan.

Mặc dù có lớp vỏ trên tách rời hoàn toàn tạo thành một cái nắp đậy song NSX đã tính toán rất kỹ để tổng thể chú chuột Razer DeathAdder V2 HyperSpeed tạo được cảm giác liền lạc. Các khớp nối thực sự rất khít, bóp mạnh từ mọi hướng cũng không tạo ra tiếng ọt ẹt, phải nói là rất chắc chắn, không thua gì những chú chuột bình thường cả.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 3.

So sánh với những người đàn anh trong dòng DeathAdder trước đây là V2 Pro thì chú chuột này đã bị "cắt giảm" đi một chút. Đầu tiên là lớp cao su ở hai cạnh bên để tăng độ bám vào ngón tay. Do đó với những người ra rất nhiều mồ hôi tay thì cầm Razer DeathAdder V2 HyperSpeed có lẽ sẽ trơn hơn một chút.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 4.
Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 5.

Chi tiết cắt giảm tiếp theo chính là bộ đèn đóm thương hiệu của Razer, trên sản phẩm này hoàn toàn không có chỗ nào phát sáng cả, dĩ nhiên là hiệu ứng Chroma nổi danh cũng... không tồn tại. Đây là điều dễ hiểu khi chú chuột này phải tối ưu thời lượng pin do sử dụng pin rời không sạc. Dù vậy, với bản thân người viết bài thì điều này vẫn ổn, vì đằng nào khi cầm chuột thì đèn lưng cũng bị che đi mất rồi.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 6.

Về cơ bản thiết kế bên ngoài của Razer DeathAdder V2 HyperSpeed vẫn cực đỉnh mặc dù có một số cắt giảm. Game thủ có thể cầm theo kiểu gì cũng thấy ổn, kể cả palm grip, claw grip hay fingertip grip đều rất thoải mái. Đơn giản bởi hình dạng đã trở thành chuẩn mực và trọng lượng rất vừa phải. Tất nhiên nếu mà bạn thuận tay trái thì... đành chịu vậy.

Bên dưới lớp vỏ này là nơi để game thủ cất dongle 2.4G và có thể tháo lắp, thay pin cho chuột. Razer DeathAdder V2 HyperSpeed hỗ trợ 2 cỡ pin là AA và AAA. Rõ ràng là pin tiểu (AA) sẽ có dung lượng cao nhưng cũng nặng hơn so với pin đũa (AAA). Game thủ cần cân nhắc giữa cho thời lượng sử dụng và trọng lượng của chú chuột khi quyết định lắp loại pin nào.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 7.

Chú chuột này có cách bố trí nút chuẩn chỉ, với 7 nút lập trình được. Chất lượng nút tốt cho cả 2 nút chính và 2 nút phụ lớn bên hông với độ nảy hoàn hảo, bấm xuống êm ái mềm mại, phản hồi tới ngón tay cực đã. Hai nút trái phải lại có công nghệ switch quang thế hệ 2 giúp nhận tín hiệu nhanh mà không bao giờ phải lo bị double click cả. Nút cuộn vẫn thể hiện được phong độ tuyệt vời với khấc rõ ràng, lăn mượt mà.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 8.

Một điểm khác biệt so với Razer DeathAdder V2 Pro trước đây là nút chỉnh DPI đã được "chuyển nhà" sang một góc ở nút chuột trái. Yên tâm là bạn sẽ khó bấm nhầm lắm, nhưng thực tế mà nói thì chuyển DPI sẽ bớt tiện đi một chút.

Dưới đáy, chúng ta có sensor nằm chính giữa, nút gạt bật tắt, đồng thời chuyển giữa kết nối 2.4G cực nhanh hoặc bluetooth tiện dụng và có thời lượng sử dụng lâu hơn. Tiếp đó là lớp feet chuột trơn mịn, tuy vậy nó có kích thước hơi bé một chút so với những con chuột gaming hàng top trên thị trường.

Rõ ràng khi cần sự tiện lợi trong các chuyến công tác, sử dụng để làm việc thì chế độ Bluetooth sẽ hữu hiệu hơn khi kết nối dễ dàng với laptop hoặc máy tính bảng. Còn khi bạn muốn nghiêm túc chơi game thì hãy cắm dongle và gạt sang 2.4G Hyperspeed để tận hưởng chế độ "không lag" như là có dây vậy.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 9.

DeathAdder V2 HyperSpeed sử dụng cảm biến quang học 14K DPI 5G của Razer thay vì người anh khác trong dòng DeathAdder là V2 Pro vốn được trang bị sensor Focus+ cao cấp hơn.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thực tế với các tựa game bắn súng đòi hỏi độ chính xác cao như CS:GO, PUBG, Valorant thì sensor này thể hiện vô cùng hoàn hảo. Các pha flick nhanh hay aim từ tường ra… vẫn vô cùng chuẩn chỉnh không lệch đi đâu cả. Ngoài ra thì mức DPI 14k cũng đã là quá thừa so với nhu cầu sử dụng phổ thông rồi nên cũng chẳng có gì mà thiệt thòi cả.

Đánh giá Razer DeathAdder V2 HyperSpeed - Chú chuột siêu tiện dụng cho cả chơi game lẫn làm việc - Ảnh 10.

Thời lượng pin của Razer DeathAdder V2 HyperSpeed phải khẳng định là... "trâu bò" khi NSX cam kết là cục Energizer Max có dung lượng khoảng 2800 mAh theo kèm sẽ dùng được 235 giờ ở chế độ 2.4G, tức là ngày dùng đủ 8 tiếng thì 1 tháng mới hết 1 cục. Với tần suất sử dụng khoảng 4 tiếng 1 ngày trong 2 tuần liền của tôi thì có lẽ là còn chờ lâu lắm để được thay viên khác. Những ai dùng bluetooth chắc chắn là sẽ dùng đến mức… mòn mỏi thì thôi.

Việc thay thế những cục pin này cũng rất đơn giản bởi cả 2 chuẩn pin tiểu và pin đũa đều được bán rộng rãi trên thị trường, ra tiệm tạp hoá nào cũng có thể mua được với giá rẻ. Để đề phòng bất trắc thì bạn có thể mua sẵn một cục bỏ vào balo, chuột nháy đỏ hết pin thì thay luôn để không bị ngắt quãng trong quá trình chơi.

Tổng kết, Razer DeathAdder V2 HyperSpeed chắc chắn là sản phẩm sẽ định nghĩa lại sự tiện lợi của những chú chuột gaming trên thị trường khi có kết nối đa dạng, sử dụng pin rời linh hoạt giữa AA và AAA để tạo ra sự thoải mái nhất về thời lượng cũng như trọng lượng chuột. Ngoài ra các tính năng về độ chính xác, cảm giác bấm và cả chất lượng kết nối không dây đã quá hoàn hảo!